I. Một số kỹ năng cần thiết cho trẻ
1. Dạy trẻ tự tin
♦ Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp mang lại thành công và kết quả tốt nhất trong mọi việc. Tự tin không phải là tất cả nhưng nếu thiếu điều này, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều khó đạt được những thành công trong trường học và cuộc sống.
♦ Sự tự tin giúp trẻ thể hiện được mình trong các mối quan hệ xã hội, giúp trẻ không ngần ngại khám phá những điều mới mẻ thú vị trong cuộc sống, trau dồi và học tập các kiến thức, kỹ năng. Tự tin cũng giúp trẻ vượt qua được những khó khăn, trở ngại mà bất kỳ ai cũng sẽ phải đối mặt trong cuộc đời.
2. Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp
♦ Ngay từ khi trẻ chào đời, kỹ năng giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển. Giai đoạn đầu, trẻ giao tiếp qua cử động tay chân, qua biểu cảm ánh mắt, qua tiếng khóc… Lớn hơn, kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành và hoàn thiện dần qua ngôn ngữ, cử chỉ… Có thể khẳng đinh, giao tiếp là một trông những năng lực cần thiết nhất để trẻ phát triển và sinh tồn trong cuộc sống.
♦ Phụ huynh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ trau dồi kỹ năng giao tiếp. Tạo môi trường phù hợp cho con, tạo điều kiện cho con hòa đồng với những người xung quanh, cho con cơ hội, khuyến khích con tương tác, giao tiếp với bạn bè… là những việc không thể
3. Dạy trẻ kỹ năng làm việc nhóm
♦ Con người sinh ra và lớn lên không có ai chỉ có một mình. Trong cuộc sống chúng ta có gia đình, có bạn bè, có đồng nghiệp, có các mối quan hệ xã hội. Trong cuộc sống hiện đại các mối quan hệ xã hội ngày càng rộng mở và là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc biết cách hòa đồng, biết cách làm việc theo nhóm, tận dụng sức mạnh, ưu thế của tập thể để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập và công việc là một trong những kỹ năng quan trọng.
♦ Đối với trẻ em, bố mẹ nên định hướng và trau dồi cho con những kỹ năng học nhóm, làm việc nhóm ngay từ nhỏ. Điều này không chỉ giúp cho trẻ hòa đồng hơn với những người xung quanh mà còn giúp cho trẻ có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động.
Dạy trẻ kỹ năng làm việc nhóm giúp trẻ hòa đồng
4. Dạy con giá trị của lao động và cách kiếm tiền, tiêu tiền
♦ Rất nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống tại các thành phố lớn thường được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ. Trẻ hầu như không phải làm bất kỳ việc gì dù là việc nhỏ nhất và hoàn toàn phù hợp với khả năng của lứa tuổi. Việc duy nhất trẻ phải làm đó là học và chơi. Khi trẻ cần tiêu tiền vào việc học thêm, ăn quà vặt, mua quà tặng bạn…, nhiều phụ huynh cũng khá dễ dãi trong việc chu cấp, thường là cho tiền ngay mà không hỏi rõ mục đích. Tất cả những điều này dẫn đến việc trẻ ngày càng thiếu tính tự lập, hay đòi hỏi, luôn muốn dựa dẫm vào người khác, không hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền.
♦ Trong cuộc sống hiện đại, việc dạy con biết lao động và quý trọng thành quả lao động, dạy cho con ứng xử như thế nào với tiền bạc là việc rất quan trọng. Giáo dục con giá trị của lao động giúp con có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giáo dục con nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm sẽ giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính, giúp con trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm với các quyết định tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
5. Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân
♦ Trẻ con vốn luôn hiếu động, hiếu kỳ và muốn khám phá những điều mới lạ. Trong cuộc sống ngày nay, khi xã hội ngày càng hiện đại, càng phát triển thì những mối nguy hiểm cho trẻ con ngày càng nhiều. Những nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ tiềm ẩn không chỉ ở gia đình, ở trường học, ngoài đường mà còn ở bất kỳ đâu trong cuộc sống này.
