Có thể con bạn vẫn chưa thể tự làm được nhiều thứ, chưa tự buộc dây giày hay tự làm bữa sáng. Nhưng thực ra có rất nhiều việc mà trẻ nhỏ có thể tự làm và điều quan trọng là ở chỗ việc trẻ bắt đầu tự làm chủ những hoạt động này, dù chỉ là những việc rất nhỏ, giúp chúng hiểu tầm quan trọng của tính tự lập. Các bạn có thể xem thêm bài viết sau để biết lợi ích của việc dạy con tự lập .
Trẻ Tự Dọn đồ Chơi Hình Thành Bé Tự Lập
Chắc chắn sẽ không thể thiếu những trận mè nheo khóc lóc hay ăn vạ trong hành trình theo đuổi sự tự lập. Nhưng sẽ có nhiều hơn những niềm vui, những lời khen ngợi khi con khám phá ra rằng lúc nào cũng cần phải có sự giúp đỡ của bố mẹ.
Có lẽ nhiều cha mẹ vì nghĩ rằng làm giúp con là thể hiện tình yêu thương với con,vì muốn con chỉ cần chuyên tâm vào ăn, học và chơi, vì nghĩ rằng con chưa biết làm gì, và vì nhà có người giúp việc rồi, và vì ông bà chiều cháu không cho cháu làm…. Có muôn vàn lí do như thế nên cha mẹ đã vô tình cướp đi của con trẻ rất nhiều những việc mà lẽ ra nó phải là công việc và trách nhiệm của cá nhân con trẻ. Lẽ ra ở thời điểm cần dạy trẻ tính tự lập để làm nền móng vững chắc cho giai đoạn thiếu niên và thanh niên thì cha mẹ lại không cho trẻ làm, rồi đột nhiên khi trẻ lớn lên trẻ vẫn quen với thói quen được cung phụng như thế thì cha mẹ lại bắt đầu ca thán và la mắng con rằng sao lại ỉ lại thế, dựa dẫm thế.
Làm thế nào để hình thành cho con thói quen tự lập ngay từ khi còn nhỏ để làm bước đệm vững chắc cho con trong tuổi trưởng thành, bài viết sau đây là một số chia sẻ của mình để giúp bé tự lập:
Mục lục
1. Nên dạy trẻ tự lập từ khi nào
2. Vì sao phải để trẻ tự lập từ khi còn nhỏ:
3. “Muốn tự mình làm” chính là bằng chứng về sự trưởng thành
4. Dạy trẻ tự lập như thế nào?
5. Những nguyên tắc bố mẹ cần nhớ để dạy trẻ sống tự lập
5. Những việc bạn nên bắt đầu làm với con nếu bạn đang muốn dạy con tự lập
1. Nên dạy trẻ tự lập từ khi nào
Câu trả lời rất đơn giản đó là khi trẻ được 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi trẻ đòi tự mình xúc, tự mình đi giày,tự mình đi nhà vệ sinh…là thời kỳ trẻ bắt đầu muốn được tự mình làm mọi thứ, tức là bắt đầu muốn tự lập thì thay vì ngăn cản cha mẹ hãy trao cho trẻ quyền được tự mình làm.
2. Vì sao phải để trẻ tự lập từ khi còn nhỏ:
Khi trẻ phát ra tín hiệu con muốn tự mình làm, tức là trẻ đang muốn nói với cha mẹ rằng “cha mẹ hãy giúp con để con có thể tự làm một mình” và đó cũng chính là bước cơ bản đầu tiên mà một con người tiến tới tự lập. Nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn tiền đề này không cho trẻ luyện tập, rồi khi trẻ lớn lên vài tuổi nữa lại la mắng trẻ là “lớn rồi mà mấy cái việc cỏn con này cũng không làm được” hay “tự mình làm đi”, thì thật chẳng khác nào xây nhà mà không xây móng.
Đồng thời ý thức muốn tự mình làm nó còn thể hiện sự khẳng định cái tôi, ý chí của bản thân nên nếu như nó nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ thì cái tôi ấy sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái.
