“Ăn vạ” là biểu hiện chống đối, bực tức cực độ của phần lớn đứa trẻ sau khi kết thúc giai đoạn tập làm quen với môi trường ngoài bụng mẹ, chuyển sang nhận thức về bài học cuộc sống. Trung bình là từ 1 tuổi trở ra, có thể sớm hơn từ lúc biết đi hay bất hợp tác với thức ăn dặm, sữa công thức, cách dạy của mẹ… Có đủ các loại thời điểm để cô cậu bé “dở chứng”, “nằm lăn ăn vạ”, thậm chí khi ta về già cũng có biểu hiện này như con trẻ. Vậy làm thế nào để giải quyết điều này, hãy cùng tìm nguồn gốc và xem một số lời khuyên cho mẹ khi trẻ ăn vạ và cách dạy con nhé.
Mục lục
Những nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ
Những điều mẹ cần làm khi con ăn vạ
Kết luận
Mở rộng: Sự tích cây vú sữa
Những nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ
THỂ HIỆN CẢM XÚC CÁ NHÂN là lí do chính để trẻ ăn vạ. Rất nhiều bà mẹ đã lẩm bẩm hoặc quát tháo Đồ hư, Đi ra kia, Không được tích sự gì, hay tệ hơn là Giống ai trong cái nhà này?!! Chẳng do một điều nào vừa nói cả, đơn giản vì bé không thể nói được ý kiến như người lớn, nên trẻ buộc khóc lóc ỉ ôi thay cho tiếng nói giải thích.
Ăn vạ khóc thét
Người ta nói rằng, khóc là cách giao tiếp duy nhất của đứa trẻ, chẳng phải chỉ do đói, do nóng lạnh, do bẩn cần thay bỉm, mà đơn giản khóc để báo hiệu con muốn nói. Nhưng vốn từ ít ỏi, khóc nhiều thì khó thở, có bé thậm chí sau một hai trận viêm họng mũi rồi thêm bệnh đau ốm khiến bố mẹ khổ. Thế rồi không có cách khác để nói ra thì trẻ buộc theo xu hướng bạo lực như đấm đá, cấu xé, la hét, lăn lộn…
Nhưng nếu bình tĩnh ngẫm lại mình đã từng là trẻ con thì bạn nên biết đó là những chuyện thường ngày của bé trong lứa tuổi này. Khi ức chế còn có thể cãi cọ, đánh nhau hay thậm chí âm thầm trả thù trong giới người lớn, thì tại sao bạn không thử bỏ qua để nghĩ cách xử lý tình trạng này một cách hiệu quả?
Nằm lăn ăn vạ
Những điều mẹ cần làm khi con ăn vạ
Thờ ơ, tạm vô cảm
Im lặng và ngồi nguyên, nếu trẻ lại gần hãy quay mặt đi che giấu mình không để trẻ thấy. Đó là cách để tỏ ra không quan tâm và cho trẻ cơ hội phát hiện nguyên nhân cha mẹ thay đổi thái độ. Muốn dạy trẻ biết yêu thương, đoàn kết, quan tâm mọi người thì phải cho trẻ hiểu cảm giác bị thờ ơ, xa lánh. Đừng cố gắng vội vàng dỗ dành, giải thích, đe dọa hay đuổi đánh với một đứa trẻ con. Vô tác dụng thôi, vì giáo viên dạy trẻ dậy thì hay thanh niên còn không thể giải quyết ngay lập tức thái độ xấu của trẻ nữa là người trong nhà với bé như ta.
Hãy cho trẻ một góc riêng để bình tĩnh, biết nhận ra chút gì đó sai sai trong cách ứng xử của mình, và có thể bé sẽ mon men đến bám vào người ta xin sự quan tâm. Và sau đây chính là bước chuyển giao để trẻ hiểu vấn đề.
