Một số phương pháp kỷ luật tích cực và khuyến khích con bao gồm chuyển hướng sự chú ý, khen ngợi sự nỗ lực, tạo ra những khoảnh khắc chất lượng với trẻ.
Dành thời gian bên con sẽ thắt chặt sợi dây liên kết giữa các thành viên gia đình
Ngoài ra, đó còn là nhắc nhở con bằng câu mệnh lệnh một từ và bỏ qua có chọn lọc một số hành vi không tốt ở trẻ.
Thắt chặt "sợi dây" liên kết
Nếu chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi phạt con, việc áp dụng kỷ luật tích cực là điều các phụ huynh nên thử. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật kỷ luật tích cực như chuyển hướng, khen ngợi và phớt lờ có chọn lọc, cha mẹ có thể ngăn chặn hành vi xấu của con ngay từ đầu. Nhờ đó, phụ huynh sẽ không phải đe dọa, la mắng hoặc trừng phạt con.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, phương pháp kỷ luật này có thể giúp tăng cường mối liên kết cũng như sự tin tưởng giữa cha mẹ và con.
Áp dụng kỷ luật tích cực thay vì tức giận, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ rằng, con nên phản ứng phù hợp trước những khoảnh khắc bực bội mà không có xung đột.
Để kỷ luật con theo cách tích cực, cha mẹ hãy thay thế những hình phạt khiến chúng sợ hãi, xấu hổ hoặc bị coi thường bằng chiến lược khuyến khích hành vi tốt hơn. Trong đó, có thể kể đến các phương pháp như chuyển hướng sự chú ý của trẻ, khen ngợi con và dành thời gian vui vẻ bên nhau.
Không ít phụ huynh băn khoăn về việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực với thanh thiếu niên.
Theo các chuyên gia, phụ huynh có thể tiếp cận bằng cách đối thoại tôn trọng lẫn nhau về một vấn đề. Đồng thời, trưng cầu ý kiến của con để giải quyết vấn đề đó. Hoặc, cha mẹ có thể tổ chức họp mặt gia đình thường xuyên và khuyến khích những nỗ lực của con.
1. Chuyển hướng
Trẻ nhỏ thường có khoảng thời gian tập trung ngắn. Vì vậy, không quá khó để cha mẹ hướng chúng sang một hoạt động khác khi đang làm điều gì đó. Nếu con đang chơi với một đồ vật có thể gây nguy hiểm, phụ huynh hãy giới thiệu một món đồ chơi khác để thu hút sự chú ý của trẻ.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể thảo luận về những điều con có thể và không nên làm. Vì vậy, thay vì nói rằng, trẻ không thể xem YouTube nữa, cha mẹ có thể khuyến khích con ra ngoài chơi hoặc giải một câu đố mới. Bởi, tập trung vào điều tích cực có thể giảm tối đa các cuộc tranh cãi và hành vi ngang ngược ở trẻ.
2. Tăng lời khen tích cực
Cha mẹ hãy tận dụng mọi cơ hội để khen ngợi hành vi tốt của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, khi được khen ngợi vì điều gì đó, cho dù đó là tuân theo quy tắc hay chia sẻ một món đồ chơi, trẻ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục cư xử theo cách tích cực.
Khi áp dụng phương pháp này, các phụ huynh cần lưu ý rằng, sẽ hiệu quả hơn khi khen ngợi một hành động cụ thể của trẻ, thay vì tập trung vào tính cách con. Ví dụ, nếu con tỏ ra lo lắng khi ai đó có thể bị tổn thương hoặc buồn, cha mẹ hãy chỉ ra những điều trẻ đã làm đúng.
Cụ thể, cha mẹ có thể nói, con đã làm rất tốt khi biết hỏi thăm liệu bạn có ổn không. Hãy chắc chắn nhấn mạnh rằng, mọi người xung quanh đánh giá cao cử chỉ của trẻ.
Thậm chí, sẽ hiệu quả hơn lời khen khi phụ huynh trao phần thưởng cho hành vi tốt của con. Ví dụ, khi con làm điều gì đó tốt, cha mẹ có thể thưởng con thêm 5 - 10 phút tham gia trò chơi trẻ thích.
Yêu cầu con dành thời gian suy nghĩ là biện pháp hữu hiệu
3. Thời gian suy nghĩ
Thời gian suy nghĩ dành cho trẻ khi cư xử không đúng mực có thể là biện pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, 85% cha mẹ khiến phương pháp này phản tác dụng. Bởi, họ thường xuyên nói chuyện với trẻ, hoặc cho phép con cầm đồ chơi trong thời gian suy nghĩ. Các chuyên gia khuyến cáo, để phương pháp kỷ luật này hiệu quả nhất, trẻ nên ở một mình và im lặng.
Nếu muốn tương tác ngay cả khi con làm sai điều gì đó, các phụ huynh có thể cùng ngồi xuống với con. Sau đó, cùng con đọc một cuốn sách hay. Khi con đã bình tĩnh, cha mẹ có thể thảo luận với trẻ về những lựa chọn tốt hơn cho lần sau. Đồng thời, khuyến khích con xin lỗi vì hành vi của mình.
4. Sử dụng lời nhắc một từ
Thay vì đưa ra những yêu cầu phức tạp với con, cha mẹ hãy thử nói một từ có tác động để truyền tải thông điệp ngay lập tức. Thay vì yêu cầu con lên lầu đánh răng và dọn dẹp bồn rửa sau đó, phụ huynh có thể nói "răng".
Cha mẹ không nên giải thích quá dài rằng, vì sao điều đó quan trọng. Thay vào đó, hãy nhắc con bằng một từ đơn giản như "làm ơn". Bởi, trẻ em phản ứng tốt nhất với các hướng dẫn đơn giản, trực tiếp. Cha mẹ có thể giải thích lý do của mình sau đó.
5. Bỏ qua có chọn lọc
Khi con mắc lỗi nhỏ, cha mẹ có thể “nhắm mắt làm ngơ”. Với sự phớt lờ có chọn lọc, cha mẹ sẽ không phản ứng trước các hành vi nhằm gây sự chú ý của trẻ.
Ví dụ, khi con cố tình làm đổ sữa ra sàn nhà hoặc gây gián đoạn liên tục khi cha mẹ đang trò chuyện với một người khác, phụ huynh có thể bỏ qua.
Song, phụ huynh cần áp dụng hình thức bỏ qua có chọn lọc một cách thận trọng. Trong trường hợp trẻ có các hành động nguy hiểm, phá hoại hoặc gây tổn thương, cha mẹ cần yêu cầu con dừng ngay lập tức. Nếu con tiếp tục hành vi đó, hãy yêu cầu trẻ dành thời gian suy nghĩ.
Kỷ luật tiêu cực có xu hướng liên quan đến các hình phạt và ngôn ngữ nhằm ngăn cản trẻ hành xử xấu. Trong khi đó, kỷ luật tích cực thúc đẩy trẻ đưa ra lựa chọn tốt hơn bằng cách hướng chúng đến các hoạt động hiệu quả. Đồng thời, đưa ra lời khen khi trẻ cư xử phù hợp.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn