Các bà mẹ không lạ gì với những câu như: “ Nếu con không ăn, mẹ kêu chú công an đến bắt, hay con mà không chịu đi tắm là bác sĩ đến chích đít ! “ . Cái chiêu này có thể hiệu quả trong vài lần đầu… nhưng rồi trẻ sẽ thấy là chả có ma nào xuất hiện, nếu trẻ không chấp hành, và dĩ nhiên là không còn sợ nữa, mà còn càng lỳ thêm và lần hồi sẽ luôn luôn cãi lại, bất chấp mọi nhắc nhở trong mọi việc.
Theo thời gian, khi đứa con lớn lên, thì bố mẹ vẫn cho rằng nếu đem những hậu quả tai hại ra để hù dọa, thì con sẽ sợ mà tuân theo…. Con mà không chịu khó học thì sau chỉ có nước đi ăn mày, con mà cứ cắm đầu vào game thì sẽ học dốt, hay sẽ không cho tiền túi nữa … Thậm chí ngay cả khi con đã bước vào tuổi trưởng thành vẫn bị dọa như thường ! Con mà cứ quan hệ linh tinh, có ngày đeo ba lô ngược !
Thực ra, hậu quả khi cãi lời bố mẹ … không phải chỉ là sự hù dọa suông, mà nó có thể xẩy ra…vì với kinh nghiệm của người lớn thì mọi thứ đều có thể. Nhưng, điều oái oăm là với tuổi trẻ, thì lại luôn muốn thách thức , muốn được trải nghiệm dù có khi sẽ phải trả giá khá đắt . Chính vì thế, việc hù dọa, hay đưa ra những hậu quả đen tối không những không ngăn cấm được, mà còn có tác dụng khuyến khích trẻ vi phạm mà trẻ sẽ xem đó là một ..trải nghiệm !
Cái gì cấm, thì sẽ tìm cách làm ! Điều này xảy ra hằng ngày trong hầu hết mọi lĩnh vực ! Và dĩ nhiên đa phần là do sự bồng bột của tuổi trẻ, hay chỉ để chứng minh cho bố mẹ là mình lớn rồi ! Mình có thể tự quyết, có thể làm mọi điều bất chấp – thích là làm… Thế nhưng, đến khi hậu quả thực sự xảy ra, thì nhiều bạn trẻ lại ..ôm mặt khóc, kêu cứu bố mẹ .. Thậm chí là có khi còn đổ lỗi là tại sao không ngăn cấm con , hay bảo vệ con hoặc có khi là ..suy sụp rồi trầm cảm !
Bên cạnh sự hù dọa, còn có một điều mà các bạn trẻ hay cả những người đã lớn mà chưa trưởng thành rất khó chịu, đó là những lời chê bai, phê phán… Thực ra, việc phê phán, chỉ trích là điều cần thiết nhưng điều quan trọng là cách phê phán. Chúng ta chỉ nên phê phán hiện tượng hay sự kiện chứ không phê phán con người. Khi chứng kiến sự thất bại, hay hư hỏng ..chúng ta nên mô tả và cho thấy hậu quả sẽ như thế nào và nếu tốt hơn, thì sau đó sẽ đưa ra một đề nghị để giải quyết, khắc phục thay vì chỉ biết chê trách suông !
Với trẻ em, thì những câu hỏi mang tính truy vấn như : Tại sao con lại làm như vậy ? Con có làm hay không ? thì thường sẽ nhận được sự ..im lặng hay có khi là cãi bướng, đưa ra những lý lẽ ngang ..như cua ! “ Một người nói ngang, cả làng nói không lại” Huống gì là đứa trẻ thừa biết là nó có nói ngang, cãi bướng thì cũng chẳng làm gì được nhau !
Phòng bệnh hơn chữa bệnh ! Câu này không chỉ đúng về sức khỏe, mà còn đúng trong việc xây dựng nhân cách hay điều chỉnh hành vi cho trẻ, đây cũng là một nguyên tắc cần thiết. Chúng ta xây dựng cho trẻ có một nhân cách vững vàng, sự tự tin vào bản thân bằng cách để trẻ làm được những điều trong khả năng, bằng những lời tích cực: “ mẹ tin con, con làm được mà … đúng rồi, làm tốt lắn.. Chứ không phải là những lời dọa dẫm tiêu cực : Con tệ quá, có thế mà cũng làm hỏng, con là đứa ăn hại… Cứ thế này thì lớn lên sẽ chẳng làm được trò trống gì …. Trẻ cần được sự tin tưởng, khích lệ và tôn trọng, rồi từng bước sẽ chủ động trong các mối quan hệ, giao tiếp và quan trọng nhất là ý thức về giá trị bản thân. Đó là biện pháp phòng tránh tốt nhất những thói hư tật xấu, tính ích kỷ, sự ỷ lại , lười biếng, dối trá … Chứ không phải cứ hù dọa, đe nẹt hay áp đặt những nguyên tắc cứng nhắc lên, buộc trẻ phải tuân phục vô điều kiện. Điều đó chỉ đem lại sự chống đối, cãi lời và làm những điều trái ý người lớn.