Trẻ không nghe lời bố mẹ thực chất vì rất nhiều nguyên nhân, không phải do con ngỗ ngược hay hỗn láo.
Cách giao tiếp giữa bố mẹ và con cái vô cùng quan trọng. Việc sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, thậm chí là cách dùng điệu bộ cử chỉ của phụ huynh cũng sẽ mang đến sự tác động mạnh mẽ trong một cuộc nói chuyện với con cái.
Đôi khi, rõ ràng là cả hai bên đều có thiện chí hoặc quan tâm đến nhau, nhưng do cách thể hiện không đúng hoặc giao tiếp kém, tâm trạng của người liên quan cũng sẽ biến đổi tiêu cực theo. Cũng vì điều này khiến cho mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng: Con tức giận vì bị la mắng, giận vì sao bố mẹ không hiểu mình. Bố mẹ mệt mỏi phiền lòng vì không nói được con, trách con không thông cảm cho nỗi lòng của họ.
Vì sao bọn trẻ không nghe lời?
Trẻ không nghe lời bố mẹ thực chất vì rất nhiều nguyên nhân, không phải do con ngỗ ngược hay hỗn láo.
1. Trẻ thật sự không hiểu ý và suy nghĩ của người lớn. Sau khi giao tiếp với trẻ, bạn phải để ý xem trẻ có hiểu hay không hoặc vì sao con không hiểu vấn đề. Có thể nhìn vào mắt trẻ để nhận biết được điều này.
2. Phụ huynh đặt ra quá nhiều quy định và quá nghiêm khắc. Nếu bố mẹ liên tục nhắc nhở không ngừng miệng rằng "điều này không tốt", "điều đó không tốt" hoặc đặt ra quá nhiều quy định bắt buộc con phải nghe theo, kết quả cuối cùng thường là đứa trẻ không muốn nghe lời bố mẹ chúng.
3. Bố mẹ dùng mệnh lệnh bắt con phải nghe theo, đe dọa hoặc dùng biện pháp đòn roi trừng phạt. Nhiều bậc phụ huynh luôn thích nói: "Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ gọi công an đến bắt con!", "Nếu con không nghe lời, mẹ vứt con đi luôn!". Những điều không có thật được nói lặp đi lặp lại đó dễ gây ra sự ngờ vực của trẻ, khiến trẻ xem thường lời nói của bố mẹ và càng phản kháng hơn.
4. Trẻ không có quyền tự chủ tối thiểu. Trẻ em cũng có ý thức tự chủ, thích được tự quyết định. Nếu được bố mẹ giao cho quyền lựa chọn, trẻ sẽ học được về trách nhiệm. Khi được người lớn tôn trọng, trẻ tự nhiên sẵn sàng thực hiện lời hứa của mình hơn.
5. Bố mẹ luôn phủ nhận cảm xúc và mong muốn của con. Người lớn không quan tâm hay coi trọng cảm xúc và luôn phủ nhận ý kiến của trẻ, trẻ sẽ tự nhiên nảy sinh tâm lý nổi loạn, không chịu lắng nghe ý kiến của người lớn.
Giao tiếp với con thế nào để có hiệu quả nhất?
Đồng hành cùng con là một khởi đầu tốt để xây dựng lòng tin. Hãy ở bên con bạn nhiều hơn và trò chuyện nhiều hơn, tôn trọng các chủ đề hoặc những điều mà con bạn quan tâm, kể cả những điều mà bạn cảm thấy là nhảm nhí. Lắng nghe con thật lòng thật tâm là chìa khóa để giúp bố mẹ gần gũi con nhiều hơn.
Bố mẹ nên lắng nghe tiếng nói của con cái, không nóng vội bày tỏ hay nói thêm ý kiến của mình. Khi nói chuyện với một đứa trẻ, ánh mắt, tư thế, giọng điệu và giọng nói quan trọng hơn nội dung mà phụ huynh muốn truyền đạt.
Cố gắng sử dụng những từ ngữ đơn giản nhất khi nói chuyện cùng con. Bố mẹ cằn nhằn quá nhiều chỉ gây phản tác dụng, nói dông dài quá con cũng không thể tiếp thu hoặc nhớ nổi. Thay vào đó, bố mẹ có thể khơi gợi cho con tự đưa ra cách giải quyết bằng những lời nhắc nhở đơn giản như: "Con nên để thứ này ở đâu?", "Con có đồng ý mua không?".
Đổi cách nói các mệnh lệnh một cách tích cực. Bằng cách khéo léo trao quyền chủ động cho trẻ, phụ huynh sẽ giúp cho con cảm thấy mình được tôn trọng, giúp con biết được điều gì là đúng đắn. Ví dụ: Con thích leo lên sofa nhảy nhót hoặc đứng trên bàn ăn, thay vì bắt con leo xuống, phụ huynh có thể tiếp cận bằng cách nói: "Bé ơi, sofa là để ngồi, bàn ăn là để đặt thức ăn lên trên đấy, con nhớ không?"; Con chạy nhảy trên hành lang, thay vì nói "Không được chạy", bố mẹ hãy nói "Con đi chậm lại nhé, dưới đất trơn lắm".
Để trẻ tự quyết định. Cả người lớn và trẻ đều cần được tôn trọng. Hãy để trẻ tham gia vào quyết định, có sự cam kết và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ví dụ trẻ muốn mua đồ chơi, phụ huynh có thể từ chối hoặc chỉ mua nếu như trẻ đồng ý thực hiện một việc nào đó như lời cam kết.
Nêu rõ kỳ vọng hoặc yêu cầu của bạn. Giúp con biết được kỳ vọng cũng như mục tiêu của của bố mẹ và kiên quyết giữ đúng những gì đã nói ra. Ví dụ: Trước khi ra ngoài chơi, bố mẹ có thể nhắc con rằng hôm nay họ sẽ không mua kem cho con vì con đang bị ho, hoặc nói rõ con không thể mua thêm đồ chơi. Nếu con vòi vĩnh vô lý thì cả nhà sẽ về ngay lập tức.
Giúp con nhận biết và xử lý cảm xúc. Trẻ con cũng muốn được lắng nghe và thấu hiểu, vì vậy phụ huynh phải sử dụng đúng ngôn ngữ diễn đạt để thể hiện sự đồng cảm và chấp nhận những cảm xúc mà trẻ sẽ có. Phụ huynh phải là người hướng dẫn cho trẻ nhận biết và xử lý cảm xúc thế nào cho đúng đắn. Chẳng hạn: "Mẹ biết con muốn mua thứ này. Mẹ hiểu con đang thất vọng lắm". Điều này sẽ giúp việc giao tiếp giữa bố mẹ và trẻ có hiệu quả hơn.