Trẻ em lớn lên với ý nghĩ rằng, nhu cầu, ước vọng và ý kiến của chúng phải là quan tâm hàng đầu của mọi người, có thể sẽ hình thành tính ích kỷ. Những đứa trẻ ích kỷ cũng thường ít thỏa mãn hơn với cuộc sống và không sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh.
Trẻ em lớn lên với ý nghĩ rằng, nhu cầu, ước vọng và ý kiến của chúng phải là quan tâm hàng đầu của mọi người
Vì vậy, cha mẹ cần phải giúp con cái phát triển ý thức chia sẻ, tinh thần cảm thông và hy sinh sự ích kỷ. Bài viết này chia sẻ về phương pháp để dạy trẻ không ích kỷ:
Mục lục
Dạy con bạn nhận biết những gì người khác thích hoặc muốn
Dạy trẻ cách cảm thông đối với người khác
Giải thích cho trẻ hiểu cảm giác bị bạn từ chối chia sẻ đồ chơi
Đôi khi nói không trước các đòi hỏi vật chất của con
Dạy con những từ ngữ thể hiện xúc cảm
Tạo cho con cơ hội thực hành
Hãy dạy con sống biết chia sẻ
Đừng nóng giận khi trẻ tỏ ra ích kỷ
Cha mẹ hãy làm gương tốt cho trẻ
Dạy con bạn nhận biết những gì người khác thích hoặc muốn
Khi con bạn chơi cùng bạn bè ngay tại nhà mình, hãy đề nghị bé để các bạn quyết định chúng sẽ chơi trò gì. Hãy yêu cầu con để các bạn của mình chơi trước. Nếu con bạn trong độ tuổi thanh thiếu niên, hãy khuyến khích con nhường lượt xếp hàng thanh toán tại cửa hàng tạp phẩm. Mặc dù ban đầu con bạn có thể tỏ ra miễn cưỡng nhưng việc trì hoãn thỏa mãn ý thích/muốn của mình vì nhu cầu của người khác sẽ giúp con bạn trở thành người có lòng trắc ẩn hơn.
Dạy trẻ cách cảm thông đối với người khác
Trẻ em cần phải nhận thức được các cảm giác của người khác và tưởng tượng chúng sẽ cảm thấy như thế nào nếu đặt vào vị trí của người khác. Hãy nêu ví dụ dựa vào những tình huống sẵn có hoặc thường xảy ra trong hiện tại. Chẳng hạn như, bạn có thể nói: “Bố/mẹ thấy trong lớp của con có một bạn mới. Bố/mẹ không biết bạn ấy sẽ cảm thấy như thế nào trong một môi trường mới mà chẳng có bạn bè thân thích. Con có thể làm gì đó để giúp bạn ấy cảm thấy bớt lạc lõng không?”. Thường xuyên yêu cầu con của bạn suy nghĩ về cảm giác của chúng ở các cảnh huống nhất định sẽ giúp chúng nhạy cảm với nhu cầu và suy nghĩ của người khác.
Giải thích cho trẻ hiểu cảm giác bị bạn từ chối chia sẻ đồ chơi
Bạn đặt tình huống và hỏi con: “Bạn Minh có xe cẩu rất đẹp, con muốn mượn bạn chơi một chút, nhưng bạn không cho, con rất buồn đúng không?”. Bé sẽ trả lời: “Dạ, đúng ạ”. “Nếu bạn cho con mượn xe cẩu chơi một chút, thì con sẽ trả lại cho bạn sau khi chơi xong, đúng không?”. “Dạ, có”. “À, vậy nếu con là bạn Minh, con không cho bạn mượn xe cẩu chơi, bạn có buồn không?”. “Dạ, có ạ”. Giúp trẻ hiểu cảm giác bị từ chối sẽ khiến trẻ thông cảm với bạn hơn, từ đó sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn một cách hòa động hơn, thân thiện hơn.
Đôi khi nói không trước các đòi hỏi vật chất của con
Cha mẹ nuông chiều con cái vì nhiều nguyên do khác nhau. Có thể, họ muốn con cái mình có được những thứ mà hồi trẻ họ không có hoặc họ đang cố gắng bù đắp cho việc không thể hiện diện ở nhà thường xuyên hơn. Tuy nhiên, đáp ứng mọi yêu cầu của con sẽ chỉ khiến chúng tin rằng chúng xứng đáng có mọi thứ mình muốn và rằng mọi người luôn phải quan tâm tới ước nguyện của chúng. Để con không có những ý nghĩ ích kỷ như vậy, cha mẹ cần phải biết nói không trước một số đòi hỏi về vật chất của chúng.
