Tôi đã thấy những đứa trẻ gặp khủng hoảng khi nhận về thất bại. Lo lắng khi nhận về những điểm 6, điểm 7, thậm chí điểm 8. Bần thần và ỉu xìu khi nhận bàn thua hay những kết quả không như ý. Thất bại là một khủng hoảng.
Tôi cũng đã thấy những khuôn mặt thất vọng của nhiều cha mẹ khi nói về con mình ngay trước mặt con. Tôi cũng đã thấy nhiều thầy cô giận dữ khi lũ học trò của họ thua cuộc trong các cuộc thi ở trường, làm mất thành tích của lớp. Và chẳng đâu xa, trong ngay bóng đá, khi chúng ta thua trận, hãy nhìn xem cái cách một số người hâm mộ ném đá đội tuyển, cầu thủ thế nào.
Không! Chẳng bao giờ có lập trình cho chiến thắng. Ai chiến thắng mà chưa hề chiến bại? Làm gì có thứ gọi là luôn thắng. Tại sao chúng ta luôn đòi hỏi người khác, mà ở đây là chính con cái chúng ta, phải luôn thắng?
Ảnh minh họa
Mong muốn con mình chiến thắng thực ra là một mong muốn chính đáng. Nhưng mong muốn đó không bao gồm phản ứng tiêu cực khi con thua. Vậy mà cha mẹ, nhiều người, trong đó đôi khi có cả chính tôi, vẫn nói với con rằng: Thắng thua không quan trọng. Nhưng lại buồn thấy rõ, thất vọng thấy rõ khi con mình thua. Là bởi chúng ta kỳ vọng thái quá vào chiến thắng, chúng ta để cho cảm xúc của mình phụ thuộc vào chuyện thắng thua. Nên khi con thắng thì vui sướng như mình thắng, con thua thì thấy buồn vì con thua. Mà buồn vì con thua, cái biểu hiện đó, thật khiến lũ trẻ không thể tiêu hoá nổi. Khiến lũ trẻ luôn thấy đó là lỗi tại chúng. Như những câu con trẻ vẫn nói: "Con muốn học giỏi để vui lòng cha mẹ" vậy. Nghe mà xót xa. Nghe mà đắng họng. Hóa ra lũ trẻ học giỏi chỉ vì muốn làm cha mẹ vui lòng, vừa lòng cha mẹ chứ chẳng có gì thuộc về chúng cả.
Hãy cho con được quyền thất bại! Tôi nghĩ, đó cũng là một món quà giá trị mà cha mẹ có thể mang đến cho con mình, dành tặng cho con mình. Là cùng con nhấm nháp dư vị thất bại, tìm thấy những khía cạnh tích cực từ những thất bại cũng như cùng nhau học hỏi từ thất bại đó. Là thay vì chỉ thấy con sai ở đâu để dẫn đến thất bại, hãy là chúng ta cần cải thiện điều gì để thành công nếu được làm lại điều này. Hoặc là chỉ đơn giản, cho con điểm tựa khi con thất bại. Một điểm tựa để trở về và để được vỗ về.
Một đứa trẻ gặp nhiều thất bại trong cuộc sống tuyệt đối không phải là một đứa trẻ hỏng, thất bại hay tệ hại, kém cỏi. Đừng tiệt đường nó bằng những phán quyết của cha mẹ, thầy cô. Hãy cho chúng thấy con đường đi tới thành công luôn phải trải qua những thất bại. Hãy cho chúng biết sự dũng cảm của một con người không đo đếm bằng việc họ thành công thế nào mà là thất bại bao nhiêu lần nhưng vẫn thẳng chí hướng đến thành công. Hãy cho chúng biết rằng bạn luôn ở bên chúng, đồng hành cùng chúng, chia sớt với chúng.
Làm cha mẹ, dạy trẻ không phải chỉ dăm bữa, nửa tháng, không phải bằng bài học này kiến thức kia. Mà đó là chuyện cả đời và từng chút một, suốt cuộc đời chúng ta. Vì thế, hãy luôn kiên trì. Vậy thôi!