Năm mới chính là thời điểm tuyệt vời để ba mẹ trò chuyện và cùng con lên kế hoạch cho những mục tiêu mình muốn thực hiện và đạt được trong năm mới. Đây cũng là một kỹ năng sống cần thiết và có ích cho tất cả mọi người ở mọi độ tuổi, từ một em bé mầm non cho đến một người trưởng thành.
Thiết lập mục tiêu cho năm mới là cơ hội hoàn hảo để cả gia đình nói chung và trẻ nói riêng học cách hướng tới những thay đổi tích cực và bền vững, cũng như lên kế hoạch cho những điều tuyệt vời mà mình muốn thực hiện trong năm mới.
Tháng 12 này, cùng với chủ đề “Hân hoan chào năm mới an lành”, Go Kids mong muốn được cùng ba mẹ chia sẻ những dự định ý nghĩa, ấm áp và lành mạnh cho năm mới, quan trọng hơn cả, những chỉ dẫn thiết thực và cụ thể của các bài viết sẽ giúp chúng ta thiết lập được những mục tiêu phù hợp với từng thành viên trong gia đình, lên những kế hoạch khả thi, cũng như duy trì quyết tâm để cả gia đình có một năm mới khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn.
Các bảng kế hoạch dễ bị lãng quên
Có một thực tế là, hầu hết các bảng kế hoạch cho năm mới đều bị chúng ta lãng quên ngay từ khi tháng Giêng chưa kết thúc. Nguyên nhân thường gặp là do ngay từ đầu, chúng ta đã không có sự chia sẻ và thống nhất với mọi thành viên trong gia đình để lên được những mục tiêu phù hợp và khả thi; đồng thời để những mục tiêu này được thực hiện một cách đầy niềm vui và bền bỉ, việc thiết lập những cam kết và trách nhiệm của từng thành viên cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý.
Vì thế, chúng ta hãy cùng bắt đầu từ việc hướng dẫn trẻ học cách thiết lập mục tiêu theo công thức “SMART” dưới đây. (Công thức “SMART” được viết tắt bằng các chữ cái đầu trong các từ sau: Specific (Cụ thể) - Measurable (Có thể đo lường) - Achievable (Có thể đạt được) - Relevant (Có sự liên quan) - Time-bound (Giới hạn thời gian). Các từ này sẽ được dịch ra tiếng Việt trong nội dung tiếp theo của bài viết.)
1. Hãy cụ thể
Thay vì gạch ra những mục tiêu chung chung, hãy liệt kê chính xác những gì ba mẹ muốn con mình hoặc bản thân mình đạt được. Ví dụ, thay vì “bắt đầu tập chạy”, hãy đạt mục tiêu “chạy 30 phút mỗi ngày”; thay vì “giúp ba mẹ làm việc nhà”, hãy lên kế hoạch “giúp ba mẹ rửa bát vào bữa tối”. Các mục tiêu càng cụ thể thì tính khả thi sẽ càng rõ ràng và sự cam kết sẽ càng chắc chắn.
2. Có thể đo lường
Chúng ta sẽ theo dõi mục tiêu mình đặt ra như thế nào và căn cứ vào đâu để xác định là con đã hoàn thành hay thành công chưa? Một số hoạt động hay mục tiêu có thể gắn liền với số lượng thời gian thực hiện, một số khác sẽ là số lần thực hiện trong một tuần/một tháng hoặc một số mục tiêu sẽ được hoàn thành khi đạt tới một cột mốc nào đó (thời gian, số lượng…).
Hãy cùng làm rõ các “đơn vị” đo lường của từng mục tiêu mà chúng ta thiết lập và theo dõi nó trên một tấm bảng được treo ở vị trí thường xuyên nhìn thấy trong nhà. Mỗi một cột mốc đạt được cũng chính là động lực và nguồn cảm hứng để chúng ta tiếp tục hoàn thành những mục tiêu khác.
