Khả năng ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo
Khi bước vào độ tuổi mẫu giáo, con bạn có thể hiểu được những câu chuyện dài và phức tạp hơn. Vốn từ ngữ của trẻ phát triển không ngừng và trẻ cũng sử dụng tốt các quy tắc ngữ pháp cơ bản, thậm chí còn kể lại được vài mẩu chuyện. Khi 4- 5 tuổi, khả năng ngôn ngữ của bé sẽ đạt được những cột mốc sau đây. Bé nhà bạn có như vậy không?
Từ vựng
Khi 4 tuổi, trẻ nói được 1.500 từ và hiểu được nhiều hơn thế. Số lượng từ trẻ có thể hiểu và sử dụng sẽ tăng thêm đáng kể trước khi trẻ lên 5 tuổi.
Con bạn sẽ bắt đầu tập dùng những từ sau:
– Từ nối: Khi, nhưng
– Thể hiện cảm xúc phức tạp: Bối rối, khó chịu, sung sướng
– Giải thích ý nghĩ: Không biết, nhớ là
Trẻ cũng học được ngày càng nhiều tính từ để diễn đạt sự vật, sự việc cụ thể hơn.
Câu và ngữ pháp
Bằng cách nối những câu ngắn lại với nhau, trẻ sẽ nói được nhiều câu phức tạp hơn và đặt câu theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ trẻ có thể nói “Con chó đuổi con mèo” hoặc “Con mèo bị con chó đuổi”. Cho tới khi được 5 tuổi, bé có thể nói được những câu lên đến 9 từ.
Trẻ sẽ phát triển được khả năng kể lại những chuyện xảy ra trong quá khứ chứ không chỉ đơn thuần nói về những sự vật – sự việc đang diễn ra nữa. Khả năng bé sử dụng những từ số nhiều cũng tốt hơn.
>>> Xem thêm: Phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp trong những năm đầu đời
Khả năng hiểu
Khi 5 tuổi, trẻ hiểu và dùng được những từ chỉ trật tự thời gian như “trước”, “sau” và “sắp tới”. Tuy nhiên, bé vẫn hơi lúng túng với các ý niệm phức tạp hơn như “cùng lúc”.
Trẻ cũng bắt đầu hiểu được những câu nói tu từ như “Con là chú mèo lười” hay “Con định biến mẹ thành lừa đấy à?”…
Khả năng ngôn ngữ của bé phát triển đáng kể.
Khi nói những câu dài, đôi khi trẻ sẽ gặp vấn đề về trật tự trong câu và quên mất dùng từ nối câu. Ví dụ trẻ sẽ nói lại câu “Đưa vé cho ông kia, ông ta sẽ xé nó, và sau đó chúng ta có thể vào xem phim” thành “Chúng ta vào xem phim, đưa vé cho ông kia”.
Phát âm
Gần 5 tuổi, trẻ có thể phát âm khá rõ và hầu hết người lạ đều hiểu được trẻ nói gì. Đôi khi trẻ cũng nói ngọng vài âm tiết như “thịt” thành “hịt” hay “đá” thành “tá” hoặc phát âm nhầm một số từ phức như sô-cô-la, spaghetti…
Hội thoại và kể chuyện
Mặc dù câu chuyện của bé thường xuyên “thiếu đầu mất đuôi” hay bị “thêm mắm dặm muối” một cách thái quá nhưng khả năng kể chuyện của bé đang tiến triển từng chút một. Thỉnh thoảng, trẻ cũng sẽ gặp khó khăn khi sắp xếp thứ tự các sự kiện và thuật lại lời nói của từng nhân vật.
Trẻ nhận biết khá tốt nhiều tình huống để thêm thắt thông tin thú vị cho các cuộc hội thoại. Ví dụ trẻ có thể dẫn dắt câu chuyện như sau “Con qua nhà của Mây, tụi con ăn bánh ngọt, Mây là bạn ở lớp mẫu giáo của con”…
Trong các cuộc hội thoại nhóm, trẻ đã biết khi nào thì tới lượt mình nói, đồng thời cũng biết nói lớn tiếng hoặc thì thầm tùy theo tình huống. Trẻ cũng biết yêu cầu một cách lịch sự hơn, ví dụ như dùng từ “được không?” hay từ “làm ơn”.
Trẻ bắt đầu dùng từ ngữ để trêu chọc và kể chuyện cười.
Mỗi bé có mức độ phát triển tương đối khác nhau, những thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo nên bạn không cần quá lo lắng nếu như bé cưng nhà bạn chưa đạt được những điều trên đây. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.