Khám phá thế giới xung quanh vừa giúp phát triển thể chất, trí tuệ vừa giúp trẻ hòa nhập vào môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội một cách thuận lợi hơn. Chính vì vậy cha mẹ cần tạo điều kiện giúp bé khám phá thế giới xung quanh.
Trò chuyện và giải thích cho trẻ biết về thế giới xung quanh
Nếu có thể, trước tiên, hãy để trẻ sờ vào những đồ vật trong thực tế. Sau đó, hãy nói với trẻ về những đặc trưng, tính chất, tác dụng cơ bản của sự vật như: "Cái chổi dùng để quét nhà, cái bút dùng để viết..."... để trẻ dần dần hình thành khái niệm về những thứ ở xung quanh mình.
Hãy để trẻ tự khám phá
Khi nói với trẻ về thế giới xung quanh, bạn không nên nói nhiều mà hãy để trẻ tự khám phá bằng sự quan sát, suy luận của chúng. Điều này sẽ gây hứng thú và kích thích sự sáng tạo của trẻ.
Lưu ý: Bạn nên quan tâm đến những gì trẻ thích chứ không nên cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ vào những việc làm mà bạn đã lựa chọn.
Không nên suốt ngày để trẻ trong nhà
Cho bé đi dạo: Đây là cách tốt nhất giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh. Cha mẹ hãy trở thành hướng dẫn viên của con, chỉ cho con thấy những con vật, đồ dùng, hiện tượng mà con chưa thấy bao giờ như: con chuồn chuồn, con nghé, ôtô bus khác ô tô tải như thế nào... Qua đó, bạn bổ sung từ vựng, khái niệm về thế giới xung quanh cho con.
Đi mua sắm: Những khuôn mặt, âm thanh và màu sắc từ các mặt hàng trong siêu thị sẽ giúp trẻ phân biệt được nhiều các sự vật khác nhau.
Hãy để trẻ khám phá theo những câu hỏi
Sự tò mò của trẻ về thế giới xung quanh không có một giới hạn nào cả. Trẻ quan tâm đến mọi vật, mọi hoạt động xảy ra xung quanh mình và thường xuyên đặt ra những câu hỏi "Tại sao? Ai? Cái gì?... Cha mẹ hãy chú ý các câu hỏi của con để đưa ra những giải thích, hướng dẫn nhằm thoả mãn nhu cầu khám phá của chúng.
Khám phá thế giới từ sách
Hãy mua cho con những cuốn sách miêu tả các hình khối, màu sắc, phong cảnh, tư duy logic, hiện tượng... Những cuốn sách này rất bổ ích đối với bé trong tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Khi giúp trẻ khám phá, cha mẹ cần ghi nhớ những điều sau:
- Đừng cho trẻ quá nhiều chỉ dẫn hoặc nhắc nhở mà hãy khích lệ để trẻ tự khám phá.
- Nếu trẻ làm điều gì đó không an toàn, hãy nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc hướng chúng sang việc khác.
- Bạn có thể gợi ý cho con chơi, nhưng trẻ có thể nghĩ theo cách khác. Hãy cho trẻ thời gian mà không can thiệp vào sự sáng tạo của bé.
- Đôi khi trẻ gặp lỗi lầm cũng không sao bởi thử nghiệm và mắc lỗi là người thầy thông minh nhất. Hãy để trẻ thất bại theo một cách nào đó, bé sẽ biết được cách làm đúng trong lần sau.
Theo Mangthai