3. Có thể đạt được
Chúng ta không nên đặt ra những mục tiêu quá dễ dàng, nhưng cũng cần phải thực tế và có tính khả thi. Với mỗi mục tiêu đặt ra, hãy luôn đặt câu hỏi “liệu mình có đủ thời gian, phương tiện, công cụ và khả năng để biến điều này thành hiện thực không?” Việc đặt mục tiêu chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có thể hoàn thành nó mà thôi, và động lực lớn lao từ việc bạn có thể hoàn thành đó sẽ giúp chúng ta phát triển bản thân tốt hơn qua từng thử thách vừa sức.
4. Có sự gắn kết
Những mục tiêu liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sở thích, ước mơ của chúng ta sẽ có tính khả thi rõ ràng hơn so với những mục tiêu viển vông và xa vời. Hãy thiết lập các mục tiêu gắn kết chặt chẽ với những điều chúng ta đang tập trung xây dựng và mục đích lớn hơn của chúng ta trong cuộc sống.
5. Giới hạn thời gian
Sự rõ ràng về thời gian thực hiện và hạn chót cần hoàn thành là rất quan trọng. Hãy bôi đậm các cột mốc thời gian này trên tấm bảng theo dõi của cả nhà để luôn được nhắc nhở mỗi ngày.
Đặt ra mục tiêu để dần hình thành thói quen
Trong số các yếu tố tạo nên công thức “SMART” ở trên thì yếu tố “Specific - Cụ thể” và “Achievable - Có thể đạt được” là hai yếu tố thường làm khó chúng ta nhất. Để đặt ra được những mục tiêu cụ thể, chúng ta cần có sự hiểu biết về đặc điểm phát triển cũng như thấu hiểu tâm lý của mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ví dụ, trẻ từ 3-5 tuổi sẽ thường gặp khó khăn khi thực hiện các mục tiêu dài hạn. Vì thế, các mục tiêu nhỏ, có thể hoàn thành mỗi ngày là sự lựa chọn hoàn hảo để giúp trẻ dần hình thành các thói quen lành mạnh hay những mục tiêu to lớn hơn.
Những mục tiêu cho một năm mới lành mạnh (Nguồn: verywell - GoKids biên dịch)
Dưới đây là một số ví dụ về các mục tiêu phù hợp với lứa tuổi trẻ mầm non:
- Con sẽ dọn dẹp đồ chơi gọn gàng trước khi đi ngủ.
- Con sẽ đánh răng hai lần một ngày, một lần sau khi ăn sáng và một lần nữa trước khi đi ngủ.
- Con sẽ rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi và trước khi ăn.
- Con sẽ nếm thử tất cả thức ăn trong đĩa của mình, dù chỉ là một miếng.
- Con sẽ chơi ở ngoài trời cùng ba mẹ 60 phút mỗi ngày.
Đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học, ba mẹ có thể cùng con thảo luận và đạt một số mục tiêu như sau:
- Con sẽ uống 5 cốc nước to mỗi ngày.
- Con sẽ ăn ít nhất một loại trái cây mỗi ngày.
- Con sẽ chơi một môn thể thao và tập luyện ít nhất 3 lần một tuần.
- Con sẽ luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp.
- Con sẽ luôn thắt dây an toàn khi lên xe.
- Mỗi tuần, con sẽ đọc ít nhất một cuốn sách.
- Con sẽ không dùng các thiết bị điện tử ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ.
Chúng ta cũng nên đặt ra những mục tiêu chung cho cả gia đình:
- Cả nhà sẽ chỉ ăn đồ ăn nhanh mỗi 3 tháng một lần.
- Cả nhà sẽ dành 30 phút để đi dạo ngoài trời cùng nhau mỗi tối trong tuần và ít nhất 60 phút vui chơi ngoài trời vào cuối tuần.
- Cả nhà sẽ cùng nhau nấu hai bữa tối trong tuần.
- Cả nhà sẽ cùng nhau đọc sách trước giờ đi ngủ.
- Mỗi thành viên trong gia đình sẽ dành 1 giờ mỗi tuần làm thời gian riêng tư với mỗi thành viên khác trong gia đình.
Chúc mọi gia đình nhỏ đều sẵn sàng ở vạch xuất phát với những mục tiêu và dự định tuyệt vời để hân hoan chào đón một năm mới an lành.
Go Kids Team