Giúp con tránh những xung đột ngay từ đầu
Những đứa trẻ thường nổi giận khi cảm xúc của chúng bị tổn thương hoặc chúng không thể làm những điều chúng muốn. Hoặc bố mẹ/ những người khác không hiểu chúng, nói dối chúng. Hoặc chúng cảm thấy bị bỏ rơi, những người khác không làm theo những gì mà chúng muốn.
Đôi khi, xung đột có thể không phải nguyên nhân từ con bạn, mà lại được gây nên từ những đứa trẻ khác. Do đó, việc hòa đồng với những đứa trẻ đó sẽ rất khó bởi chúng thường không kiểm soát được cảm xúc của mình. Ví dụ:
- Thường xuyên đánh nhau khi chúng tức giận.
- Đi trêu chọc bạn bè
- Cổ vũ, khuyến khích bạn bè đánh nhau
Điều này có thể khiến con bạn bị ảnh hưởng hoặc gặp rắc rối. Do đó, cách tốt nhất để đối phó với xung đột là tránh nó ngay từ đầu. Hạn chế các tình huống tranh chấp bằng cách hãy dạy trẻ chuẩn bị trước như:
1. Khen ngợi, củng cố các hành vi tốt
Ví dụ như 2 đứa trẻ đang chơi cùng nhau rất vui vẻ, hòa dồng, chia sẻ đồ chơi với nhau, bố mẹ hãy khen ngợi, và cho các con biết rằng chúng đang chơi với nhau rất tốt. Đây là hành động tuyệt vời, cần phát huy để trẻ biết được đó là hành vi nên làm.
2. Giải thích các quy tắc trước khi cùng chơi
Để ngăn chặn những xung đột có thể xảy ra, hãy giải thích trước cho trẻ rằng chúng nên có một ranh giới rõ ràng. Mỗi trò chơi cần phải có lượt chơi, và khi đến lượt con chơi thì con mới được chơi. Hoặc khi chơi chung 1 món đồ, con cần phải có sự chia sẻ với bạn của mình. Điều này sẽ giúp con hiểu rằng, mọi việc đều có thứ tự và sự công bằng.
3. Khuyến khích con chia sẻ với mình
Khi mọi chuyện quá tầm kiểm soát của con, con không biết xử lý như thế nào, hãy khuyến khích con tìm đến một người lớn đáng tin để chia sẻ và tìm cách giải quyết.
4 cách dạy trẻ đối phó với xung đột
Trước khi dạy trẻ giải quyết xung đột, bố mẹ hãy dạy cho trẻ biết rằng đánh nhau không giúp chúng giải quyết được vấn đề, mà đang tạo ra những vấn đề mới. Hãy cho trẻ biết chúng cần bình tĩnh để bước ra khỏi xung đột đó thay vì ở lại và tiếp tục gây lộn với nhau. Hãy nhắc nhở con rằng khi con tức giận nhưng con kiểm soát được bản thân mình, đó là lúc con đã thực sự chiến thắng.
Một số cách bố mẹ có thể thử để giúp con đối phó với xung đột khi phát sinh như:
1. Dạy con hãy thừa nhận cảm xúc của mình
Có thể điều này sẽ gặp khó khăn với những đứa trẻ còn quá nhỏ và chưa biết thể hiện hay thừa nhận cảm xúc thực của mình. Nếu bạn giúp con thừa nhận cảm xúc của mình đang tức giận, tổn thương hay buồn bã… Có thể sẽ giúp việc giải quyết xung đột được nhanh hơn.
2. Tôn trọng, đặt mình vào vị trí của người khác
Ở độ tuổi của các con, sẽ không biết thế nào là đặt mình vào cảm xúc của người khác. Do đó, bố mẹ sẽ là người dạy con biết đồng cảm bằng cách gợi ý và để con đoán xem nếu con tức giận và đánh bạn thì bạn con sẽ cảm thấy như thế nào.
Ngoài ra, bố mẹ hãy nói cho con biết cảm nhận của mình như thế nào khi thấy con và bạn tức giận, dành đồ chơi của nhau, xung đột với nhau, để trẻ biết đặt vào vị trí của bạn thay vì đang hừng hực chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình. Điều này sẽ giúp con cảm thấy có lỗi và nhanh chóng hòa giải với bạn.
3. Khuyến khích con tìm ra giải pháp
Thay vì áp đặt con phải làm thế này khi có tranh chấp, thì hãy dạy con đối phó với xung đột bằng cách yêu cầu con tự tìm ra giải pháp rằng trong tình huống đó thì con muốn giải quyết như thế nào? Thường chúng sẽ muốn chúng là người dành được món đồ chơi đó hoặc chúng sẽ là người chiến thắng, nhưng sau đó bạn nên giải thích và gợi ý cho con những giải pháp tốt hơn cho con và bạn.
