Để kích thích trí thông minh của trẻ, cha mẹ hãy là người hướng dẫn bé chơi. Nhưng trước tiên cha mẹ cần chơi trước sau đó để bé làm theo nhé. Đảm bảo là cả nhà sẽ rất vui và bé có thêm cơ hội để phát triển trí thông minh đấy.
1. Chơi ú tim.
Trò chơi trốn tìm của bạn không chỉ có tác dụng khiến bé bật cười đâu. Bé còn học được một điều rằng có những vật có thể biến mất đi một lúc rồi lại xuất hiện ra.
2. Vẽ tranh
Trò vẽ tranh thích hợp nhất cho các bé 3 tuổi. Vẽ tranh không chỉ là trò chơi được rất nhiều bé yêu thích mà còn là một trò chơi phát triển trí thông minh của bé. Nó giúp bé phát huy trí tưởng tượng, nhận biết màu sắc, hình thành khả năng tư duy và phối hợp như quả cam có hình tròn, chiếc lá màu xanh. Không những thế bé còn có thể học tập và phân biệt được các hình khối đơn giản nữa ah. Mẹ có thể giúp bé vẽ các nét thẳng, vẽ các đường thẳng từ trên xuống dưới, đầu dưới cùng vẽ đường tròn nhỏ và bảo đó là giọt mưa, mẹ tiếp tục vẽ đường thẳng với hình oval ở phía trên để thành hình bóng bay, vẽ ông mặt trời…
3. Gọi điện thoại
Trò chơi gọi điện thoại nhằm phát triển vận động ngón tay và phối hợp động tác giữa mắt và tay. Mẹ nên chuẩn bị 2 điện thoại đồ chơi cho mẹ và bé. Mẹ vừa đọc số điện thoại (khoảng 3 – 5 chữ số cho bé dễ nhớ) vừa ấn ngón tay lên bàn phím điện thoại để “gọi” cho bé, sau đó mẹ bắt chước tiếng chuông kêu “reng reng”. Bé nhấc điện thoại nói “Alo, ai đấy ạ?” và hai mẹ con bắt đầu nói chuyện qua điện thoại. Những lần chơi sau hai mẹ con đổi vai để bé nhấn số và gọi trước.
4. Múc bóng
Troc múc bóng không chỉ giúp bé vận động ngón tay và bàn tay mà còn giúp bé học cách cầm thìa để chuẩn bị cho bé tự xúc cơm. Mẹ nên chuẩn bị 2 cái bát (hoặc rổ nhỏ) 1 to 1 nhỏ. Để một quả bóng vào bát to, dùng thìa múc bóng từ bát to sang bát nhỏ rồi múc ngược trở lại. Mẹ làm mẫu cho bé xem trước, khi bé đã thuần thục trò chơi này có thể cho bé cầm bát đổ bóng từ bát to sang nhỏ hoặc ngược lại.
5. Xâu chuỗi hạt
Trò này thích hợp cho các bé độ tuổi nhà trẻ chơi. Trò chơi xâu hạt giúp bé vận động cơ tay và mắt, sự khéo léo, tính kiên trì, làm theo được các hành động khó. Mẹ chuẩn bị dây cước sợi to và các hạt nhựa, gỗ, có lỗ ở giữa (có thể tháo ra từ chiếc vòng cũ của bạn) nhiều màu sắc, đựng hạt trong rổ hoặc hộp. Mẹ từ từ xâu từng hạt vào dây cho đến hết, xâu đến đoạn nào thì cố gắng giải thích cho bé hiểu. Xâu hết, bạn vòng hai đầu, buộc lại và được một chiếc vòng đeo vào tay bé. Khi nào bé đã thực sự hiểu, hãy tháo ra và để cho bé tự xâu lại. Hãy khen bé nhiệt tình khi bé làm được sản phẩm đầu tiên.