Có một trò chơi trong Nam gọi là Bắc Kim thang, dùng bài đồng dao ngô nghê ngộ nghĩnh khi các em làm thành vòng tròn, chân trái xỏ rế ngoéo vào chân trái bạn, vừa vỗ tay vừa nhảy lò cò bằng chân phải và giữ không bị té, cùng hát:
“Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo là kèo qua cột
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi?
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò te tí te ......”
Em nào không vững thăng bằng bị té là thua, bị phạt búng tai hoặc khẻ tay nếu là con gái, hoặc phải cõng bạn cùng cặp chạy một vòng nếu là con trai. Vui tếu thì phạt bằng quẹt nhọ nồi/ lọ nghẹ lên mặt. Các em trai còn bị phạt làm ngựa cho bạn cỡi, nhẹ thì dùng bài đồng dao ngắn Nhong nhong nhong nhong, mà phạt nặng hoặc trẻ lớn thì dùng bài Lý Ngựa ô. Lý Ngựa ô cũng có ba điệu phổ nhạc, Bắc, Trung và Nam.
"Khớp con ngựa ngựa ô.
Khớp con ngựa ngựa ô,
Ngựa ô anh thắng, anh thắng kiệu vàng.
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dậm,
Dây cương nhuộm thắm cán roi anh bịt đồng vàng.
Ngựa anh ứ anh đưa nàng, anh đưa nàng
Anh đưa nàng về dinh.
Ngựa anh ứ anh đưa nàng, anh đưa nàng.
Anh đưa nàng về dinh"
Trò trốn tìm/ ú tim/cút bắt được trẻ con khắp thế giới vui chơi, và đồng dao ta có rất nhiều bài cả đám cùng loạt đọc lên để chọn người phải đi tìm. Bài đặc biệt có tính cách một bài sấm dính đến lịch sử, nói về giai đoạn rối loạn của triều đình Nhà Nguyễn và phong trào Cần Vương, thời ta bị Pháp đô hộ:
“Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương/ ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm/ ú tim ... òa ập!”
hoặc cũng với bài"chi chi chành chành" theo dị bản khác
|
"Chi chi chành chành..." |
"Chi chi chành chành/Cái đanh thổi lửa
Con ngựa mất cương/ Tam vương ngũ đế
Bát qué đi tìm/ Con chim làm tổ
Ù à ù ập"
Bài đồng dao trốn tìm/ thả đỉa ba ba:
“Thả đỉa ba ba/ con đỉa đeo bà
Con gà tục tác/ mỏ-nhát cầm chầu
Con mèo cầm lái/ con rái chạy buồm
Con tôm tát nước/ vọc nước giỡn trăng”
Bài Thả đỉa ba ba khác:
“Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà/ phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông/ gạo tiền như nước
Sang sông về đò/ đổ mắm đổ muối
đổ nải chuối tiêu/ đổ niêu cứt gà
đổ phải nhà nào/ nhà ấy phải chiu!”
Khi đám trẻ chạy tìm chỗ nấp, em còn lại phải bịt mắt đọc bài đồng dao khác đến hết mới được mở mắt đi tìm:
“Mít mật mít gai/ mười hai thứ mít
đi vào ăn thịt/ đi ra ăn xôi
Bởi chẳng nghe tôi/ tôi bịt mắt chú
ăn đâu ẩn kín/ lúa chín thì về!”
Ngoài Bắc có bài đồng dao khác và Phạm Duy đã mượn ý phổ nhạc:
“Ông trẳng ông trăng
Xuống chơi với tôi/ có bầu có bạn
Có oản cơm xôi/ có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng/ có lưng hũ rượu
Có chiếu bám đu/ thằng cù xí xoại
Bắt trai bỏ giỏ/ cái đỏ ẵm em
đi xem đánh cá/ đem rá vo gạo
Có gáo múc nước/ có lược chải đầu
Có trâu cầy ruộng/ có muống thả ao
Ông sao trên trời ...”