4. Khuyến khích con làm lành
Giận dữ thường không kéo dài lâu ở trẻ nhỏ nhưng nếu cảm giác đó xảy ra thì đều sẽ khiến chúng cảm thấy rất tồi tệ. Sau những cuộc tranh cãi đó không có nghĩa là tình bạn giữa các con sẽ chấm dứt. Bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu và khuyến khích chúng làm lành với nhau. Đó mới là cách đối phó với xung đột tốt nhất cho các con.
Khi nào bố mẹ nên can thiệp?
Trẻ em thường sẽ không tức giận hay cãi vã nhau quá lâu khi xảy ra xung đột, bố mẹ có thể cho con chút thời gian để bình tĩnh lại. Tuy nhiên, bạn cần quan sát và can thiệp ngay khi:
Bất cứ khi nào xuất hiện hành vi bạo lực khi những đứa trẻ đang chơi với nhau thì đều là tình huống nguy hiểm và cần sự can thiệp của bố mẹ hoặc người lớn.
Nếu trong tình huống đó con bày tỏ cảm xúc quá đỗi mạnh mẽ và không có thái độ khuất phục, nhường nhìn, bố mẹ nên can thiệp ngay lập tức để giúp con bình tĩnh lại và giải quyết lại vấn đề.
Như đã nói ở trên, rằng đôi khi xung đột không xảy ra do yếu tố khách quan từ những đứa trẻ mà do một đứa trẻ nào đó có thói quen bắt nạt. Nếu bạn thấy con mình hoặc một đứa trẻ nào đó đang bị bắt nạt hoặc đe dọa, bạn nên can thiệp ngay và chấm dứt hành vi đó.
Bố mẹ nên can thiệp như thế nào?
Nhiều phụ huynh khi nhìn thấy con mình bị bắt nạt hoặc khi con và bạn có dấu hiệu tức giận và gây gổ nhau thường nổi cáu với con và với bạn của con. Đó không phải là cách giải quyết xung đột hay, hơn nữa còn làm cho con bạn càng thêm nổi giận vì lúc đó cảm xúc của chúng đang rất tồi tệ, chúng cần xoa dịu hơn là trách mắng.
Trẻ em thường chưa suy nghĩ được thấu đáo mọi chuyện, và thường có hành vi phản ứng trước khi chúng nghĩ. Do đó, khi có xung đột xảy ra chắc chắn chúng sẽ rất tức giận và nổi nóng. Vậy nên việc làm cần thiết nhất lúc này là bố mẹ hãy giúp trẻ bình tĩnh lại bằng cách hít thở thật sâu, đếm từ 1 đến 10, có thể đưa chúng đi bộ một đoạn đường để giúp con giận nguôi ngoai. Sau đó mới giải thích và dạy con các bước tiếp theo.
- Lắng nghe để hiểu nguyên nhân vấn đề
Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó, dù đó là nguyên nhân nhỏ hay lớn thì việc tìm hiểu được nguồn gốc của vấn đề sẽ giúp bố mẹ đưa ra được các giải pháp để giải quyết chúng. Không nên đánh mắng con trước mặt bạn vì điều này sẽ làm con cảm thấy xấu hổ, đặc biệt trong lúc tức giận con sẽ có những hành vi không tốt vì không làm chủ được mình. Hơn nữa, nếu con bị oan, con sẽ cảm thấy ấm ức và sự việc sẽ rất nguy hiểm.
- Không đổ lỗi ngay cho đứa trẻ và phụ huynh của chúng
Con cái bị bắt nạt, nhiều bố mẹ không làm chủ được mình đã ngay lập tức trách mắng, đổ lỗi cho chúng và phụ huynh của chúng. Đây không phải là cách làm hay bởi những đứa trẻ chưa suy nghĩ được chín chắn, và đổ lỗi không phải là cách giải quyết vấn đề. Hãy đánh giá và nhìn nhận một cách công bằng, sau đó mới đưa ra được giải pháp tốt nhất.
Những đứa trẻ không hề có lỗi, lỗi là do cách chúng ta dạy chúng. Vì thế, cách tốt nhất để đối phó với xung đột là hãy tránh xa những xung đột ngay từ đầu, bằng cách giáo dục trẻ biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với bạn bè, cách giao tiếp ôn hòa để chúng không làm tổn thương đến người khác. Qua đây, thấy được tầm quan trọng của các bậc phụ huynh khi có con trong giai đoạn này, cần khéo léo giải quyết để không làm tổn thương đến bất kỳ đứa trẻ nào.