Dạy con những từ ngữ thể hiện xúc cảm
Em bé chập chững biết đi của bạn có thể còn chưa biết hết những từ miêu tả cảm xúc.
Bằng cách giúp trẻ nhận biết, kết nối từ ngữ miêu tả cảm xúc với thực tế, trẻ sẽ dần dần hình thành khả năng hiểu cảm xúc của người khác. Đồng thời, vốn từ của bé cũng sẽ tăng lên.
Trẻ con hứng thú với ánh đèn sân khấu, vậy nên hãy thật thoải mái để đưa trẻ vào trung tâm các bài học của bé.
Hãy lấy tập album ảnh ra và chỉ những bức ảnh chụp bé lúc bé vui cười, sợ hãi hay đang lặng lẽ. Dùng từ ngữ đơn giản để miêu tả cảm xúc đó, những chuyện đã tạo ra cảm xúc đó.
Bạn có thể nói: ‘Nhìn con rất vui khi mọi người hát Chúc mừng sinh nhật!’
Tốt hơn nữa, hãy miêu tả ngay những khoảng khắc mà con vừa tỏ ra ngoan hay vừa giúp đỡ người khác. Ví dụ: ‘Con mời ba miếng bánh à? Con ngoan quá, ba vui ba vỗ tay khen con kìa!’
Trẻ con thích nhìn lại những điều nho nhỏ mà bé làm được. Vì vậy kể những câu chuyện về chính bé là cách mẹ giúp con nhận thức hành vi của bé ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Tạo cho con cơ hội thực hành
Nếu bạn để ý, những mâu thuẫn đầu tiên xảy ra trong tuổi thơ của con là khi mong muốn của con và mẹ không đồng bộ với nhau.
Ví dụ, khi con mới sinh, nếu con muốn ăn, mẹ sẽ muốn cho con ăn. Nhưng khi con lớn hơn một chút, con muốn ăn – nhưng chỉ có một cốc to đựng kem trên bàn – mẹ sẽ không cho con ăn (hoặc có thể mẹ yêu cầu con phải chia sẻ nó).
Con lập tức nghĩ rằng: ‘Mình muốn ăn? Cái gì đang xảy ra thế này?’. Và đây là lúc bùng nổ những cảnh khóc lóc, gào thét.
Vì vậy, mẹ hãy giúp con nhận ra rằng cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Hãy khuyến khích con tương tác với càng nhiều người càng tốt. Tương tác với những người thân trong gia đình, họ hàng, người trông trẻ… đều là các bài học ‘tình huống’ giúp con hiểu thấu và chia sẻ.
Ban đầu, điều bé hiểu chỉ là những cảm xúc rất cơ bản, ví dụ: ‘Mẹ thì thích ăn bông cải xanh, nhưng bác giúp việc thì không thích’.
Trẻ lớn dần lên, mẹ sẽ hướng dẫn cho con nhận thức được nhiều loại cảm xúc và nhu cầu hơn.
Hãy để con giúp chăm sóc một con thú cưng trong nhà, bằng cách cho chúng đồ ăn, chải lông… Đây là cách đơn giản để trẻ hướng sự quan tâm ra ngoài bản thân mình, ngay từ khi còn nhỏ.
Nếu nhìn thấy một bé đang khóc trong nhóm trẻ, hãy chỉ ra cho con thấy có điều gì đó không ổn và gợi ý cách giải quyết, ví dụ: ‘Đưa cho em bé đồ chơi đi, bé thích đồ chơi’.
Cách bạn làm có thể giúp em bé nín khóc, có thể không. Nhưng điều quan trọng bạn sẽ dạy được cho con là: Không thờ ơ, vô cảm trước nhu cầu của người khác.
Trẻ cần luyện tập dần dần từ những điều thật nhỏ bé để biết cách cảm thông, chia sẻ với mọi người.
Hãy dạy con sống biết chia sẻ
Trẻ nhỏ đều có xu hướng muốn được trở thành trung tâm của sự ưu tiên trong gia đình, như việc muốn được cha mẹ luôn tay vỗ về, ôm ấp. Trẻ lớn hơn chút nữa có nhu cầu sở hữu những đồ vật riêng và không muốn người khác đụng đến. Đặc biệt nhóm trẻ quen được nuông chiều sẽ có thói quen vòi vĩnh, mè nheo, ăn vạ khi không được đáp ứng nhu cầu ngay lập tức…
Dạy bé có chia sẻ đồ chơi với các bạn
Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ . Để rèn luyện cho trẻ đức tính sống không ích kỉ, cha mẹ nên dạy bé ngay từ nhỏ bằng cách khuyến khích con biểu lộ sự quan tâm, chia sẻ với người khác, cho trẻ thấy việc chia sẻ mang lại niềm vui như thế nào.