♦ Đa phần các bậc cha mẹ đều ý thức được điều này, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có phương pháp dạy con những kỹ năng bảo vệ bản thân đúng đắn. Sự lựa chọn thường gặp của phụ huynh đó là tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro. Việc chỉ nghiêm cấm mà không giáo dục, trau dồi các kỹ năng bảo vệ bản thân càng kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong trẻ và không mang lại nhiều tác dụng.
♦ Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm phụ huynh cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ biết những mối nguy hiểm và kỹ năng ứng phó với nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
6. Dạy trẻ không ngừng học hỏi và đọc sách
Càng học và đọc sách nhiều, trí tuệ của trẻ sẽ càng phát triển. Chúng sẽ lĩnh hội được nhiều điều, tiếp thu thêm kiến thức.
Có nhiều cách để học và đọc, không chỉ mỗi đọc sách giáo khoa, bạn hãy đưa cho trẻ đọc những cuốn sách liên quan đến tình huống trong đời sống, truyện cổ tích… trẻ sẽ biết được thế nào là những hành vi tích cực và tiêu cực, đúng và sai. Và dĩ nhiên, cha mẹ trước tiên phải là tấm gương để con cái noi theo.
Sách là kho tàng vô giá
7. Dạy trẻ chơi với bạn bè
Bạn hãy khuyến khích những đứa trẻ của bạn làm việc theo nhóm, đồng đội. Với cách này, trẻ sẽ tập quan sát và cảm nhận những suy nghĩ và cảm xúc của người khác; đồng thời chúng dễ dàng chấp nhận những bất đồng quan điểm.
Có những điều cơ bản mà trẻ sẽ học được trong giao tiếp ứng xử với bạn bè, như là nói “cảm ơn”, “xin lỗi” và phát triển kĩ năng vận động.
Trẻ học được nhiều khi giao tiếp với bạn bè
8. Dạy trẻ giải quyết bất đồng quan điểm một cách thân thiện
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những bất đồng quan điểm, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh như hiện nay. Trẻ nên tập đối mặt với những ý tưởng, lối tư duy khác nhau, và học cách đối diện với những điều đó.
Ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm, nhưng bày tỏ nó như thế nào để không xúc phạm hay lấn lướt người khác. Hãy dạy trẻ cách nói ra những gì chúng nghĩ một cách ôn hòa.
Hãy động viên và bảo ban trẻ cân nhắc đến suy nghĩ và cảm nhận của người khác, và tự đặt ra những câu hỏi như “Tại sao” và “Giả như”. Chúng nên dựa trên cơ sở của vấn đề để giải quyết, không nên đứng trên lập luận cá nhân. Điều này sẽ giúp chúng kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình khi giải quyết vấn đề.
9. Dạy trẻ đối mặt với mọi trở ngại trong cuộc sống
Bạn hãy giúp con trẻ nhận ra cách để chúng tự đứng trên đôi chân của mình mà không phụ thuộc vào cha mẹ. Không nên để chúng nghĩ rằng chúng luôn có cha mẹ chăm sóc và bảo vệ.
Một số cha mẹ Việt Nam thường có xu hướng bảo bọc con quá nhiều, và đem đến ngay câu trả lời hoặc giải pháp khi con cần. Đôi khi hãy để trẻ cố gắng một chút, chúng sẽ biết kiên trì hơn.
Trẻ nhỏ khi vấp ngã hay nhìn cha mẹ để xem họ có xuýt xoa vỗ về hay không, và có thể mè nheo làm nũng đôi chút. Nếu cha mẹ “tỉnh bơ” trong trường hợp này, chúng cũng sẽ coi chuyện đó chẳng có gì to tát, và sẽ tự biết đứng lên sau khi ngã.
10. Dạy trẻ xin lỗi và tha thứ khi chúng mắc lỗi lầm
Trẻ nên biết rằng, ai cũng đều mắc phải sai lầm. Vì vậy, chúng nên học cách nhận lỗi và biết tha thứ cho người khác. Không có gì phải xấu hổ khi yêu cầu được tha thứ hay tha thứ cho người khác, mà ngược lại, điều đó thể hiện sự can đảm khi đối mặt với một vấn đề.