Đòi quan tâm khi ăn vạ
Cho qua, nhắc nhở nhẹ nhàng
Khi trẻ đã ăn vạ chán chê và tạm dừng khóc, bạn hãy nói: Con xong chưa?… Chờ phản ứng đến khi nào con cún mệt nhoài không la hét nữa, bạn hãy tập thói quen Xin lỗi trẻ, lập tức nói Nhưng con làm thế là chưa ngoan lắm/chưa được đâu. Con hãy bình tĩnh lại nhé, mình có thể như thế này... Rồi nói lời yêu thương và nựng con.
Đừng ai nghĩ đó là phương pháp chỉ có trên giấy tờ, giận dữ mà lại phải nói ngọt giả tạo ư? Bạn hãy thử xem lại quãng thời gian lớn lên, đã bao giờ phải xấu hổ thấy oan ức vì có người vạch tội mình, rồi đã bao giờ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và áy náy vì nghe người bị mình gây ảnh hưởng xấu lại nhận lỗi với mình? Và chẳng ai không thay đổi sửa sai sau khi nghe được lời ngọt ngào, vuốt ve, nịnh đầm như hồi con trẻ.
Tuyệt đối không để ai can thiệp
Đem con tới nơi khác khi không thể ngăn người đứng xung quanh xen vào cách dạy con, bắt mẹ hay cha phải làm điều gì mới là đúng, dù đó là kinh nghiệm của cá nhân họ thôi. Trong lúc đang trị con ăn vạ rất nhạy cảm dễ tổn thương cả người nuôi và người con, mà lại phải nghe lời bàn tán thì không khác gì cách cộng đồng mạng nhảy vào bình phẩm một người nổi tiếng hay ai đó bất đắc dĩ có lỗi. Điều này phải đảm bảo không làm mất lòng mọi người nhưng đã có sự thống nhất trước với người cùng nuôi dạy, nhất là người chồng/người bố. Khi hai cha mẹ hòa hợp thì việc dạy con cũng như hờn dỗi trong tình yêu, rồi con sẽ lại thương mẹ sau khi trải qua hai bước trên.
Nói chung, chuyện dạy con cũng như tình cảm yêu đương, chỉ nên có hai người với nhau cùng thấu hiểu. Mai này khi con thành thanh niên, bài thơ “Nói với con” của Y Phương trong cuốn sách sẽ dạy con hiểu mong ước về gia đình hạnh phúc, về lối sống tự chủ, không chê bai, động viên để con thêm bước xa trên đường đời:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ (đồ bắt cá) cài nan hoa
Vách nhà ken (đan cài) câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
Người đồng mình (người cùng dân tộc) thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Kết luận
Còn rất nhiều cách để trị con ăn vạ, tuy nhiên cuối cùng vạch đích vẫn là để con nhận lỗi và sửa sai. Đừng bao giờ để mình thành một con sư tử trước mắt chuột con. Hãy nắm tay con đi dạo chơi bằng lời lẽ đường mật, khi con sai cho con một khoảng lặng như tiếng suối giúp suy nghĩ thêm. Hãy yên tâm sẽ có ngày con dẫn bạn tới nơi toàn quả ngọt, như cổ tích về trái vú sữa của mẹ đã giúp con tỉnh lại sau sai lầm vậy.
Và đây cũng là câu chuyện phù hợp với những em bé ăn vạ biết được tác hại của thói xấu ăn vạ, làm sai liền bỏ đi. Xin chia sẻ cùng các bạn thêm một cách đưa trẻ vào an bình giấc mơ
Mở rộng: Sự tích cây vú sữa
Ngày xưa, có một câu bé ham chơi không quan tâm đến mẹ. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi xa không muốn quay về. Cậu la cà rong chơi khắp nơi, chẳng thiết nghĩ đến mẹ ớ nhà mỏi mắt chờ mong. Không biết cậu đã đi bao lâu nhưng người mẹ thì đã mòn mỏi và rồi chuyện gì cũng sẽ đến…
Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ con lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ, liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy bóng mẹ đâu. Cậu hét to đến khản tiếng gọi mẹ, rồi mệt quá liền ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kì lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh, rồi chín như phép màu. Một quả rơi vào lòng cậu. Đói khát nhớ mẹ, môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cậu nhìn lên tán lá. Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé oà khóc. Cây xoà cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ về. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và gọi đó là cây vú sữa.