Albert Jacquard- nhà di truyền học nổi tiếng người Pháp, dựa trên lý luận về di truyền đã cho rằng: “Mọi trẻ, lúc chào đời, trừ một thiểu số bị bệnh tật thì đều có tiềm năng thông minh. Nhưng môi trường có cho phép những tiềm năng ấy thành thông minh thật sự hay không lại là chuyện khác”.
Trên quan điểm của một người làm khoa học và cũng là một người mẹ, PGS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly- nữ giáo sư trẻ nhất Việt Nam nổi tiếng với khả năng học vấn cũng như nguyên tắc nuôi dạy con trẻ khoa học cũng khẳng định: “Mỗi trẻ sinh ra đều nổi trội ở một hay nhiều loại trí thông minh khác nhau. Và nếu được khuyến khích phát triển đúng cách, trẻ sẽ phát triển vượt trội và có thể dẫn đầu trong lĩnh vực trẻ có khả năng.”
Lý luận này phần nào phù hợp với vấn đề đang được thảo luận trong bài viết. Bất cứ trẻ nào cũng đều có năng khiếu thiên bẩm. Nhưng phát triển tiềm năng ấy như nào thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố môi trường mà cha mẹ tạo ra cho trẻ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu đúng cách thì tài năng đó sẽ được rèn luyện, mài giũa trở nên xuất chúng và ngược lại, có thể thui chột, thậm chí biến mất nếu làm sai cách.
Đọc thêm: Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P1] Đúng thời điểm? Đúng cách?
Những sai lầm cơ bản làm thui chột năng lực bẩm sinh của trẻ
Ảo tưởng về năng lực của bé:
Đây có lẽ là một trong số những sai lầm cơ bản thường gặp nhất của các bậc cha mẹ. Khi phát hiện ra năng khiếu của con, cha mẹ thường có xu hướng đặt tất cả kỳ vọng vào bé, vô tình khiến trẻ phải chịu gánh nặng áp lực.
Không phải đứa trẻ nào bộc lộ năng khiếu bẩm sinh cũng sẽ trở thành thiên tài xuất sắc. Cha mẹ nên nhìn nhận đúng khả năng của con mình để giúp trẻ có cơ hội phát triển tốt nhất, thay vì hướng trẻ trở thành người giỏi nhất.
Nếu để con chịu những áp lực, gánh nặng vô hình từ cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến tính cách của con sau này. Bởi khi trẻ không thể đáp ứng mong đợi của cha mẹ, trẻ sẽ mang mặc cảm thất bại. Điều này không chỉ làm thui chột năng khiếu của con mà nguy cơ trầm cảm xảy đến là rất lớn.
Đọc thêm: Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P2] Trẻ có những loại năng khiếu nào? Làm thế nào để phát hiện?
Ép buộc thay vì khuyến khích:
Khi phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh, hầu hết cha mẹ thường có xu hướng dành mọi thứ tốt nhất cho con, đầu tư cho con “càng nhiều càng tốt”. Bằng cách gửi con đến các lớp bồi dưỡng, lớp học thêm, các câu lạc bộ, vô tình khiến con bị áp lực, mệt mỏi bởi bài tập, bởi quỹ thời gian con được vui chơi đã bị thay bằng những giờ học gò bó.
Trên thực tế, để trẻ phát huy tốt nhất năng lực, khả năng tiềm ẩn của mình, cha mẹ nên cho con được tự do chọn lựa theo sở thích, được làm những gì con muốn. Tất nhiên nên có sự hướng dẫn, chỉ dạy một cách bài bản sẽ giúp con phát huy sở trường một cách tốt nhất nhưng nên ở một mức độ vừa phải, phù hợp nhất với thể trạng và khả năng của con.
Đọc thêm: Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P3] Những sai lầm cần tránh
Không nhìn nhận sự nỗ lực, cố gắng của con:
Vì kỳ vọng quá lớn, cha mẹ thường rất nôn nóng khi nhìn vào kết quả thay vì công nhận sự nỗ lực, cố gắng của con. Nếu con chưa có sự tiến bộ, thay đổi vượt bậc, chỉ có số ít cha mẹ nghĩ đến việc động viên, đồng hành cùng bé.
Điều này là hoàn toàn sai lầm. Bởi không chỉ trong công cuộc khơi dậy và phát hiện năng khiếu cho con, mà cả trong cách nuôi dạy bé cũng cần ghi nhớ 4 yếu tố: đó là yêu thương, kiên nhẫn, trò chuyện và khen ngợi. Chỉ khi trẻ cảm giác được sự yêu thương, trân trọng, ghi nhận sự cố gắng của bé ở cha mẹ thì bé mới hình thành động lực, niềm tin và sự hứng thú để học hỏi, phát triển.
Xin mượn lời của Maria Montessori- nhà giáo dục nổi tiếng người Ý: “Để hỗ trợ trẻ nhỏ, chúng ta phải tạo cho các bé một môi trường cho phép trẻ phát triển một cách tự do nhất”.