Còn nếu như cha mẹ nào nhìn thấy con lóng ngóng cầm thìa rồi làm đồ ăn tung tóe, vụng về cài cái cúc mà nó cứ trượt, buộc mãi cái dây giày mà nó không xong thì sốt ruột, rồi cáu kỉnhnói với con “đấy mà, có làm được đâu nhưng cứ đòi cơ”, rồi “mẹ đang bận lắm,không có thời gian”, hay dụ dỗ “khi nào con làm được thì mẹ cho con làm” thì tự nhiên đã ngắt mất mầm non tự lập vừa mới nhú của trẻ đi rồi. Cha mẹ lại không biết rằng trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm để trở nên thành thạo hơn từ chính những trải nghiệm vụng về và thất bại ấy đấy. Hơn thế nữa hành động ngăn cản còn ám thị một sự phủ định cái tôi của trẻ, sẽ khiến trẻ mất đi tự tin và động lực hành động.
3. “Muốn tự mình làm” chính là bằng chứng về sự trưởng thành
Sự phát triển của trẻ sẽ chia ra nhiều bước, mà thành thục bước này rồi sẽ là tiền đề cho trẻ tiến đến bước cao hơn. Tại sao khi trẻ tập lẫy hay tập bò thì cha mẹ có thể kiên nhẫn chờ trẻ làm đi làm lại mấy chục lượt, rồi còn cố làm sao tạo ra môi trường tốt nhất để cho trẻ lẫy, trẻ bò được nhanh hơn. Thế thì tại sao cha mẹ không coi việc trẻ muốn tự xúc cơm, tự đi giày…cũng như một giai đoạn phát triển như là việc trẻ tập lẫy, tập bò để kiên nhẫn với trẻ hơn.
Có những thời điểm chỉ xảy đến một lần duy nhất trong đời trẻ mà ở thời điểm đó, cơ quan cảm thụ của trẻ trở nên nhạy cảm đặc biệt để tiếp thu những kích thích từ môi trường xung quanh. Thông qua việc hấp thu những kích thích cần thiết và tất yếu ấy trẻ sẽ hình thành nên chính con người mình. Đó chính là “thời kỳ nhạy cảm”. Dấu hiệu của thời kỳ nhạy cảm chính là viêc trẻ thể hiện mình muốn làm gì, đang tập trung hay có hứng thú đặc biệt với cái gì. Nếu như cha mẹ bỏ qua thời kỳ này thì trẻ vẫn sẽ học được nhưng khả năng thành thục sẽ chậm hơn và có khi làm giảm đi tinh thần ham học hỏi của trẻ đi rất nhiều.
Vậy thì “muốn tự mình làm gì” cũng chính là dấu hiệu của trẻ bước vào thời kỳ nhạy cảm đó, và để giúp con phát triển về cảm xúc lẫn rèn luyện tính tự lập lẫn kỹ năng sống thì cha mẹ đừng bỏ qua thời kỳ nền móng quan trọng này. Nếu muốn sau này nuôi con “nhàn nhã” thì cha mẹ hãy dành thời gian kiên nhẫn, dõi theo những thay đổi từ tâm lí đến hành động, và một trái tim sẵn sang “tiếp nhận những mong muốn của con” nhé.
4. Dạy trẻ tự lập như thế nào?
“Tôi biết là mình phải để cho trẻ tự làm, hoặc là dạy trẻ làm để giúp trẻ tự lập đấy, nhưng mà nói trẻ không nghe, có khi dạy mãi mà trẻ không biết làm theo. Vậy tôi phải làm thế nào”. Vâng câu hỏi này cũng là câu hỏi mà nhiều phụ huynh than thở nhiều nhất.Thực ra mấu chốt của vấn đề ở đây là không phải trẻ không làm được mà là “trẻ không biết cách làm”. Vì thế cách cha mẹ dạy trẻ cũng như tạo ra môi trường thích hợp nhất để trẻ học hỏi như nào sẽ quyết định đến việc trẻ có thể tự mình làm được một mình hay không. Dưới đây là những lời khuyên về cách dạy trẻ tự lập:
- Dù chưa nói sõi nhưng trẻ đã biết giằng lấy cái thìa đòi tự mình xúc, đòi tự đánh răng, tự đi giày…khi ấy việc cha mẹ cần làm là hãy “thu tay lại và dõi theo”hành động của trẻ như là sự tiếp nhận mong muốn của trẻ. Hãy quan sát xem trẻ có thể làm được đến đâu, chỗ nào là khó đối với trẻ, chỗ nào là trẻ vướng mắc không làm tiếp được để từ đó đưa ra những cách chỉ dẫn trẻ làm cho phù hợp.
