Con bạn là đứa trẻ hay suy tư mơ mộng và thích ở một mình? Một cô bé rụt rè, nhút nhát? Một cậu bé ít nói, hay ngại ngần, không quen tiếp xúc với đám đông? Hãy giúp con vượt qua những rào cản tâm lý.
Mỗi người chúng ta được sinh ra với những loại khí chất riêng biệt. Nếu con bạn thuộc loại khí chất ưu tư, thường thì con có xu hướng xa lánh, không thích những hoạt động náo nhiệt. Khi tiếp xúc chỗ đông người, con sẽ rụt rè, nhút nhát hay tự ti, khép kín, trở nên lúng túng, vụng về trong hoàn cảnh mới. Cảm giác e thẹn choáng ngợp, con trở nên khó khăn trong việc giao tiếp, trong việc diễn đạt những ý nghĩ của mình.
Đó là một thiệt thòi không nhỏ. Nhút nhát trong giao tiếp, con sẽ không có cơ hội bộc lộ được những thế mạnh của bản thân. Bởi lẽ, tuy không mạnh dạn trong giao tiếp, nhưng có dịp tiếp xúc, con sẽ tỏ cho mọi người thấy rằng mình có nhận thức sâu sắc, suy nghĩ chín chắn. Con cũng là người thiên về cảm xúc, nhạy bén, tinh tế, tính tình hiền dịu, dễ cảm thông với mọi người.
Đặc biệt, con có khả năng kiên trì chịu đựng, khắc phục khó khăn, do vậy, con thường hoàn thành tốt công việc của mình. Bởi vậy, thực ra con vô cùng dễ mến khi có cơ hội bộc lộ bản thân, chỉ tiếc là tính e thẹn thường ngăn cản con thể hiện những điều đó.
Nhút nhát trong giao tiếp, con sẽ không có cơ hội bộc lộ được những thế mạnh của bản thân
Tính rụt rè e thẹn là rào cản khiến con không dám tham gia những hoạt động sôi nổi của cộng đồng, có xu hướng bị tách biệt, bị cô lập. Con có thể có cảm giác tủi thân, cảm giác bị ức chế, bởi có thể là con cũng rất muốn tham gia nhưng không dám bộc lộ mình trước đám đông. Con cũng có xu hướng tự ti, sợ thất bại, sợ bị mọi người chê cười.
Chính vì thế, con có thể bỏ qua những cơ hội tốt, những dịp may hiếm gặp. Con cũng không thường kịp thời nắm bắt những dịp tốt để phát triển bản thân. Đặc biệt là trong những dịp tiếp xúc với đám đông, con thường bỏ lỡ những cơ hội do tính nhút nhát e thẹn, do kỹ năng giao tiếp còn hạn chế của mình.
Khi con lớn lên, có thể thấy tính nhút nhát e thẹn, không dám thể hiện mình sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của con. Không chỉ thua thiệt, mà những gì con nhận được cũng sẽ không xứng đáng với năng lực mà con có.
Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua cảm giác e thẹn trước đám đông?
Khi có khách đến nhà, cha mẹ cần hướng dẫn con tự giác chào hỏi, lấy nước mời khách, và phải biết trò chuyện với khách khi cha mẹ vắng nhà. Những câu xã giao này giúp con có thêm sự tự tin khi giao tiếp với người khác.
Giao tiếp là một kỹ năng mềm hết sức quan trọng. Đã gọi là kỹ năng, có nghĩa là nó chỉ có thể hình thành và rèn luyện thông qua thực hành. Bởi vậy, cha mẹ cần lưu ý không giao tiếp thay con trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi con còn rất nhỏ.
Cha mẹ cần giúp con tìm những người bạn thân, tạo điều kiện để con giao tiếp một cách cởi mở, hòa đồng
Khuyến khích con mạnh dạn phát biểu trước lớp. Thường thì con suy nghĩ chín chắn, nhưng chậm hơn các bạn khác. Để khắc phục điều này, cha mẹ có thể nói chuyện với giáo viên, yêu cầu thầy cô cho con cơ hội thể hiện mình, từ đó mà thúc đẩy lòng tự tin của con. Khi đã tự tin rồi, con sẽ không cần đến sự chú ý đặc biệt của thầy cô nữa.
Tạo điều kiện để con giao tiếp, kết bạn với các bạn cùng lứa tuổi, giúp con tìm những người bạn thân và duy trì mối quan hệ đó. Với khí chất của mình, chắc chắn con sẽ là người rất gắn bó với bạn thân và giữ gìn mối quan hệ ấy rất lâu bền. Khi chơi với bạn, trò chuyện cùng bạn, con sẽ thấy thoải mái hơn, cởi mở và tự tin hơn, không còn ngại giao tiếp nữa.
Cha mẹ nên động viên, tạo điều kiện cho con tham gia các cuộc thi. Đó có thể là cuộc thi do nhà trường tổ chức, cũng có thể là cuộc thi trong khuôn khổ các hoạt động của địa phương, của các hội đoàn. Nếu con có khả năng văn nghệ, thì việc tham gia các cuộc biểu diễn văn nghệ sẽ là cơ hội tốt để con thể hiện mình, nâng cao sự tự tin của bản thân. Tham gia các hoạt động thể thao cũng là một cách tốt để con vượt qua sự e thẹn của mình.
Tham gia các hoạt động tập thể chính là cách tốt nhất để con vượt qua cảm giác e thẹn trước đám đông
Cha mẹ nên thường xuyên hướng con đến những suy nghĩ tự tin, tích cực vào bản thân. Những câu động viên như: “Con làm được mà”; “ Mẹ nghĩ điều đó nằm trong tầm tay của con”; “Con mạnh mẽ lên, bố tin là con sẽ làm được”… như một liều thuốc bổ quan trọng để con cảm nhận một cách rõ ràng sự hỗ trợ tinh thần từ cha mẹ. Cha mẹ cần lưu ý đừng bao bọc, chú ý đến con quá, cũng không được để trẻ hình thành một định kiến rằng mình là người nhút nhát. Hãy coi tính cách của trẻ là hoàn toàn bình thường – mà thực tế, đúng là như vậy.
Bố mẹ cũng cần khen, động viên khuyến khích kịp thời mỗi khi con vượt qua được sự e thẹn rụt rè. Không giục giã, nôn nóng, không chê bai hoặc chỉ trích con, bởi vì làm vậy trẻ sẽ càng ngày càng rút sâu vào vỏ ốc sau mỗi lần thất bại.
Sẽ là một vấn đề khi con bạn có khí chất ưu tư, có xu hướng e thẹn khi tiếp xúc với đám đông. Khi ấy, việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho con trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với những trẻ có khí chất linh hoạt. Tuy nhiên, nhận ra điều đó sớm, hướng con đến những hoạt động tập thể sớm, chú ý đến con, cùng con hướng đến sự thoải mái, cởi mở, hòa đồng, chắc chắn bạn sẽ hài lòng khi thấy con bạn càng ngày càng tự tin hơn trong giao tiếp, nhất là trước đám đông.