Nhiều bậc cha mẹ đánh chửi con khi chúng phạm lỗi. Điều này tàn phá lòng tự trọng và tự tin của trẻ. Vì thế, phụ huynh chỉ nên phê bình việc làm sai, và khẳng định rằng “Bố/mẹ vẫn yêu con, bố/mẹ chỉ không thích hành động/việc làm chưa tốt này thôi.”
11. Dạy trẻ học cách biểu hiện lòng tốt và giúp đỡ những người kém may mắn
Lòng tốt là điều vô cùng quý giá trong cuộc sống này, nó thể hiện ở sự chân thành, quan tâm và giúp đỡ người khác. Lòng tốt sẽ khiến con người xích lại nhau hơn, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Bạn hãy dạy trẻ thể hiện lòng tốt và giúp đỡ người khác, bắt đầu từ những điều nhỏ như giúp cha mẹ việc nhà, trông em, giúp người lớn tuổi những việc nhỏ, tham gia các hoạt động cộng đồng và từ thiện phù hợp với trẻ em.
12. Dạy trẻ suy nghĩ tích cực và tập trung nhiều hơn vào mặt sáng của cuộc sống
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là nắng mặt trời hay bảy sắc cầu vồng, nhưng cũng không hoàn toàn là một màu đen tối, ảm đạm. Cuộc sống là sự kết hợp giữa xấu và tốt, do đó quan trọng là nhìn nhận vấn đề như thế nào.
Nên dạy cho trẻ cách suy nghĩ tích cực khi hòa mình vào trong thế giới này. Luôn suy nghĩ tích cực và mỉm cười có thể giúp con bạn trở nên vui vẻ và sống có ý nghĩa hơn.
13. Dạy trẻ bảo vệ môi trường và chăm sóc thú vật
Trẻ con cần biết rằng, con người chỉ có duy nhất một Trái Đất này để sống. Do đó, chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn nó. Điều đó có nghĩa là chăm sóc cây xanh, vật nuôi và môi trường thiên nhiên xung quanh là việc cần làm của mỗi người.
Hãy để trẻ tự cho chim ăn, dẫn chó đi dạo hoặc tưới cây; dạy trẻ tiết kiệm nước và tắt điện sau khi dùng xong. Chúng sẽ biết được cách để bảo vệ Trái Đất và môi trường sống nơi chúng ta đang ở.
14. Dạy trẻ tự chăm sóc và giữ bản thân gọn gàng
Bạn hãy dạy kỹ năng sống cho trẻ ngay từ bé cách tự chăm sóc bản thân như đánh răng, mặc áo quần, sắp xếp đồ chơi sau khi chơi xong, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. v.v… Điều đó sẽ giúp chúng kiên nhẫn hơn và có một lối sống lành mạnh, ngăn nắp.
Dạy trẻ cách tự chăm sóc bản than
15. Dạy trẻ yêu thương chân thành
Yêu thương là một chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của con người. Bạn hãy dạy trẻ biết yêu thương bản thân và những người khác, cách trao và nhận yêu thương.
Hãy cùng trẻ chuẩn bị quà sinh nhật cho bạn bè, người thân, hay những tấm thiệp Giáng sinh. Hãy trò chuyện để hướng trẻ tới những suy nghĩ tốt đẹp “Con cảm thấy thế nào khi chuẩn bị quà cho bạn?”, “Nếu bạn không thích nó thì con có buồn không?”…
Các bậc cha mẹ cũng có thể dạy trẻ cách bày tỏ sự quan tâm khôngqua giá trị vật chất, có thể là lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bạn bè… Chúng sẽ học được điều này qua cách cha mẹ thường xuyên trò chuyện và động viên chúng.
16. Chuẩn bị hành trang kỹ năng sống cho trẻ sắp bước vào lớp 1
♦ Bước vào lớp 1 được coi là một hành trình lý thú trong cuộc đời của trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy tự tin để bước vào những hành trình như thế. Nếu không vượt qua được sự khủng hoảng về tâm lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của trẻ, tại sao lại vậy?
