Người lạ ở đây có thể là một bác ở quê mới ra chơi hay một cô hàng xóm thân thiện. Việc làm quen với người lạ này giúp bé rèn kỹ năng xã hội.
Nếu bé xuất hiện một vài biểu hiện lo lắng trước người lạ thì bạn cũng đừng nên quá bận tâm. Thông thường, trẻ sẽ khó chịu với những người không quen biết tới tận tháng thứ 7. Bạn cứ thử để ý, khi bạn đặt bé vào tay người lạ, bé sẽ khóc lên và khi bạn bế bé trở lại, bé lập tức nín.
Điều đó cho thấy, bé chưa có khả năng thích nghi nhiều với sự thay đổi đột ngột.
Nhưng bạn thử làm theo cách này xem. Bạn bế bé trên tay và thủ thỉ những lời âu yếm hoặc hỏi chuyện bé, cùng với người lạ đứng bên cạnh. Sau đó, họ cũng góp phần vào việc làm cho bé cười, làm cho bé cảm thấy thích thú. Một lúc sau, chắc chắn bé sẽ không khóc nữa khi người lạ đó bế bé.
Trẻ thường thích sự gần gũi xung quanh chúng như khi còn ở trong bụng mẹ. Một số người lạ không biết cách bế bé hoặc không có cảm giác thân thiện thì bé sẽ khóc và tránh xa. Trẻ con là thế, yêu ghét rạch ròi.
Tuy nhiên, nếu bé cứ tránh xa mọi người như thế và chỉ quấn lấy bạn thì thực sự không tốt chút nào cả. Vô hình trung, kỹ năng xã hội của bé bị hạn chế vì bé ít giao tiếp với những người xung quanh.
Để giảm thiểu tình trạng này, bạn có thể giúp bé bằng cách phân bố thời gian chơi cùng bé, hoặc tổ chức những buổi chơi cùng với trẻ con trong xóm, trong khu tập thể hoặc khu phố.
Chúng mình làm quen nhá!
Lúc đầu, chúng thật khó có thể hòa nhập với nhau, có thể tranh giành nhau đồ chơi thậm chí cắn, đánh nhau song chính vì vậy mà con bạn mới có cơ hội tiếp xúc với bạn khác.
Nếu trẻ từ 2-3 tuổi mà chưa có bạn hoặc không chịu chơi với người khác, ngồi một mình, nói chuyện một mình thì thực sự đó là vấn đề lớn rồi. Trường hợp nặng là trẻ có dấu hiệu của sự tự kỷ. Bạn cần vào cuộc ngay bằng cách thường xuyên trò chuyện với bé, cho bé đi chơi nơi đông người...
Đồng thời, hướng dẫn bé những quy tắc xử sự trong cuộc sống. Điều đó đòi hỏi trước tiên, bạn cần phải là một tấm gương về sự lịch sự, biết nói cảm ơn, xin lỗi đúng chỗ.
Mọi chuyện không được nôn nóng và bạn cần phải từ từ thực hiện những kỹ năng cho bé.
Theo sưu tầm