Khi quan sát các trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi chơi đùa, chúng ta thường thấy chúng xúm xít trong một nhóm, có vẻ như đang chơi chung với nhau nhưng thực ra, mỗi trẻ chơi một kiểu và thường xảy ra hiện tượng tranh giành đồ chơi của nhau, vì trong độ tuổi này trẻ chưa có khả năng hòa đồng với các trẻ em cùng trang lứa.
Đó là tiến trình phát triển tâm lý bình thường, chúng ta không cần phê phán hay buộc trẻ phải biết “chia sẻ” đồ chơi với bạn bè khi chúng chưa hiểu rằng “cho thì tốt hơn nhận” do trẻ đang trong giai đoạn xây dựng cái bản sắc riêng của mình. Thái độ mà chúng ta cho rằng mang tính ích kỷ (Chỉ biết quyền lợi của mình ) thực ra đó là tính Ái kỷ (yêu bản thân mình ) đó không phải là tính xấu, vì nếu trẻ không biết yêu quý chính bản thân mình, thì trẻ sẽ không thể yêu quý những giá trị sống trong cuộc đời khi lớn lên.
Tuy nhiên, khi bước vào 5 tuổi, trẻ sẽ dần dần có ý thức quan tâm đến người khác, bắt đầu biết chấp nhận các luật chơi trong các trò chơi tập thể, biết chấp nhận “ thắng thua là lẽ thường tình” trong khi trước đây, hầu như trẻ không biết “thua” là gì – Khả năng biết chấp nhận việc mình có thể “thua keo này – ta bày keo khác” không phải là đứa trẻ nào cũng có, vì ngay cả người lớn, vẫn có nhiều người không thể chấp nhận là mình đã thua, chấp nhận là mình kém hơn người khác, để từ đó có quyết tâm phấn đấu hơn. Thay vào đó, họ lại tìm cách đổ thừa cho hoàn cảnh, cho những yếu tố bên ngoài, thậm chí ngay cả những vị giáo sư, tiến sĩ cũng có người không dám thừa nhận trình độ về mặt khoa học còn kém cỏi của mình, mà cho rằng bằng cấp mà mình có được ( dù có thể bằng những cách không chính quy ) là đủ rồi.
Chính những rào cản đó đã ngăn cản sự hội nhập vào cộng đồng các nhà khoa học quốc tế, cũng giống như những đứa trẻ, nếu không biết thừa nhận sự hơn – kém và có được khả năng tham gia (biết chấp nhận những người xung quanh ) thì khó mà có thể được tập thể các trẻ khác chấp nhận để hòa nhập với môi trường. Đó là điều mà cha mẹ cần lưu ý để giúp cho trẻ tránh được tình trạng bị bạn bè cô lập mà không hiểu tại sao !
Hình thành tính linh hoạt
Trong lứa tuổi này, bố mẹ không chỉ là người chăm sóc và bảo vệ, mà bắt đầu “kiêm nhiệm” thêm vai trò của một người dẫn đường, và hơn thế nữa chúng ta phải thừa nhận những tác động của những người xung quanh như bạn bè, thày cô và cả những mẫu người lý tưởng bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định đến trẻ. Chúng ta thừa nhận không phải là để tìm mọi biện pháp ngăn cấm, hay “úm con” đến mức không cho phép trẻ giao du với bất cứ ai, không muốn để cho bất cứ ai tác động về mặt nhân cách hay hành vi ứng xử của con, ngoài chính sự dạy dỗ của bố mẹ dành cho con! Đây là điều tưởng như là hiệu quả, khi thấy trẻ ngoan ngoãn vào nề nếp trong giai đoạn này, nhưng đó sẽ là những “chú gà công nghiệp” mà sau này khi lớn lên, sẽ rất khó khăn trong việc ứng xử với những vấn đề trong cuộc sống, và rất khó “đứng vững” trước những cám dỗ của cuộc đời trong tuổi vị thành niên.
