Những điều cần tránh khi dạy bé tập nói
Bạn và mọi thành viên trong gia đình không nên vì quá “hào hứng” mà dạy bé nói một cách vô tội vạ, nên có sự chọn lọc từ ngữ để dạy khi bé mới tập nói.
Các bé có khả năng lắng nghe và nhận biết âm thanh ngay từ trong bụng mẹ, càng được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ càng giúp bé sớm biết nói. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh những điều dưới đây trong khi dạy bé tập nói
1. Lặp lại lỗi phát âm sai của bé:
Khi các bé mới tập nói thường không thể tránh khỏi việc phát âm ngọng, sai nghe rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, nên có người cố tình lặp lại theo cách nói của bé một cách thích thú. Tuy nhiên, việc làm này nếu kéo dài và thường xuyên, vô tình sẽ trở thành thói quen, khiến bé ngày càng nói ngọng hơn và việc sửa lỗi cho bé cũng khó khăn hơn. Vì vậy, bạn cần phải phát âm thật chuẩn xác và nhẹ nhàng khi dạy bé nói, kiên nhẫn nói đi nói lại từ đúng rồi để bé lặp lại.
Việc dạy con tập nói đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn và dành nhiều tình thương cho con
2. Trợ giúp bé quá nhanh:
Chỉ cần thấy bé lấy tay chỉ bình nước là ngay lập tức bạn lấy nước cho bé uống. Việc đoán biết đúng ý muốn của con khiến các bà mẹ cảm thấy rất vui, tuy nhiên việc này đã tước mất cơ hội tập nói của bé, dễ khiến bé lười suy nghĩ và không chịu tìm cách biểu đạt mong muốn của mình bằng lời nói. Đây là những lỗi phổ biến của nhiều bậc cha mẹ.
Để tránh và khắc phục lỗi này, thay vì phản xạ nhanh trước những nhu cầu của bé, bạn hãy tìm cách khích lệ, động viên bé phát ra âm thanh, và dùng ngôn ngữ thể hiện mong muốn của mình.
3. Dạy bé nói từ “người lớn”:
Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ mà cứ vô tư dạy bé những từ không hay, vì cho rằng về sau có thể uốn nắn lại cũng không sao. Khi thấy bé nói được những từ “người lớn” một cách ngộ nghĩnh, các bậc phụ huynh không thấy khó chịu mà còn vô cùng thích thú.
Thực chất những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau. Vì vậy, bạn và mọi thành viên trong gia đình không nên vì quá “hào hứng” mà dạy bé nói một cách vô tội vạ, nên có sự chọn lọc từ ngữ để dạy khi bé mới tập nói.
4. Dạy bé …trả treo:
Có nhiều cha mẹ cố tình nói sai để tập cho bé cãi lại, vì nghĩ rằng như vậy là bé thông minh, khôn khéo. Tuy nhiên, khi “trả treo” trở thành thói quen sẽ ảnh hưởng xấu đến sự giao tiếp của bé về sau.
Ở giai đoạn dưới 3 tuổi nhận thức của bé còn chưa phát triển, ngôn ngữ của bé chỉ đơn giản là bắc chước người lớn, chứ chưa hề hiểu hết ý nghĩa của lời nói.Vì vậy, bạn nên chú ý cách cư xử, giao tiếp của mình để con học được những điều hay, đẹp. Những từ ngữ không hay khi qua miệng con trẻ bi bô dù nghe dễ thương thế nào thì cũng cần chấn chỉnh, vì bạn không thể biết con có thể vận dụng thường xuyên và nhớ dai thế nào, để lâu về sau muốn sửa cũng không dễ.
5. Giải thích không thống nhất:
Ở tuổi tập nói các bé rất tò mò, thường hay hỏi, nhiều khi những câu hỏi rất ngu ngơ và chi tiết làm người lớn khó chịu. Ba mẹ khi này cũng hay nghĩ con còn nhỏ nên chỉ giải thích qua loa. Tuy nhiên, nếu vấn đề không quá phức tạp, bạn nên dành thời gian giải thích một cách dễ hiểu nhất cho con và tuyệt đối tránh việc mẹ nói thế này ba lại nói thế khác bởi điều đó rất dễ làm mất lòng tin ở con trẻ.
TT
Bạn muốn nâng cao kiến thức nuôi dạy bé 2-5 tuổi?
Vì mỗi trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau và ba mẹ sẽ có cách dạy con khác nhau, vậy còn chần chờ gì mà không tham gia ngay vào cộng đồng Bé tập đi và mẫu giáo (2-5 tuổi) để học hỏi các kinh nghiệm hay ho bạn nhỉ!