♦ Chuyển môi trường học tập mới đồng nghĩa với việc trẻ phải làm quen với nhiều điều mới lạ, trẻ phải đối mặt và làm quen với những quy định mới, những mối quan hệ mới với thầy cô, bạn bè…Những điều này thường làm trẻ lo lắng, một số trẻ không được chuẩn bị tốt về kỹ năng và tâm lý dễ dẫn đến thái độ co cụm bản thân, không dám thể hiện mình trước mọi người.
♦ Các bậc phụ huynh thường chú trọng cho con học các môn trước khi vào lớp 1 nhưng điều đó có thật sự cần thiết? Theo nhiều chuyên gia giáo dục, điều quan trọng hơn học chữ, học toán lúc này chính là việc trẻ được trang bị tâm lý, kỹ năng học tập, sinh hoạt để có thể tự tin bước vào môi trường mới.
II. Những sai lầm cần tránh khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
1. Không nói cho trẻ biết tại sao trẻ nên làm như vậy
Khi ở vào giai đoạn tuổi mầm non, bản thân trẻ đã bắt đầu nhận thức được những vấn đề xung quanh nên khi dạy kỹ năng sống cho trẻ, giáo viên nên giải thích cho các em hiểu lý do tại sao nên làm những điều đó hay những lợi ích mà các em có thể nhận được khi trang bị cho mình những kỹ năng này. Khi giải thích cho trẻ, chúng ta nên nhẹ nhàng để trẻ thấy được thiện chí và dễ dàng nghe theo.
Không trẻ nào thích bị áp đặt suy nghĩ phải làm gì nên nếu cứ tiếp tục ép buộc thì chúng ta sẽ chỉ nhận được sự phản kháng và tác dụng ngược lại từ trẻ mà thôi.
2. Chỉ dạy trẻ kỹ năng mềm dựa trên lý thuyết
Học thì phải đi đôi với thực hành nên khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non, bạn nên tạo ra các tình huống giả định để các em có cơ hội ôn tập và luyện lại những kiến thức và kỹ năng đã được học.
Giai đoạn này trẻ tiếp thu nhanh nhưng cũng rất dễ quên nên sau mỗi bài học, cha mẹ nên cho trẻ cơ hội thực hành nhiều lần và tiếp tục nhắc lại nội dung đã học trong những bài dạy tiếp theo để trẻ ghi nhớ.
3. Thiếu kiên nhẫn khi dạy trẻ
Dạy các em ở giai đoạn đầu đời là một quá trình lâu dài nên các thầy cô cần có tính kiên trì và nhẫn nại. Đã có rất nhiều giáo viên thất bại khi dạy các kỹ năng sống cho trẻ mầm non chỉ vì các em quá hiếu động trong quá trình học, lượng kiến thức tiếp thu của trẻ so với lượng kiến thức các giáo viên giảng dạy chênh lệch không ít.
Trước tình huống này, các thầy cô nên tự mình làm chủ cảm xúc, lường trước những khó khăn sẽ gặp phải khi dạy trẻ, từ đó có các phương thức giải quyết phù hợp và tương ứng, tránh để mình bị động khi lớp học diễn ra không như ý muốn.
4. Bản thân không làm gương cho trẻ
Rất nhiều người dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non nhưng bản thân lại không tuân thủ theo các bài học của chính mình. Khi trẻ nhận thức được điều này thì các em cũng sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi về nội dung đã được truyền tải. Cha mẹ phải là người tiên phong, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo, chính vì vậy hãy luôn chú ý đến mọi lời nói và hành động của mình mọi lúc mọi nơi.
Kỹ năng sống là điều quan trọng mà mọi cha mẹ cần chú ý để hình thành và rèn luyện cho trẻ ngay từ nhỏ. Có được kỹ năng sống cần thiết, trẻ sẽ lớn lên tự tin, khỏe mạnh và dễ dàng thành công hơn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý tránh những sai lầm trong khi dạy kỹ năng sống cho trẻ như bài trên. Đồng thời, bạn cần làm tấm gương tốt cho trẻ học tập. Có như vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mới thành công.