Làm gì khi trẻ ăn vạ? Xử lý trẻ hay ăn vạ thế nào cho đúng? Làm sao để tránh thói quen xấu này? Đây là một trong những thắc mắc rất phổ biến ở nhiều ông bố bà mẹ khi có con nhỏ. Nếu bạn đâng rơi vào tình huống này thì nên tham khảo bài viết dưới đây để có cách giáo dục con đúng đắn.
1. Tại sao trẻ hay ăn vạ?
Ăn vạ là một phần bình thường của sự trưởng thành. Đa số các trường hợp thường xảy xa khi trẻ lên 3 hoặc 4 tuổi.
Các tình huống trẻ ăn vạ chủ yếu là trẻ muốn cái gì đó hoặc làm gì đó nhưng không được bố mẹ cho phép nên tỏ ra khó chịu, hờn dỗi, khóc lóc, tức giận hoặc chống đối.
Đối với trẻ mới biết đi, ăn vạ là một cách thể hiện sự thất vọng. Khi trẻ mệt mỏi, đói, khát nước hoặc phải rời xa bố mẹ thì trẻ rất dễ ăn vạ.
Còn với trẻ lớn hơn, đó có thể là một hành vi được học và dần dần trở thành thói quen khi mà bố mẹ nuông chiều và luôn đáp ứng lại mỗi khi trẻ ăn vạ
Do nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế nên trẻ em chưa hiểu được vì sao bố mẹ lại hành động như vậy, trẻ chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu của mình. Đó là điều rất dễ hiểu.
Trẻ ăn vạ thường biểu hiện bằng sự khóc lóc, tức giận lý do là vì vốn từ ngữ của trẻ còn ít, trẻ không biết hoặc nói không rõ được cái mình muốn hoặc làm sao để diễn tả cảm xúc bản thân chính xác.
Đôi khi ăn vạ còn là biểu hiện của sự bất lực, khi trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm gì đó hoặc thực hiện nhiệm vụ gì đó. Hoặc đơn giản chỉ là lôi kéo sự chú ý.
Giáo dục cũng là một yếu tố chủ đạo trong hiện tượng này. Nếu bố mẹ liên tục nuông chiều trẻ, luôn coi trẻ là trung tâm thì khi lớn lên trẻ sẽ tiếp tục dựa dẫm, đòi hỏi ở bố mẹ,vv…hay nói cách khác, trẻ không trưởng thành lên được.
Xem thêm : Trẻ hay khóc đêm phải làm sao ?
2. Làm gì khi trẻ ăn vạ?
Trẻ em thực sự không hề muốn gây rắc rối cho bố mẹ nhưng trong đa số trường hợp đúng là rất khó khăn và phiền toái khi trẻ ăn vạ.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ ăn vạ? Nghe theo ý trẻ hay là giữ vững lập trường của mình? Đó quả là một câu hỏi khó và cho dù biết nên làm gì nhưng cũng rất khó để thực hiện.
Để tránh trẻ lặp lại những hành vi xấu đó mà không làm tổn thương cho trẻ, bạn nên tham khảo các bước thực hiện sau đây.
Bước 1 : Bình tĩnh.
Bố mẹ nên hít thở thật sâu trong vài giây rồi mới ra phản ứng. Bởi cha mẹ rất dễ bị kích động, tức giận do cảm xúc lây lan.
Bước 2 : Xem trẻ muốn gì.
Với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, hãy kiểm tra xem trẻ có đói không, liệu đang đau răng, đau bụng, buồn ngủ hay là tã bị bẩn,…
Với trẻ lớn, vừa xem biểu hiện và nghe trẻ nói để biết trẻ muốn gì. Đôi khi trẻ chỉ muốn được lắng nghe và chú ý quan tâm mà thôi.
Bước 3 : Giải thích rõ ràng.
Với trẻ lớn, không cần giải thích dài dòng nhưng cũng không nên nói “không” mà không kèm theo lời giải thích thỏa đáng nào. Hãy nói vì sao bạn không muốn trẻ ăn vạ hoặc làm theo ý của trẻ.
