Tư duy sáng tạo là một kỹ năng hơn là khả năng thiên phú. Trên thực tế, sự sáng tạo của trẻ bắt nguồn từ phương pháp tư duy và giải quyết tình huống – yếu tố hoàn toàn có thể đạt được thông qua rèn luyện. Và quan trọng hơn nữa là chính bố mẹ là phần quan trọng nhất trong sự phát triển khả năng tư duy của trẻ.
Rèn luyện khả năng sáng tạo của trẻ thông qua kể chuyện
Ngay từ khi 3 tuổi, trẻ đã có khả năng ngôn ngữ nhất định và hay kể những câu chuyện ngắn. Thời điểm này vô cùng quan trọng. Nếu cha mẹ thường xuyên khuyến khích, gợi mở và cổ vũ thì trẻ sẽ có nhiều động lực cũng như sự hào hứng để phát huy tối đa khả năng của mình. Những câu chuyện có thể “vô lý” “vớ vẩn” hay là “không có thực” đều không được phê phán.
Nếu con tưởng tượng ra một câu chuyện nhỏ, rồi lớn dần, nhiều nội dung hơn, cha mẹ hãy nói “em bé của mẹ thật giỏi, câu chuyện của em quả là thú vị”. Điều quan trọng bố mẹ nên ghi nhớ đó là tuyệt đối không phê phán hay cười nhạo khiến trẻ mất đi sự tự tin của mình. Theo đó, khả năng tưởng tượng cũng không được phát triển.
Rèn luyện khả năng sáng tạo thông qua nghệ thuật
Cha mẹ có thể cho trẻ làm quen với âm nhạc, tiếp xúc với hội họa, đóng kịch – phân vai. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, âm nhạc, là một trong những công cụ tốt nhất để rèn luyện tư duy sáng tạo cho trẻ. Âm nhạc giúp trẻ giao tiếp tốt, biểu đạt cảm xúc dễ dàng hơn. Có nhiều bé cảm thấy khó khăn trong việc biểu đạt thành lời những cảm xúc như giận dữ, thất vọng, hạnh phúc hay sợ hãi. Tuy nhiên, trẻ có thể dễ dàng biểu lộ những xúc cảm này thông qua âm nhạc.
Hoạt động vẽ tranh, cảm thụ màu sắc hình khối giúp não tiếp nhận và xử lý thông tin hình ảnh nhanh hơn. Hội họa giúp con thể hiện ra bên ngoài được những suy nghĩ của mình và cụ thể hóa những quan sát hay trí tưởng tượng của bé về thế giới xung quanh. Hội họa cũng bé phát huy trí tưởng tượng và khả năng quan sát… Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của trí não, giúp trẻ thông minh hơn.
Đóng kịch cũng là một trò chơi dễ dàng cuốn hút trẻ và giúp rèn luyện tư duy sáng tạo. Trò chơi đóng vai sẽ giúp trẻ tưởng tượng cuộc sống từ một góc độ khác – một yếu tố quan trọng phát triển sự sáng tạo.
Cho trẻ đọc và xem những câu chuyện thú vị
Đó có thể là những cuốn sách về khoa học, những câu chuyện mang tính tưởng tượng cao như bay vào vũ trụ, khám phá thế giới, khám phá giấc mơ… Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể thường xuyên cho con xem những kênh youtube hay tivi về khám phá, sáng tạo hay thí nghiệm đề con có thể có dữ liệu đưa tư duy của mình bay xa hơn.
Giao tiếp mở hàng ngày có thể phát triển khả năng sáng tạo
Đó là cách giao tiếp khuyến khích trẻ tự tìm tòi và tự trả lời vấn đề mình gặp phải. Thay vì nói “con hãy làm thế này…” sao cha mẹ không thử “con thử nghĩ xem…”. Thay vì chỉ ra lệnh, sao cha mẹ không để con đưa ra ý kiến của mình và lựa chọn phương án tốt nhất. Đó là nguyên tắc giao tiếp mở với trẻ nhỏ. Để làm được điều này cần sự tâm huyết và kiên trì của người lớn.
Rèn luyện tư duy sáng tạo thông qua ngoại ngữ
Học ngoại ngữ không đơn thuần là học ngôn ngữ mới, mà còn giúp con có thêm sự hiểu biết về một nền văn hóa mới. Mỗi nền văn hóa lại có những cách tư duy khác nhau, vì thế, để con học một ngôn ngữ mới, sẽ giúp con cởi mở hơn, vốn kiến thức được mở rộng. Điều này giúp con dễ dàng tiếp thu cái mới, tự tin đón nhận thử thách khi con trưởng thành.
Để trẻ sáng tạo, điều kiện đủ là thái độ của người lớn
Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần để giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo. Vậy điều kiện đủ là gì? Đó chính là sự tác động của các bậc phụ huynh.
Rất nhiều phụ huynh chúng ta đang nhầm lẫn giữa nguyên tắc chúng ta đề ra cho trẻ và việc làm mất cái tôi của các con. Chúng ta biết rằng, trẻ em khám phá thế giới qua những giác quan. Nên có nhiều trẻ khám phá thế giới qua vị giác, nghĩa là cái gì các con cũng đưa lên miệng. Vậy là cha mẹ sẽ ngăn cấm trẻ không được đưa đồ dùng nên miệng. Vì chúng ta sợ mất vệ sinh, sợ hỏng đồ đạc,… Trong khi đó, hành động chúng ta cần làm là làm sạch môi trường mà trẻ cần tiếp xúc. Có những cha mẹ thấy con chạy nhảy nhiều quá cũng cấm trẻ, vì sợ trẻ ra mồ hôi rồi bị ốm, sợ con chạy nhảy nhiều sẽ mệt…
Nhiều cha mẹ còn tồn tại thói quen là chê bai con, trầm trọng hóa các sai sót của trẻ. Phụ huynh đã quên mất rằng, con trẻ có thể học hỏi rất nhiều điều từ sai lầm. Hãy để con được sai, được học cách sửa sai, từ đó con sẽ lớn nhanh hơn. Có lẽ vì không muốn con sai lầm nên phụ huynh áp đặt trẻ theo các nguyên tắc của người lớn.
Hãy trao cho con tình yêu thương, sự kiên nhẫn và áp dụng các phương pháp khoa học đúng mực, các bậc cha mẹ có thể giúp con yêu rèn luyện tư duy sáng tạo, vững bước trưởng thành.