Bé ở tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi) thích đặt câu hỏi khó cho cha mẹ. 'Sao cỏ lại có màu xanh hả mẹ?', ‘Mẹ ơi, sao con chim lại bay được?'... cùng vô vàn những băn khoăn bắt đầu bằng cụm từ ‘tại sao' khác...
Sau đây là gợi ý khoa học để bạn ứng phó với thắc mắc ‘Sao bầu trời lại có màu xanh?' của bé.
Bạn có thể giải thích cho bé nghe về ánh nắng mặt trời: chúng thường có nhiều màu sắc và được pha trộn với nhau. Khi những tia nắng này chiếu vào trái đất, màu sắc của chúng sẽ tỏa rộng ra. Màu xanh là màu bao trùm nhiều nhất trên mặt đất; do đó, khi ngước lên, chúng ta sẽ thấy bầu trời có màu xanh.
Trò chơi với ánh sáng
Giúp bé hiểu hơn với lời giải thích trên, bạn thử làm thí nghiệm đơn giản, chứng minh sự tỏa rộng của ánh sáng. Chọn một chiếc đèn pin; sau đó, bạn bật đèn trong một căn phòng tối. Bạn chiếu đèn lên tường và tới một chiếc gương. Bé sẽ nhìn thấy những luồng sáng lan tỏa trong căn phòng. Bạn cũng nên chỉ cho bé thấy độ đậm, nhạt của những luồng sáng đó: chỗ gần đèn pin, ánh sáng có màu rõ nét hơn, càng xa đèn pin thì luồng sáng càng mờ.
Trò chơi với thấu kính. Thấu kính có tác dụng tạo ra màu sắc ở cấp độ khác nhau, trông giống như một chiếc cầu vồng. Bạn có thể trao đổi với bé về màu sắc, màu nào bé nhìn thấy nhiều nhất và màu nào sáng nhất.
Ngắm cầu vồng là ví dụ sinh động nhất để bạn minh hoạ cho bé hiểu những màu sắc khác nhau của ánh sáng. Nếu không, bạn cũng có thể thảo luận với bé về màu sắc những đám mây có liên quan đến cơn mưa. Bạn nên để cho bé tự nói về màu sắc đám mây mà bé nhìn thấy. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giải thích cho bé hiểu, những đám mây là nơi giữ nước, để tạo thành những trận mưa. Chúng có màu và hình dáng khác nhau.
Đồng thời, bạn chỉ cho bé thấy màu sắc của ánh nắng mặt trời thay đổi theo những khoảng thời gian khác nhau trong ngày.
Theo mevabe.net