Bước 4 : Đưa cho trẻ sự lựa chọn
Với trẻ từ 3 tuổi trở lên, hãy hỏi trẻ xem liệu có phải trẻ đang làm sai và tự giải thích điều trẻ muốn. Cố gắng khuyến khích trẻ nói ra.
Cho bé các sự lựa chọn để bé tự quyết định và có cảm giác được kiểm soát chính mình. Chẳng hạn như : nếu con muốn ăn cái này thì con sẽ không ăn cơm nữa, nếu con muốn có đồ chơi này thì sẽ không được chơi trò gì đó nữa (trò mà trẻ ưa thích).
Bước 5 : Giữ vững lập trường.
Hãy tỏ ra cảm thông và lắng nghe trẻ nhưng phải cố gắng giữ nguyên quyết định ban đầu của mình. Vẫn tiếp tục cương nghị, giữ bình tĩnh và giải thích cho trẻ.
Bước 6 : Chờ đợi.
Khi trẻ đang tức giận hoặc khóc lóc quá mức, trẻ sẽ chẳng nghe được điều gì. Cách tốt nhất là chờ đợi để trẻ quên đi. Trẻ có thể đi lang thang đâu đó trong khu vực, hãy cứ để như thế nhưng luôn chú ý theo dõi.
Bước 7 : Lôi kéo trẻ sang sự chú ý khác.
Hãy kéo trẻ sang ngồi một phòng chờ hoặc chiếc ghế nào khác trong siêu thị hoặc nhà hàng. Hoặc cho trẻ ngồi yên tĩnh một mình trong phòng trẻ sẽ dần tự bình tĩnh lại. (chú ý không khóa cửa phòng bởi nó giống như một sự trừng phạt hay một sự bỏ rơi).
Có thể cho trẻ xem một cuốn truyện nào đó hoặc một món ăn vặt nào đó để bé dần quên đi.
Bước 8 : Tránh chấn thương.
Nhiều trẻ khi ăn vạ có thể đập phá đồ đạc, nằm lăn lộn dưới đất. Bạn hãy cố kéo trẻ ra khỏi tình huống đó nhưng tránh đánh đòn hoặc la hét chửi mắng trẻ.
Lưu ý, không nhất thiết phải thực hiện từng bước một như trên, tùy vào từng tình huống sẽ lựa chọn các bước sao cho phù hợp.
Xem thêm : Cách dạy trẻ tự kiểm soát bản thân giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi.
3. Cách phòng ngừa trẻ ăn vạ.
Bất kì đứa trẻ nào cũng đã từng ăn vạ, nó là một tất yếu của sự phát triển. Nhưng nó có thể trở thành một thói quen xấu khó bỏ. Để hạn chế và tránh những việc này xảy ra, bố mẹ nên :
Luôn nhất quán.
Tạo một lịch trình, thói quen hằng ngày và luôn giữ cho trẻ theo đó. Chẳng hạn như thời gian đi ngủ thời gian ăn, giới hạn những đồ chơi và thời gian chơi,…
Lên kế hoạch trước.
Khi trẻ đang đói hoặc mệt mỏi, luôn trữ sẵn những món đồ chơi hoặc đồ ăn vặt lành mạnh.
Khuyến khích trẻ nói.
Để trẻ có thể diễn tả suy nghĩ, mong muốn và cảm xúc của mình để đến khi tình huống xảy ra, trẻ sẽ cố gắng nói thay vì chỉ khóc lóc, la hét hay là hung hăng.
Để trẻ có quyền lựa chọn.
Tránh nói “không” với tất cả mọi thứ hoặc là áp đặt mọi chuyện lên trẻ. Hãy để trẻ có cảm giác mình cũng là một cá nhân độc lập, được kiểm soát một phần nào đó theo ý mình. Ví dụ như hỏi : con muốn mặc áo đỏ hay áo xanh?
Khen ngợi hành vi tốt.
Để củng cố những hành vi tốt và nâng cao sự tự tin cho trẻ.
Tránh các tình huống kích thích ăn vạ.
Chẳng hạn như tránh đến gần hoặc dừng lâu tại những quầy đồ chơi, nhà hàng ăn uống,…nếu bạn đang không có ý định mua gì đó cho trẻ.