Cha mẹ hãy bắt đầu dạy cho trẻ biết quan tâm chia sẻ với mọi người trong các việc nhỏ hàng ngày từ việc dạy trẻ chuẩn bị đũa bát cho cha mẹ, anh chị trong bữa ăn, lấy đồ ăn cho mọi người. Khuyến khích con tham gia các trò chơi có tính tập thể, cần sự kết hợp của các bạn, để trẻ thấy việc chơi cùng các bạn rất vui. Cha mẹ dành thời gian cùng trẻ làm một số việc đơn giản như cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, vo gạo, nhặt rau, đi chợ mua đồ cho mọi người. Cha mẹ có thể tổ chức mời bạn bè nhỏ của con đến chơi cùng con, để bé có cơ hội chia sẻ đồ chơi với các bạn.
Đừng nóng giận khi trẻ tỏ ra ích kỷ
Nếu thấy biểu hiện ích kỉ của con, cha mẹ đừng vội nóng giận mắng trẻ. Việc trẻ muốn giữ riêng một vài đồ chơi cho riêng mình là hành động bình thường. Trong trường hợp trẻ khư khư không chịu chia sẻ bất kì thứ gì với bạn bè,lúc đó cha mẹ nên chọn cách giải thích cho trẻ biết bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Cha mẹ có thể đặt tình huống cho con, như: Nếu bạn Bin có em búp bê rất đẹp, mà con chỉ muốn chạm vào em, hoặc bế một chút, nhưng bạn không cho con chơi cùng, con có thấy buồn không?… Thông qua cách hỏi đáp, trẻ sẽ dần nhận ra vấn đề và sẽ dần cởi mở hơn trong việc chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Giúp trẻ hiểu cảm giác bị từ chối sẽ khiến trẻ thông cảm với bạn hơn, từ đó sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn một cách hòa động hơn, thân thiện hơn. Tuy nhiên cha mẹ nên lưu ý dạy trẻ có những đồ dùng cá nhân không nên dùng chung như: bàn chải đánh răng, khăn mặt…
Cha mẹ hãy làm gương tốt cho trẻ
Trẻ nhỏ luôn quan sát và học hỏi từ người lớn trong nhà, do đó cách tốt nhất để dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, quan tâm, thì người lớn hãy là những tấm gương và thực hiện những việc này trong gia đình. Ví dụ đơn giản như trong bữa ăn gia đình, cha mẹ quan tâm gắp đồ ăn cho nhau và trẻ nhỏ cùng lúc. Cha mẹ cùng trẻ nhỏ cùng nhau làm một số việc gia đình. Trong những câu chuyện về mối quan hệ bạn bè, công việc, nếu là những câu chuyện về việc giúp đỡ bạn bè, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, cha mẹ nên để cho trẻ ngồi nghe cùng. Sự quan tâm lẫn nhau, chia sẻ với nhau giữa người lớn sẽ kích thích trẻ học theo và dần dần tạo cho trẻ biết quan tâm chia sẻ.
Sự khuyến khích bằng lời nói là quan trọng, nhưng hành động còn có ý nghĩa hơn nhiều. Bạn có thường xuyên giúp đỡ bạn bè, người thân hoặc hàng xóm? Nếu không, hãy tìm cơ hội thực hiện điều đó. Con bạn luôn quan sát và sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì chúng nhìn thấy. Thái độ của bạn cũng rất quan trọng. Hãy kể cho con bạn cảm giác tuyệt vời khi có thể giúp đỡ ai đó trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Hãy tìm một dự án tình nguyện, từ thiện mà bạn và con có thể tham gia cùng nhau, chẳng hạn như quyên góp quần áo, đồ cứu trợ cho trẻ ở vùng khó khăn, thăm hỏi người già cả, neo đơn, …
Được nuôi dưỡng trong môi trường tốt, được giáo dục và uốn nắn bởi đạo đức của ba mẹ là cách để con có nền tảng phát triển thành một con người tốt cho xã hội. Loại bỏ tính ích kỷ ở trẻ không khó, bạn cần phải có tính kiên trì vì đôi khi bé sẽ khó chịu hoặc không nghe lời. Ở trẻ, đừng nên ép buộc hay đe dọa sẽ khiến trẻ không nghe theo mà ngược lại bạn nên nhẹ nhàng khuyên bảo, giải thích bằng những hành động thực tế để bé thật sự hiểu được và xóa dần tình ích kỷ của mình.