Hoặc:
“Ông tiễn ông tiên
Ông có đồng tiền/ ông giắt mái tai/ ông cài lưng khố
Ông ra hàng phố/ ông mua miếng trầu/ ông nhai tóp tép
Ông mua con tép/ về ông ăn cơm
Ông mua mớ rơm/ về ông đánh thổi
Ông mua cái chổi/ về ông quét nhà
Ông mua con gà/ về cho ăn thóc
Ông mua con cóc/ về thả gậm giường
Ông mua nén hương/ về cúng ông cụ!”
Bài đồng dao trò Dung giăng dung giẻ đọc khi đi quanh nhiều vòng tròn, những vòng này luôn thiếu một để đến cuối khi ngồi xệp xuống sẽ có một em chậm chạp bị loại:
“Dung giăng dung giẻ/ dắt trẻ đi chơi
đi tới cổng trời/ gặp cậu gặp mợ
Cho cháu về quê/ cho dê đi học
Cho cóc ở nhà/ cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây!”
Một bài đồng dao về cuộc sống luẩn quẩn loanh quanh trong nhà ngoài vườn trong xóm ngoài làng là Ông Ninh Ông Nang được Lê Thương phổ nhạc:
“Ông Nỉnh ông Ninh/ ông ra đầu đình/ ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang/ ông ra đầu làng/ ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
Nang Ninh đầu đình/ và Ninh Nang đầu làng
Nang Ninh làng đình/ rồi Ninh Nang đình làng
Nang Ninh làng đình Nang Ninh/ Ninh Nang đình làngNang Ninh
Nang Ninh làng đình Ninh ...”
“Cô Chiểu cô Chiêu/ cô qua cầu Kiều/ cô gặp cô Thỏa cô Thoa
Cô Thỏa cô Thoa/ cô qua vườn cà/ cô gặp cô Chiểu cô Chiêu
Thoa Chiêu cầu Kiều/ và Chiêu Thoa vườn cà
Rồi Thoa Chiêu cầu Kiều/ rồi Chiêu Thoa vườn dừa
Cả Chiêu Thoa cầu Kiều Chiêu Thoa/ Thoa Chiêu vườn cà Chiêu Thoa
Thoa Chiêu vườn cà Thoa ...”
“Em Thở em Thơ/ em qua hàng dừa/ em gặp em hải em Hai
Em Hải em Hai/ em qua vườn xoài/ em gặp em Thở em Thơ
Thơ Hai vườn xoài/ và Hai Thơ vườn dừa
Rồi Thơ Hai vườn xoài/ và Hai Thơ vườn dừa
Cả Thơ Hai vườn xoài Thơ Hai/ Hai Thơ vườn dừa Thơ Hai
Thơ Hai vườn xoài Thơ ...”
Một bài đồng dao khác được phổ nhạc là Thằng Bờm, nói lên đầu óc thực tiễn của dân quê không cần xa hoa phù phiếm cung ngũ long lầu ngũ phụng dinh thự cao ốc hay đặc sản miếng ngon vật lạ, mà chỉ muốn no bụng:
“Thằng Bờm có cái quạt mo/ phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ phú ông xin đổi một đôi chim mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi... Bờm cười!!!”
|
Phú ông xin đổi nắm xôi...Bờm cười! |
Trò đánh banh đũa/ đánh thẻ chuyền,dùng tay phải nắm nguyên bó đũa 6 chiếc hoặc nhiều hơn, cùng một trái banh, có khi chỉ là quả chanh hay một bó vải vụn cuộn thành hình trái banh. Vừa thảy banh lên là trải đũa ra nhanh cho kịp bắt chụp lại trái banh, rồi lần lượt ném banh vừa bắt từng cây đũa một, rồi hai, ba, bốn ... tức là phải tính chính xác làm sao vừa ném banh lên là phải nhanh mắt nhanh tay tính toán nắm đúng số đũa cần lấy đưa ngay sang tay kia và kịp thời bắt chụp lại trái banh. Trò chơi này hình như chỉ có trẻ Việt Nam ta yêu thích và hợp với con gái. Bài đồng dao đọc theo lúc ném banh, bắt đầu ném banh và bắt một đũa, đọc tối đa đến cuối câu phải tóm lại được trái banh, nếu trật phải nhường người kia chơi:
“Cái mốt (bắt một đũa)
Cái mai/ con trai/ con hến
Con nhện/ giăng tơ/ quả táo/ cái gáo
Lên đôi (bắt hai đũa)
đôi cái mõ/ đôi nồi chõ
đôi thổi xôi/ đôi nấu chè/ đôi cành tre
Lên ba (bắt ba đũa)”...