- Khi muốn dạy trẻ làm gì thì hãy chỉ chọn một việc để dạy thôi. Nếu dạy quá nhiều thứ một lúc thì bạn đừng ngạc nhiên là đã dạy rồi mà trẻ chẳng nhớ được gì.
- Hành động cần được chia ra làm các bước rõ ràng, chỗ nào khó làm đi làm lại nhiều lần cho trẻ nhìn
- Cho trẻ nhìn theo và bắt chước hành động của mình: Hành động phải thật chậm rãi, có trình tự và trật tự làm sao trẻ nhìn thấy rõ. Trẻ con không có tốc độ lí giải ngay như người lớn được nên cách dạy sẽ khác với người lớn. Vì trẻ con sẽ muốn lưu lại hình ảnh 24 hình /phút thay vì người lớn muốn lưu hình ảnh 24 hình/giây. Ví dụ như khi dạy trẻ gấp cái áo thì mẹ hãy làm thật chậm từ bước gấp hai tay, rồi đến thân áo, sau đó gấp đôi lại nhưng không cần mẹ phải thuyết minh từng bước cho trẻ nghe
- Nguyên tắc “Đừng nói mà hãy hành động” tức là: Đừng thuyết minh hay giải thích gì khi làm cho trẻ nhìn
- Sau khi hành động xong hết rồi mới bắt đầu giải thích cho trẻ. Ví dụ như con nhớ không mẹ gấp áo bắt đầu từ gấp tay phải, tay trái, đến thân áo, rồi gấp đôi lại…
- Tránh dùng từ hàm ý chê bai, gây sự tự ti cho trẻ kiểu như “đấy, con đã hiểu chưa”, “mẹ dạy rồi mà vẫn không biết làm à”.
- Đừng bao giờ tỏ ra sốt ruột vì trẻ thất bại nhiều lần thì mới thành công được, nhưng đó là sự thành công vô cùng giá trị đối với cuộc đời trẻ.
- Đừng bao giờ vừa làm cho trẻ xem lại vừa nói đính chính kiểu lên giọng với trẻ khi đang dạy trẻ: “đây, làm như này này”, hay muốn nói cho con biết chỗ sai kiểu như “con đã thấy mình làm sai chưa, đúng không”, thì sẽ chỉ khiến trẻ tụt hứng mà không thêm làm tiếp nữa.
- Cuối cùng là mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách và ý chí khác nhau, nên cha mẹ hãy quan sát con mình để tìm ra thời điểm phù hợp để bắt đầu dạy trẻ những thói quen tự lập. Nhanh chậm không quan trọng bằng việc trẻ thu được gì cho bản thân từ những việc làm ấy, và không bị làm mất đi hứng thú. Vì thế mình sẽ không ghi ra khung rõ ràng rằng ở tuổi này trẻ cần làm được cái gì, chỉ cần từ 0- 3 tuổi trẻ được nuôi dưỡng khả năng khẳng định bản thân, biết chăm sóc vệ sinh cá nhân, những điều cơ bản liên quan đến bản thân trong sinh hoạt hàng ngày là được.
