Hình như không có một đứa trẻ nào trên trái đất này chưa từng được nghe kể hoặc đọc truyện cổ tích. Nhà bác học Albert Einstein đã từng nói: muốn cho con bạn thông minh thì hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Muốn chúng thông minh hơn nữa thì hãy đọc cho chúng nghe nhiều hơn nữa truyện cổ tích.
Tuổi thơ tôi đã đồng hành với những câu chuyện cổ tích để lớn lên. Tôi nghe những câu chuyện cổ tích qua lời ông bà tôi kể, qua lời thì thầm của mẹ dỗ giấc ngủ cho tôi, và lớn lên tôi ham mê đọc sách cũng bắt nguồn từ việc được nghe những câu chuyện cổ tích từ ông bà, cha mẹ của mình.
Tôi đã đi qua tuổi ấu thơ của mình bằng cách tin vào lòng nhân hậu của các bà tiên, ngưỡng mộ và thầm ước mơ mình nhỏ bé và ranh mãnh như chú tí hon đi hài bảy dặm. Vui và hồi hộp vì cô Tấm rất hiền cuối cùng cũng sống lại và chui ra từ quả thị…
Hằng bao thế kỷ nay, các bậc làm cha mẹ trên toàn thế giới vẫn đọc và kể cho những đứa trẻ con nghe về những câu chuyện cổ tích của dân tộc mình. Khi trẻ được nghe và đọc các câu chuyện cổ tích, thế giới nội tâm của trẻ được phát triển, tăng trí tưởng tượng, tăng khả năng tư duy và khơi gợi lòng trắc ẩn của trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ. Cũng chính từ các câu chuyện được nghe qua lời kể, các bé bắt đầu hình thành thói quen ham mê đọc sách để tự mình khám phá thế giới tri thức. Bởi phần lớn lượng kiến thức của thế giới mà người ta tiếp cận được đều phải thông qua việc đọc sách.
Hãy gửi gắm vào trẻ những yêu thương thông qua các câu chuyện bạn kể và lựa chọn cho các bé đọc hằng ngày
Truyện cổ tích như một chiếc chìa khóa, cứ mở dần, mở dần theo sự phát triển yêu, ghét, tốt, xấu của trẻ với thế giới bên ngoài. Khi đọc hoặc nghe những câu chuyện cổ tích, trí óc trẻ bắt buộc phải tự tưởng tượng và xây dựng nên những hoàn cảnh, những nhân vật tùy theo từng đứa trẻ. Mỗi lần tư duy, trẻ phải tự tưởng tưởng, tự phân tích làm cho trí tuệ và cảm xúc của trẻ thêm phát triển.
Trẻ con lớn lên mỗi ngày, tư duy của trẻ cũng lớn lên theo, sự thần kỳ, thiện và ác trong những câu chuyện chỉ như những chiếc chìa khóa, mở ra và trí tuệ của trẻ phát triển đi lên. Truyện cổ tích chỉ là bước đệm, tâm hồn trẻ sẽ hướng lên theo những tri thức mới mẻ mà chúng tiếp nhận được. Trẻ sẽ biết tự đào thải những gì là không phù hợp thông qua nhận thức đang lớn dần của mình.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người lớn trong chúng ta tỏ thái độ hoài nghi với các câu chuyện cổ tích. Người lớn đang dùng và áp đặt tư duy suy diễn của người lớn lên tâm hồn con trẻ về các câu chuyện cổ tích. Đây là một lý do song hành với sự bận rộn, tất bật trong cuộc sống khiến cho không ít bậc làm cha mẹ ngày nay không còn thường xuyên kể chuyện cổ tích cho con trẻ nghe.
Thế giới cổ tích là một thế giới xa xưa đầy màu sắc lung linh
Nhiều ông bố bà mẹ thay vì tự mình kể cho con nghe thì lại cho con nghe kể chuyện cổ tích trên smatphon. Nghe kể chuyện từ băng đĩa hoặc xem qua phim ảnh khác với trẻ được nghe kể từ ông bà, cha mẹ. Vì ngoài nội dung câu chuyện, cha mẹ còn giải thích, dẫn dắt, lồng ý nghĩa giáo dục vào câu chuyện tùy theo từng đối tượng con trẻ khiến câu chuyện sống động, hấp dẫn và dễ tiếp thu.
Thế giới cổ tích là một thế giới xa xưa đầy màu sắc lung linh. Nó chứa đựng nhiều chi tiết bí ẩn mà ta không thể lấy cuộc sống thực tế để giãi mã. Do vậy, phụ huynh cần trang bị kiến thức, lý lẽ và cách ứng xử để dẫn dắt các em tin vào những điều tốt đẹp trong các câu chuyện cổ tích. Biết cách tách biệt thế giới cổ tích và thế giới thực tại thì cổ tích sẽ là miền đất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ rất hiệu quả.
Hãy đọc và kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích, giống như cách người lớn chúng ta đã lớn lên. Hãy gửi gắm vào trẻ những yêu thương thông qua các câu chuyện bạn kể và lựa chọn cho các bé đọc hằng ngày. Nên để trẻ thơ sống trong thế giới đẹp đẽ của các câu chuyện cổ tích.