Kỷ luật tích cực là biện pháp giáo dục dựa trên cơ sở cùng thảo luận và tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và bé. Kỷ luật tích cực nhấn mạnh đến việc thay đổi hành vi hơn là xử phạt bé.
Phân biệt kỷ luật tích cực với trừng phạt
- Kỷ luật tích cực là cách giúp bé kiềm chế bản thân, có trách nhiệm với hành vi của mình đồng thời xây dựng cho bé kỹ năng giải quyết vấn đề và tinh thần hợp tác.
- Trừng phạt là tước đi điều gì đó làm bé đau đớn, tổn thương để bé sợ mà không dám tái phạm hành vi xấu (hoặc hành vi người lớn không mong muốn).
Ảnh: GettyImages.
Phân biệt trong tình huống cụ thể
1. Trừng phạt bé bằng cách độc đoán: Là việc cha mẹ đưa ra mệnh lệnh cho bé nhưng không để cho bé tự lựa chọn. Ví dụ: "Mẹ bảo con làm thì con phải làm". Cách thức này thông qua việc cha mẹ áp đặt, nhục mạ, đánh đập bé. Bé lớn lên trong gia đình này thường có xu hướng hoặc là rất tự ti hoặc hung hăng, nóng tính và độc đoán như bố mẹ.
Tình huống thực tế
a. Bé trai 7 tuổi không chịu ăn sáng khi đến trường. Người mẹ sợ bé đói nên ép bé phải ăn, tuy nhiên, bé vẫn dứt khoát không chịu ăn. Người mẹ tức giận tát bé 2 cái, bé sợ nên phải ăn hết bữa sáng.
b. Bé 2 tuổi thường đi ngủ vào lúc 9h. Hôm đó, đã 10h mà bé không chịu ngủ, cứ nghịch ngợm khiến cả nhà khó chịu. Bố đã đánh cho bé 2 phát vào mông và làm bé khóc thét. Mẹ cũng được thể, đánh thêm cho bé 1 cái vào mông. Bà nội góp ý "Nó còn nhỏ, sao con đánh nó" thì bố mẹ vẫn khăng khăng: "Bà cứ để con trị nó".
c. Bé 3 tuổi sang hàng xóm chơi, mẹ gọi mà bé không chịu về ăn cơm. Tức giận, mẹ sang hàng xóm, túm áo và lôi bé về.
2. Nuông chiều bé: Là việc cha mẹ để bé làm bất kỳ cái gì bé thích. Ví dụ: "Đến giờ ăn cơm rồi nhưng con thích kẹo thì cứ ăn đi". Cha mẹ không đưa ra những chỉ dẫn thích hợp cho bé. Nếu được nuôi dưỡng theo kiểu này thì lớn lên bé không có tính tự lập và bắt mọi người phải chiều theo ý mình.
a. Tương tự tình huống bé 7 tuổi không chịu ăn sáng nhưng bà mẹ liên tục mời bé hết món này đến món khác. Bé chê món không ngon, mẹ lại đi mua đồ khác cho bé...
b. Với tình huống bé 2 tuổi ở trên, cha mẹ dỗ dành bé bằng mọi cách để bé ngủ: Mở tivi, bật nhạc, pha sữa cho bé... nhưng bé vẫn không chịu lên giường. Cha mẹ đành thức cùng để chờ đến giờ bé tự giác ngủ.
c. Tình huống C ở trên, không gọi được bé về, cha mẹ đành để bé chơi đến khi nào bé chán thì thôi.
3. Kỷ luật tích cực
a. Cũng tình huống bé không ăn sáng, mẹ đưa ra 2 món để bé chọn lựa. Nếu bé không ăn, mẹ sẽ gợi ý: "Hoặc con ăn, hoặc con sẽ bị đói".
b. Tình huống bé không chịu ngủ, cha mẹ sẽ nhấn mạnh: "Hoặc là mẹ đưa con đi ngủ, hoặc là cha mẹ sẽ tắt điện bây giờ".
c. Với tình huống C, cha mẹ cũng đưa cho bé hai sự lựa chọn: "Hoặc là bé về đúng giờ ăn cơm, hoặc là cả nhà ăn hết cơm và bé sẽ bị đói".
Nguyên tắc của kỷ luật tích cực
- Cùng với bé xây dựng quy tắc chung.
- Bạn nên giải thích rõ từng quy tắc cho bé hiểu. Ví dụ: "Con không được nghịch nước nóng vì có thể bị bỏng".
- Các quy tắc chi bé có thể thay đổi vì những lý do chính đáng.
- Mục đích của quy tắc là giúp bé phát triển độc lập và tự kiểm soát hành vi của mình.
Điều cha mẹ nên làm:
- Dành cho bé một sự lựa chọn: "Nếu con cất sách lên giá thì lần sau sẽ được đọc. Nếu không, mẹ sẽ cất sách vào tủ, con sẽ không được đọc nữa".
- Biểu lộ cảm xúc của bạn: "Mẹ thật buồn nếu con vứt đồ chơi bừa bãi. Con nên cất chúng vào giỏ".
- Chỉ cho bé cách sửa đổi.
- Cùng bé bàn bạc cách giải quyết.
(Theo aFamily)