Nếu con bạn đang vui đùa hay tung tăng chạy và bị vấp ngã, bạn sẽ làm gì? Với hầu hết các bà mẹ Việt, phản ứng đầu tiên sẽ là chạy đến, nâng con dậy và xoa dịu.
Tuy nhiên, bạn có để ý rằng trong phần lớn trường hợp, phản ứng của trẻ sẽ là… khóc và bạn có hiểu được lý do tại sao? "Hãy để con được phép vấp ngã và thất bại”– đó là câu nói thể hiện chính xác nhất tôn chỉ dạy con kiểu Nhật.
Xã hội không đứng yên mà ngày càng phức tạp, ngày càng nhiều cám dỗ. Do đó, nếu nhân cách thiếu trưởng thành, để thích nghi với sự phức tạp của xã hội, sẽ khiến nhiều người trẻ dễ sa ngã và hành động nông nổi hơn.
Khi trẻ ngã, cha mẹ nên làm gì?
Đầu tiên, bạn cần quan sát xem trẻ có thực sự cần sự quan tâm của bạn. Nếu bạn nhận thấy trẻ thực sự bị đau, bị xây sát hay chảy máu, chúng sẽ cần sự chăm sóc của bạn.
Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng mà bạn có thể cần lau chùi, rửa ráy, sát trùng hay thậm chí đưa trẻ đến gặp bác sỹ. Nếu trẻ không gặp vấn đề gì nghiêm trọng, bạn có thể phớt lờ trẻ và chúng sẽ tự đứng dậy, phủi quần áo và tiếp tục.
Bạn cũng có thể khích lệ con bằng cách chuyển sự chú ý ra khỏi con hoặc động viên chúng. Theo đó, hãy hướng sự chú ý của trẻ vào vật khác.
Ví dụ, bạn có thể cười và nói từ xa (không chạy đến bên cạnh trẻ): “Ồ, con vừa va vào cái bàn rồi. Cái bàn có làm sao không nhỉ?” hay “Ồ, chỉ là một cú ngã thôi mà. Đứng dậy và chơi tiếp nào con” hoặc nói cho con biết tại sao lại bị ngã, cách để tránh và dần dần chúng sẽ học được.
Tuyệt đối không nên để người khác can thiệp vào việc này. Chẳng hạn, nếu bạn áp dụng những cách trên nhưng ông bà hay chồng lại áp dụng ngược lại (như chạy đến dỗ dành, xoa dịu…) thì sẽ phản tác dụng. Không may, đó là điều rất hay xảy ra với các mẹ Việt, đặc biệt khi phải sống chung với bố mẹ chồng.
Chỉ một việc đơn giản như cách dậy con khi con bị vấp ngã cũng góp phần hình thành nên tính cách của trẻ. Trẻ sẽ trở nên tự lập và ngoan ngoãn hơn nếu bạn hiểu được tâm lý của chúng và xử lý tình huống một cách khôn ngoan.
Hầu như mọi mẹ Tây đều áp dụng những điều trên. Bạn sẽ chẳng mấy khi nhìn thấy cảnh mẹ Tây chạy đến dỗ dành trẻ khi chúng ngã và cũng ít khi trẻ Tây khóc khi bị ngã.
Câu chuyện của Honda Soichiro
Là chủ của công ty Honda nổi tiếng toàn thế giới nhưng ông Honda Soichiro có một tuổi thơ không mấy thành công. Khi còn là học sinh tiểu học,
Honda thường đứng cuối lớp về học lực, được đánh giá là tư duy kém hơn so với các bạn trong lớp. Với công việc khác, Honda cứ động vào là thất bại. Mặc dù vậy, sau này chính ông thừa nhận rằng những năm tháng đó đã giúp ông có được đầu óc năng động và sáng tạo như ngày nay.
Mỗi con người trong quá trình lớn lên, trưởng thành đều không thể tránh khỏi đôi lần thất bại. Tất nhiên cũng có những đứa trẻ gặp nhiều thất bại hơn trẻ khác. Bố mẹ nhìn con cái thất bại thường lo lắng không yên, e sợ rằng tương lai của con rồi cũng chỉ gặp toàn những thất bại.
Sự lo ngại này khiến nhiều bố mẹ tìm mọi cách để con không phải đối mặt với thất bại nữa. Không muốn thừa nhận thất bại của con, bố mẹ vô tình gây nên áp lực cho con trẻ: “Không được làm sai nữa đấy!”, “Con đã làm hỏng việc này bao nhiêu lần rồi hả?”, “Con mà còn làm sai nữa thì”…
Không nên làm như vậy! Khi con cái gặp thất bại, bố mẹ hãy là những người giảm bớt gánh nặng tâm lý của con. Không chỉ chấp nhận sự thất bại của con mà còn phải là giúp con có những nhìn nhận tích cực với thất bại.
Sau mỗi lần con gặp thất bại, điều bố mẹ cần làm là giúp con có sức mạnh để sửa chữa những sai lầm và tự tin vững vàng vươn lên. Thực tế đã chứng minh rằng, cách dạy con kiểu Nhật là tạo cho con trẻ tâm lý “được phép thất bại” hơn là “bị cấm đoán thất bại”.
Ông Honda Soichiro cũng từng khẳng định: “Không thể sợ thất bại. Lý do duy nhất buộc bạn không được sợ thất bại là vì một khi đã sợ thất bại thì bạn làm gì cũng không thành công!”.