Với bé một tuổi trở lên, bạn có thể chọn thời điểm phù hợp để bắt đầu giúp bé học cách ăn uống... Điều này sẽ khuyến khích tư tưởng độc lập và phát triển những kỹ năng mới ở bé.
Để bé tự ăn
- Đưa cho bé một chiếc thìa nhựa và một bát cháo bằng nhựa. Bạn thử để bé tự xúc cháo ăn mà không cần hỗ trợ. Bé thường lóng ngóng đánh rơi cháo ra sàn hoặc làm vấy bẩn áo quần. Bù lại, đây là phương pháp bạn cho bé thử mùi vị đồ ăn mới với tâm trạng vui thích.
- Bạn cắt nhỏ những loại thức ăn đã được hấp, luộc chín và để bé tự do dùng tay bốc. Bạn có thể sáng tạo những lát thức ăn thành những hình vui nhộn như hình mặt trời, hình vuông, hình tam giác, hình cánh hoa và để bé được lựa chọn loại thức phẩm ưa thích.
Tự mặc quần áo
Bé dưới 3 tuổi thường rất lúng túng trong việc mặc quần áo đúng cách. Bởi vì sự vận động các cơ của bé chưa được linh hoạt và bé cũng chưa hoàn thiện kỹ năng đóng cúc hoặc sử dụng khóa kéo áo quần. Tuy vậy, bạn có thể chọn những loại quần chun, áo chui cổ và gợi ý để bé thử sức.
- Tạo trò vui chơi với bé; chẳng hạn, bạn gợi ý để bé biết cách đi tất chân vào tay. Sau đó, cũng vẫn thao tác này, bé sẽ dùng tất để đi vào chân dễ dàng hơn.
- Xếp những bộ quần áo chun, không có cúc hoặc khóa kéo và để bé tự chọn trang phục và tự mặc.
- Bé có thể mặc trái áo, bạn cũng cứ để nguyên như thế. Trừ khi bé mặc sai áo tới mức gây cản trở cho quá trình vận động, bạn mới nên sửa giúp bé.
Tự đánh răng
Bé trên 1 tuổi đã mọc nhiều răng sữa. Lúc này, bạn có thể hướng dẫn bé đánh răng bằng bàn chải và kem đánh răng riêng.
- Bạn có thể chuẩn bị chiếc bàn chải mới và kem đánh răng nhiều màu sắc cho bé.
- Bạn cùng bé đánh răng: Bé sẽ nhìn và bắt chước theo bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé vừa đánh răng vừa soi gương để kiểm tra xem răng đã sạch chưa.
Tự ngồi bô
Khoảng 2 tuổi rưỡi là khoảng thời gian thích hợp để hướng dẫn cho bé tập ngồi bô. Tuy nhiên, bạn nên chọn thời điểm bé khỏe mạnh, đi tiêu bình thường 1-2 lần/ngày để bắt đầu huấn luyện. Sau khoảng 6 tháng ngồi bô, bạn có thể bắt đầu cho bé làm quen với việc sử dụng toilet.
- Để bé tự chọn vị trí đặt bô trong nhà và thời điểm bé sẵn sàng ngồi bô.
- Khi bé ngồi bô, bạn có thể ở bên cạnh để kịp thời trợ giúp bé trong trường hợp cần thiết (bởi vì bé có thể gây tai nạn như làm đổ bô, bị ngã hoặc quấy khóc trong lúc này).
- Bạn nên cởi bỏ bỉm cho bé để bé tự ý thức mình đã lớn và sẵn sàng cho việc ngồi bô.
- Nếu lúc đầu, bé chưa ngồi bô thành công, bạn cũng nên kiên trì dạy bé trong những lần sau.
(Theo Mevabe)