Vì thế, một mặt chúng ta vẫn phải có những giới hạn, chọn lọc các tác động có ảnh hưởng đến trẻ, không quá khô cứng, giáo điều, nhưng cũng không quá sống sượng. Mặt khác chúng ta phải cho trẻ có những kinh nghiệm qua việc tiếp cận với một số lĩnh vực như sách báo, phim ảnh, internet. Điều này đòi hỏi bố mẹ phải có một sự am hiểu nhất định trong các lĩnh vực này để có thể hướng dẫn, chỉ ra cho con những ưu và khuyết điểm trong các lĩnh vực nêu trên. Chính chúng ta phải biết can đảm đối diện với những loại sách báo phim ảnh đề cao bạo lực, kích động sự ham muốn hay những trang web sex. Thông thường khi thấy trẻ xem các thứ kể trên, chúng ta nên có thái độ thản nhiên và nói, đây là những điều chỉ có trong phim ảnh, sách báo và không giúp gì cho con cả. Điều đó, khiến cho trẻ dễ chấp nhận và sẽ không tò mò tìm hiểu thêm. Có trường hợp, bé gái xem báo thấy có tranh quảng cáo các loại “nội y” với những người mẫu rất hấp dẫn. Bé hỏi tại họ lại mặc đồ như thế, bố mẹ sẽ trả lời sao ? Chúng ta có thể lấp liếm, bỏ qua hay nói đại loại như: “mai mốt con lớn rồi con sẽ biết .v.v.” nhưng điều này chỉ gợi thêm sự tò mò cho trẻ. Chúng ta chỉ cần nói, đây là những bộ đồ lót mặc bên trong, còn họ chụp ảnh như vậy, vì đó là công việc của họ, phải giới thiệu cho mọi người xem để mua. Nếu trẻ thấy những “cảnh nóng” (trên vi tính hay trong phim ) thì chúng ta cũng có thể giải thích tương tự, đó là họ đang làm việc, công việc của họ thôi, chứ ở ngoài đời họ cũng ăn mặc đàng hoàng. Dĩ nhiên, chúng ta không khuyến khích trẻ tìm đọc hay xem các thứ đó, nhưng đừng xem đó là một cái gì ghê gớm, bí ẩn, vì càng cấm đoán thì chỉ càng kích thích thêm trí tò mò và óc tưởng tượng của trẻ mà thôi. Sau này khi lớn hơn, với những nhận thức sâu sắc hơn thì trẻ sẽ xem những “chuyện ấy” là điều bình thường để tránh những tò mò, hay những kích thích về tính dục và sau này khi lớn hơn, trẻ sẽ dễ dàng rơi vào những quan hệ thiếu lành mạnh cũng vì muốn thoả mãn sự tò mò đó.
Tính linh hoạt là khả năng biết chấp nhận những hoàn cảnh, đôi khi thiếu thốn, khó khăn và cần phải có sự năng động, biết tùy cơ ứng biến. Chính những trò chơi sắm vai, mà qua đó trẻ tùy theo sự tưởng tượng của mình để có những lời nói và hành động trong vai trò mà mình đang đóng sao cho phù hợp . Ví dụ: Trẻ đóng vai bác sĩ thì có thể dùng một cái que để biến thành ống chích hay cái cặp nhiệt hay khi làm “thuyền trưởng’ thì có thể cuốn tờ giấy bìa làm ống nhòm… khả năng hình dung và tưởng tượng phong phú sẽ góp phần đắc lực vào việc xây dựng tính linh hoạt cho trẻ.
Đặc biệt là hoạt động dã ngoại, những buổi đi cắm trại hay du lịch sinh thái, thì những khả năng khéo léo, biết xoay sở trong các hoàn cảnh thiếu thốn tiện nghi chính là những yếu tố hiệu quả nhất để hình thành khả năng thích nghi tốt cho trẻ.
