Bạn tới nhà trẻ đón con sớm hơn mọi ngày và thấy một cảnh như sau: Có nhóm bạn cùng lứa đang vui vẻ cùng chơi trò gì đó ngoài sân, còn cục cưng của bạn lại một mình tha thẩn với những cành cây khô trong một góc vắng. Một lần, hai lần, vài lần sau bạn lại bắt gặp con mình trong tình huống tương tự như vậy. Hẳn bạn sẽ day dứt: "Không hiểu nó có vấn đề gì?".
Điều đầu tiên xin nhắc bạn: chớ lấy đó làm lý lẽ để coi rằng con bạn là đứa trẻ nhút nhát. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho trẻ không tham gia vào các trò chơi cùng cả nhóm.
1. Trẻ chưa quen được tiếp xúc với bạn cùng lứa
Nếu bị bố mẹ thường xuyên bắt "cấm cung" vì thể chất của con bạn không được khỏe, hay vì trong khu nhà không biết phải xử sự với bạn bè ra sao. Để gây sự chú ý của một bạn khác, có thể con bạn sẽ dùng cách duy nhất là kéo áo bạn, giằng co hay nhăn nhó mếu máo, kết cục là các bạn đều xa lánh và không muốn chơi với bé nữa.
2. Trẻ sợ gặp thất bại
Hãy giúp con tự tin vui đùa với các bạn cùng trang lứa
Nhiều trẻ em rất sợ người khác sẽ chê mình vì điều gì đó. Điều này thường xảy ra với những bé lớn lên trong các gia đình mà bố mẹ quen đòi hỏi quá cao ở con cái. Bởi vậy bé tìm mọi cách tránh né giao tiếp với những người xung quanh. Cũng có thể bé định làm quen với bạn nào đó nhưng bị từ chối, và giờ đây bé bị mặc cảm và trở nên nhút nhát.
3. Tính cách của trẻ và phong cách giáo dục trong gia đình
Một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình "nề nếp, quy củ", sẽ có thể sợ hãi khi đột ngột rơi vào tập thể mới ồn ào náo nhiệt. Nếu ngược lại bản tính của bé là ít nói và rụt rè, bé sẽ lẳng lặng buồn thiu chơi một mình.
Cũng có một số trẻ em không thích cảnh huyên náo, ầm ĩ vì những âm thanh và hoạt động quá mức làm bé bị đau đầu, mệt mỏi. Các em bé này ưa cuộc sống nội tâm, trầm tĩnh hơn. Khi bị bắt ép phải hòa nhập vào tập thể hoạt náo, các em sẽ cảm thấy căng thẳng và bị sức ép.
4. Mức độ phát triển về xúc cảm của trẻ
Một số trẻ em không biết diễn đạt ý nghĩ của mình, hay không biết cách giữ khoảng cách với người đối diện, thành ra bạn bè cho bé là người khó chịu, bám dai và thế là "tẩy chay" bé. Các chuyên gia nhận xét rằng đây là tuýp trẻ em có sự phát triển về trí tuệ đi trước sự phát triển về cảm xúc.
Làm gì để giúp trẻ trong tình huống này?
Hãy để ý hơn tới con mình khi ở nhà. Liệu con bạn có quá lặng lẽ không? Bé có ngồi hàng giờ chơi mãi một thứ đồ chơi không? Nếu trẻ có những biểu hiện quá trầm, cần tới sự tư vấn của bác sĩ, để khám xem con bạn có bị mắc chứng tự kỷ hay không.
Thỉnh thoảng nên cho bé tới chơi nhà bạn bè, người quen hoặc những nơi có nhiều trẻ cùng lứa. Nhưng đừng ép con phải nói chuyện bằng được: trẻ thường tự tham gia vào trò chơi nào đó hoặc tự lên tiếng nếu thích thú điều gì đó. Nhiệm vụ của bạn là tạo ra một bầu không khí thật thoải mái, tin cậy để con mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ.
Đừng để con bạn đơn độc khi tiếp xúc với ai đó mới lạ: kỹ năng giao tiếp chơi theo nhóm cũng phải học mới có được. Hãy nhắc con cách đáp lại những động tác hay lời mời của người đối diện, giải thích cho con bạn những trò chơi mà các bạn cùng lứa đang thực hiện. Nếu bé còn quá nhỏ, hãy cùng tham gia trò chơi với cả nhóm, lúc thì thay bé, lúc thì cùng bé thành một phe.
Ngay cả khi bạn cảm thấy các bạn của bé có vẻ quá hung hăng đừng bao giờ dạy con mình những câu kiểu như: "Con cũng đáp lại như thế đi!". Tốt nhất hãy dạy bé cách thể hiện sự không cân bằng lòng của mình một cách bình tĩnh nhưng rắn rỏi, dứt khoát.
Nếu con bạn ngại ngùng không dám tới gần các bạn đang chơi, hãy làm theo những bước chỉ dẫn sau đây của nhà tâm lý học người Mỹ Kathy Kohen xem sao nhé:
1. Chọn một chỗ gần với đám trẻ đang chơi và đứng đó quan sát. Không nên tham gia vào cuộc chơi khi thấy các thành viên hay cãi cọ nhau hoặc không thích những thành viên lạ. Tìm tới các nhóm ôn hòa hơn.
2. Chọn ra trong cả nhóm một bạn tính tình vui vẻ dễ gần nhất để kết thân.
3. Nghĩ trước những câu định nói với bạn như "Tớ chơi với các cậu được chứ?" hay "Cậu có thích chơi không?"
4. Tuân thủ 3 quy tắc sau: bình tinh, đợi đến lượt mình và làm như các bạn khác đang làm.
Vào những ngày đầu, nhất là khi con bạn còn bé, hãy chuẩn bị sẵn sàng can thiệp giúp con. Nếu cảm thấy trẻ đã mệt rồi, tốt nhất là dừng trò chơi lại chứ không kéo dài tới lúc gây ra xung đột cãi cọ. Và điều quan trọng nhất là đừng mắng mỏ con nếu lần đầu bé không thành công. Hãy hỏi han cặn kẽ và giải thích cho bé vấn đề. Nên dùng tới các ví dụ trong sách, trong phim ảnh. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện, thì bạn nên gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn.
Theo Tintuc