Khi nhặt hết đũa thì bỏ tất cả xuống để ném banh bốc cả nắm đổi sang các giai đoạn kế tiếp là con ba lại, con gang, sang tay cầm, kẹp nách, cầm quạt rẽ xương, sang tay giã, giã đơn hoặc giã đôi tùy giao ước ban đầu, nhập giã, rút ống, nhập ống, sang tay tao tức là chuyền. Mỗi giai đoạn này đọc tên báo sự thay đổi chuyển tiếp. Giai đoạn chuyền, một vòng hoặc hai vòng tùy giao ước trước khi chơi, vừa chuyền vừa ném banh rồi chụp banh lại và đọc:
“Chuyền chuyền một/ chuyền chuyền hai/ chuyền chuyền ba
Chuyền chuyền bốn/ chuyền chuyền năm/ chuyền chuyền sáu”
Cuối cùng là nẻ hay khẻ, tức là đập cả bó đũa vào chân người thua cuộc, vừa đập vừa thảy banh vừa đọc đoạn cuối bài đồng dao:
“Qua cầu, lặn cỏ/ núi đỏ như ma/ hầm sa/ mây sắc
Bắt con cá, chặt đuôi, chặt đầu
Têm miềng trầu, hầu chén rượu
Ai có tiền, ngồi liền lên ghế
Ai không tiền, liệu thế liệu thần
Sang tay nẻ, khẻ chân”
|
Tuổi thơ của tôi với trò đánh banh đũa. Ảnh minh họa |
Trò "Rồng Rắn" được trẻ con tham dự đông đảo nhất, cũng ôm eo ếch nối dài làm con rồng, vừa chạy vòng vòng vừa cùng đọc:
“Rồng rắn lên mây có cây xúc xắc
Xúc xắc xúc xẻ ... Có thầy thuốc ở nhà không?”
Một trẻ lớn làm ông thầy thuốc cầm quạt nan phe phẩy đi ra, đủng đỉnh hỏi:
“Thầy thuốc: - Rồng rắn đi đâu?
Rồng rắn: - Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.
|
Trò chơi rồng rắn lên mây vui nhộn. Ảnh minh họa |
Thầy thuốc: - Con lên mấy?
Rồng rắn: - Dạ, con lên một.
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon!
Rồng rắn: - Con lên hai.
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon!
Rồng rắn: - Con lên ba.
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon!
Rồng rắn: - Con lên bốn.
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon!
Rồng rắn: .....
Thầy thuốc: .....
Rồng rắn: - Con lên chín.
Thầy thuốc: - Thuốc chẳng ngon!
Rồng rắn: - Con lên mười.
Thầy thuốc: - Thuốc ngon vậy! Xin khúc đầu!
Rồng rắn: - Những xương cùng xẩu!
Thầy thuốc: - Xin khúc giữa!
Rồng rắn: - Những máu cùng me!
Thầy thuốc: - Xin khúc đuôi!
Rồng rắn: - Tha hồ mà đuổi!” đến đây thì đoàn rồng rắn vẫn ôm eo ếch nối nhau chạy đuổi bắt ông thầy thuốc cho kỳ được mới tan cuộc, giữa những tiếng vỗ tay reo hò cổ võ của những người đứng xem.
Ông bà, cha mẹ hãy làm gương cho con cháu của mình tiếp tục duy trì và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, là cách giúp cho con cháu hiểu hơn về đời sống của tổ tiên, luôn nhớ câu " Uống nước nhớ nguồn", sống đạo đức, nhân ái là chúng ta đã gieo được hạt giống tâm hồn tốt đẹp cho con...