Khả năng làm việc nhóm
Giai đoạn này, từ chỗ chỉ biết chơi một mình, trẻ bắt đầu thích kết bạn và qua đó bộc lộ hai tính cách: Có những trẻ thích chỉ huy hay lộ ra khả năng thích điều động, có khả năng tổ chức hoặc luôn tỏ ra chủ động trong mọi tình huống…Có những trẻ thì lại chỉ thích sai đâu làm đó, không thích đứng ra điều khiển trò chơi hay các hoạt động trong lớp, mà chỉ muốn được điều động, phân công và hầu như không có sáng kiến gì và thụ động trong việc giao tiếp hay chơi đùa.
Ta nên biết rằng không phải những đứa trẻ thích chỉ huy hay chủ động là giỏi, còn đứa trẻ chỉ biết chấp hành hay thụ động là dở, vì mỗi tính cách đều có mặt mạnh mặt yếu. Điều quan trọng là chúng ta cần biết con cái mình có tính cách chủ đạo là gì, để từ đó vận dụng những biện pháp tác động và giáo dục phù hợp vì hầu như rất ít trẻ hoàn toàn chủ động hay hoàn toàn thụ động mà thường có một tỷ lệ nhất định nghiêng về tính cách nào nhiều hơn. Chúng ta nên dựa vào đó để phát huy những mặt mạnh của trẻ, làm giảm bớt những mặt yếu của trẻ mà điều quan trọng là giúp trẻ có được những tính cách có thể tạo ra được sự hòa đồng trong lớp, biết cách cùng làm việc với nhau vì đây là một yếu tố quan trọng sẽ thúc đẩy trẻ thích thú đến trường và dẫn đến những thành công hơn trong việc học tập.
Để tập cho trẻ có khả năng làm việc nhóm, thì ngay trong gia đình chúng ta cũng nên có những hoạt động cùng nhau, như khi mẹ nấu ăn, thì khuyến khích bé phụ lấy chén bát, đũa muỗng ra bàn ăn. Mẹ cũng nên bầy ra những trò chơi cùng nhau làm như gấp giấy, làm các đồ chơi đơn giản hay chơi bán hàng … qua đó trẻ sẽ hiểu nếu có nhiều người biết cách phối hợp với nhau làm việc thì sẽ đạt được những kết quả tốt.
Để giúp con có sự hòa đồng trong lớp, thì chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:
- Đừng nên cho con ăn mặc những quần áo sang trọng, đeo những vật dụng có giá trị hay sử dụng các học cụ đắt tiền dù chúng ta có khả năng. Vì điều đó chỉ làm cho đứa trẻ bị tách biệt, không hòa nhập được với những người bạn xung quanh và có khi còn gây ra những hậu quả xấu như bị kẻ gian tấn công, bị lấy cắp …
- Đừng cho con mang đồ ăn hay đồ chơi, học cụ cao cấp vào lớp và sau đó lại phải căn dặn trẻ không được cho trẻ khác mượn vì sợ mất hay làm hỏng. Đây là yếu tố dễ tạo ra sự cách biệt nhất giữa trẻ và bạn bè của chúng.
- Đừng tặng quà, tiền mặt cho GV trước mặt trẻ hay thường xuyên với mục đích để giáo viên phải quan tâm đến con mình. Chúng ta vẫn có thể tặng quà cho GV vào những dịp Lễ Tết, và điều đó không có một hàm ý gì đi theo ngoài trừ tấm lòng biết ơn dành cho các thày cô.
-
- Có thể mời bạn của con đến nhà chơi và cho phép trẻ đến nhà của các bạn khác, nếu được sự đồng ý của bố mẹ các bạn ấy.
- Nếu tổ chức sinh nhật cho con, thì nên để cho trẻ chủ động trong việc mời bạn bè. Những khách mời người lớn, chỉ nên là họ hàng và một số bạn bè thân thiết, đừng biến tiệc sinh nhật của trẻ thành một cơ hội để người lớn ăn nhậu, khoe của hay vì những mục đích khác.