5. Những nguyên tắc bố mẹ cần nhớ để dạy trẻ sống tự lập
Tự lập với trách nhiệm thường đi đôi với nhau. Một đứa trẻ biết sống tự lập sẽ có trách nhiệm với từng việc phải làm, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân. Dưới đây những nguyên tắc bố mẹ cần làm để dạy trẻ sống tự lập – trách nhiệm:
Khi trẻ vấp ngã, đừng vội ôm lấy con và đổ lỗi cho những thứ vô tri, vô giác
Cũng đừng khuyến khích con đánh vài cái vào cái bàn, cái ghế cho hả giận. Thay vào đó, hãy trấn an trẻ. Nếu trẻ bị thương hãy giúp trẻ. Nếu trẻ không sao, hãy động viên trẻ tự đứng lên; cho trẻ biết: vì con chưa cẩn thận, quan sát không kĩ nên va vào bàn ghế đấy chứ! Chúng đâu có chạy nhảy khỏi vị trí để ngáng chân con đâu, đúng không? Chắc chúng cũng đau lắm đó. Con xin lỗi chúng nhé!
Hãy tập cho trẻ làm những việc nhỏ càng sớm càng tốt
Tôi từng gặp trong một chuyến du lịch nọ, cặp vợ chồng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã để con gái chưa đầy tuổi rưỡi của mình tự ngồi ăn trưa với mọi người. Mọi người ngạc nhiên hỏi: “Sao chị không giúp nó?” Họ bảo: “Để nó tập ăn một mình”, vì họ đã gọi thức ăn đủ mềm và an toàn với con. Và vì được tập sớm nên đứa trẻ vô cùng hứng thú, dùng tay lấy thức ăn và ăn no sau bữa ăn.
Làm việc nhà tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Nhà tôi có mấy bạn sinh viên đại học ở chung, trong đó có hai bạn nam không biết rửa bát, quét nhà, nấu cơm điện. Mền gối của các bạn ấy cả năm không giặt… Đó cũng là lý do mà hai bạn đó hay bị mấy bạn khác trong phòng rầy la chuyện nhà cửa, ăn uống. Bởi vì ở nhà, hai bạn ấy luôn được cha mẹ làm thay.
Dạy trẻ biết chia sẻ, giúp đỡ
“Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Khi cha mẹ nấu ăn, có thể cho con nhặt rau; cha mẹ nấu cơm, hãy để con xới ra bát; cha mẹ dọn nhà, hãy nhờ và hướng dẫn con lau bàn…
Tôi thấy 10 nhà thì có đến 8 nhà, người lớn “lao động toàn tập”. Trẻ dù có ý muốn đụng tay vào cái gì cũng bị ngăn lại.
Ngoài ra, vì con không lao động kiếm ra tiền, cha mẹ hãy dạy con giúp đỡ, chia sẻ với người lớn bằng việc tiết kiệm tiền điện, tiền nước, tiền mua đồ chơi, giữ gìn đồ dùng học tập, áo quần, giầy dép…
Những việc nhỏ xíu vậy nhưng tích tiểu thành đại. Khi con trưởng thành, con sẽ khác hẳn những đứa trẻ được bao bọc đến độ chẳng làm gì đụng tới cái móng tay.
Khen ngợi những nỗ lực của con
Lần đầu tiên tự làm điều gì đó luôn đầy háo hức. Dù việc lởn vởn quanh con chắc chắn không phải là một ý tưởng hay vì bạn đang rèn tính tự lập cho con, nhưng thỉnh thoảng chen vào với một lời khen như “Con giỏi lắm!” khi con hoàn thành một nhiệm vụ nào đó sẽ khiến con cảm thấy đầy tự hào về những gì mình làm được.
Đừng ám ảnh với “hoàn hảo”
Tự lập là một thử thách không hề nhỏ đối với trẻ nên dù hầu hết những gì trẻ làm được không được hoàn hảo như bạn mong đợi hay không mang lại kết quả mà bạn muốn, thì hoàn toàn không sao cả. Đừng quá đặt nặng về độ hoàn hảo, quan trọng là con bạn học được và làm được những gì.
5. Những việc bạn nên bắt đầu làm với con nếu bạn đang muốn dạy con tự lập
Cho bé lật trang sách
Chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng lại rất quan trọng: Cho trẻ đóng góp vào giờ đọc sách bằng cách để con lật trang sách, hoặc là thậm chí để con cầm sách khi bạn đọc cho con. Mục tiêu ở đây chỉ đơn giản là để trẻ cảm thấy như trẻ đang kiểm soát tốc độ của hoạt động này thay vì chỉ bị động ngồi nghe.
