Trẻ em có xu hướng thích những người có nhiều điểm giống mình. Vì vậy, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách tìm ra điểm tương đồng với những trẻ khác, từ đó dễ dàng xây dựng tình bạn cho mình.
Bên cạnh thái độ cởi mở, thì sự đồng điệu cũng là một chiếc chìa khóa của tình bạn. Trên thực tế, việc có một người bạn cùng thích các hoạt động giống mình là điều rất tuyệt vời. Còn về mặt cảm xúc, sự tương đồng đem đến cảm giác thoải mái và được đón nhận. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây nhé!
Bác bỏ thuyết nam châm trong tình bạn
Nhiều trẻ tin rằng mình cần trở nên thật tuyệt vời thì mới có thể thu hút bạn bè như cách nam châm hút sắt vậy.
Vì vậy, nhiều trẻ mới thích khoe khoang để gây ấn tượng với người khác. Và trẻ nghĩ rằng như thế thì mọi người sẽ muốn kết bạn với mình. Trẻ muốn truyền đi thông điệp rằng: “Mình muốn bạn quý mến mình”, tuy nhiên, những trẻ khác lại chỉ nhận thấy thông điệp đó là: “Tớ giỏi hơn cậu nhiều”. Vì vậy tình bạn vẫn chẳng hình thành!
Về cơ bản, tình bạn là mối quan hệ giữa những người ngang nhau. Thế nên, thuyết nam châm là hoàn toàn sai lầm. Do đó, bố mẹ nên nhắc trẻ tìm ra điểm chung với những người bạn mà trẻ cảm mến, thay vì cố gắng khiến cho bạn phải ngưỡng mộ mình.
>>>Tham khảo thêm: Hướng dẫn trẻ kết bạn: Mở lòng với bạn bè (Phần 1)
Tình bạn là mối quan hệ giữa những người ngang nhau.
Giải thích cho trẻ về sự tương đồng
Tình bạn thường phát triển dựa trên những điểm chung về tính cách, sở thích, lối sống...
Bố mẹ có thể vẽ hai vòng tròn giao nhau và giải thích cho con hiểu về khái niệm “sự tương đồng”. Rằng một vòng tròn là con, vòng tròn còn lại là bạn. Phần ở giữa - tức là vùng giao nhau - chính là nơi tình bạn có thể phát triển. Nếu con nói với bạn về những điều ở trong vòng tròn của con nhưng không nằm trong vùng giao nhau, thì nó chỉ phù hợp với con thôi chứ không phù hợp với bạn, nên không giúp ích gì cho tình bạn.
Từ đó, bố mẹ hãy hướng dẫn con tìm điểm chung giữa mình với người khác bằng cách quan sát bạn, hỏi chuyện bạn, hoặc cùng nhau tham gia các hoạt động để tạo ra những trải nghiệm chung.
Bố mẹ hãy dành thời gian hướng dẫn con cách tìm điểm chung giữa mình với người khác nhé!
Tuy nhiên, tìm điểm chung không phải là bắt chước và trở thành bản sao của ai đó. Và việc hai người không có nhiều điểm chung cũng không có nghĩa là họ không thể trở thành bạn của nhau. Khái niệm về sự tương đồng chỉ giúp trẻ nhận ra rằng, tình bạn dễ bắt nguồn từ sự giống nhau. Để có nhiều bạn bè, trẻ cần phát triển và tìm ra nhiều điểm chung với nhiều người khác nhau nữa.
Nếu như thái độ cởi mở giúp mở ra cánh cửa tình bạn, thì sự tương đồng sẽ khuyến khích một số người bước qua ngưỡng cửa đó. Tuy nhiên, để xây dựng tình bạn bền chặt thì trẻ cũng cần có chung những trải nghiệm vui vẻ với bạn bè nữa.