để Bé Biết Tự Lập
Để trẻ tự kiểm soát quá trình tập đi vệ sinh
Một vài trẻ có khả năng học rất nhanh trong khi một vài trẻ thì cần thời gian để làm quen. Điều quan trọng là bạn cho phép con tự tìm ra những gì phù hợp và hiệu quả nhất đối với con. Nhiệm vụ của bạn là chỉ cho con nên làm những gì (và lặp đi lặp lại nhiều lần nếu cần thiết), và cổ vũ khen ngợi con khi con tự làm được.
Để con tự ăn như một người lớn
Hãy để trẻ có sự lựa chọn đối với những gì chúng ăn giống như người lớn nhưng đồng thời bạn cũng nên có sự “hạn chế” trong lựa chọn đó. Ví dụ như “Tối nay chúng ta có 2 sự lựa chọn cho món rau. Nên ăn đậu hay cà rốt đây nhỉ?“. Nói như vậy, bạn sẽ vừa giảm bớt “gánh nặng” khi phải ăn rau cho trẻ, lại vừa khiến con cảm thấy như mình có thể kiểm soát bữa tối của mình. Làm như thế, bạn cũng đang cho con cơ hội có thể đưa ra quyết định không chỉ cho riêng mình con, mà còn cho cả nhà.
Để con tự chọn quần áo để mặc
Tự mặc quần áo là dấu mốc lớn đối với trẻ, chưa kể nó còn có thể giúp bạn có chút thời gian để bản thân thay quần áo. Hầu hết sẽ không tự làm được việc này cho đến khi bắt đầu đi học tiểu học, nhưng bạn có thể bắt đầu dần bằng việc hỏi con muốn chọn quần áo gì để mặc cho ngày hôm nay.
Để con giúp nấu bữa tối
Dù còn nhỏ nhưng hầu hết trẻ đều rất ám ảnh với việc làm theo tất cả những gì bố mẹ làm. Tất nhiên hầu hết những việc người lớn chúng ta làm thì đều chưa phù hợp để trẻ làm, nhưng bạn vẫn có thể để con giúp những việc đơn giản như: để những rau củ đã được cắt vào một cái bát, hay khuấy bột, đánh trứng,… Giao cho trẻ những việc nhỏ nhưng cũng sẽ giúp trẻ cảm thấy như mình đang đóng góp cho bữa ăn của cả nhà.
Để trẻ tự dọn đồ chơi
Bày bừa ra được thì cũng dọn lại được, tất nhiên là trẻ sẽ không thể tự dọn dẹp những gì quá nhiều hay phức tạp được, nhưng hãy tập cho con tự cất đồ chơi lại vào thùng sau khi chơi xong.
Áp dụng “cưa đôi”
Nếu bạn đi giày cho con thì hãy đi giúp con đi một bên, và để trẻ tự đi bên còn lại. Nếu con tự mặc áo vào, bạn sẽ giúp con cài cúc. Hãy khuyến khích sự tự lập của trẻ, đặc biệt là những trẻ còn đang lưỡng lự và chưa muốn tự lập, bằng cách chia đôi công việc ra một nửa.
Để trẻ tự đánh răng
Bạn sẽ phải theo sát khi để con tự đánh răng nếu con chưa được 4 tuổi vì khi còn nhỏ thì chắc chắn trẻ sẽ không thể đánh sạch được. Nhưng nếu bạn muốn rèn cho con tự lập, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu tập cho con sớm, từ những bước nhỏ như rửa bàn chải, lấy kem đánh răng… Làm mẫu cho con và đứng quan sát con thật kỹ để đảm bảo con làm đúng.
để Trẻ Tự đánh Răng Là Cách để Bé Tự Lập
Mạnh dạn để trẻ làm việc nhà, không chiều chuộng bênh vực con quá mức… là những điều đầu tiên bố mẹ nên áp dụng để rèn tính tự lập cho con. Các mẹ hãy tham khảo bài viết để vạn dụng với bé yêu của mình nhé.