Nhiều cha mẹ mệt mỏi với lo lắng “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nhưng cần phân biệt khi nào là cãi hư và cãi đúng.
Một số cha mẹ coi mọi lời nói của mình là “thánh chỉ” mà bỏ qua suy nghĩ của con. Ảnh minh họa
Tự tin, tự lập nhưng… phải nghe lời?
Theo chuyên gia, con trẻ cãi có 2 chiều hướng chính đó là cãi bướng và cãi đúng. Vậy tức là không phải cãi nào cũng là láo, hư, hỗn… Vì xét ở góc độ nào đó thì việc cãi là điều con cái không được phép làm với bậc sinh thành. Tuy nhiên, cha mẹ cần xem xét nếu trẻ không có thái độ hỗn láo như nói xấc, thái độ khi nói không gay gắt, không bực tức… Thậm chí là tranh luận lễ phép thì vẫn có thể xem đó là điều nên khuyến khích con để con có chính kiến và quan điểm của bản thân.
Tuy nhiên, thường khi trẻ cãi, cha mẹ rất khó để kiểm soát cơn nóng giận, thậm chí là có thể quát mắng hoặc đòn roi với con. Điều này khiến trẻ càng thấy không hợp lý, không công bằng và dần dần không phục, không tôn trọng… Đỉnh cao của nó là sự chống đối, làm ngược. Đến lúc đó, vấn đề đã đi quá xa và trở nên rất nghiêm trọng.
Thạc sĩ Lê Huyền Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý học đường Nam Việt) chia sẻ: “Khi trẻ bắt đầu “cãi lại” bố mẹ, đó không chỉ là dấu hiệu “bướng” hay “hư” như các bậc phụ huynh thường nghĩ, mà còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Như vậy, con bắt đầu biết suy nghĩ độc lập, biết liên kết những điều bố mẹ nói và những nguyên tắc bố mẹ đặt ra với hiện thực”.
Thạc sĩ Lê Huyền Anh cho biết thêm, trẻ còn biết bắt chước các bạn, đòi hỏi những điều “đúng, sai” một cách rõ ràng, cứng nhắc, và logic. Thay vì bực bội, điên tiết lên, cha mẹ hãy... lấy làm vui mừng. Cãi văn minh, lịch sự đúng hơn là tranh luận, đưa ra quan điểm. Đấy chính là dạy trẻ có chính kiến và biết cách phản biện, biết sử dụng lý lẽ để bảo vệ quan điểm của bản thân cũng như chứng minh cho luận điểm của mình.
Cũng theo bà Lê Huyền Anh, ngày nay, nhiều bậc phụ huynh thường dạy con về tự tin, tự lập. Điều này cũng có ảnh hưởng lớn đến việc “cãi lý” của con. Khi đó, trẻ đã phát huy những gì được rèn giũa mà dám thể hiện quan điểm của bản thân. Như vậy, cha mẹ không thể muốn con phải tự tin trước đám đông, mạnh dạn trong học tập nhưng lại nhất nhất chỉ được nghe theo mà không được bình luận.
“Hãy để trẻ có cơ hội để suy nghĩ và đưa ra quan điểm của mình. Nếu cha mẹ làm được điều này sẽ khiến con có cảm giác an toàn, được lắng nghe, tôn trọng hơn. Trong nhiều trường hợp, con có thể đưa ra những quan điểm hợp lý hơn để người lớn tham khảo. Điều này cũng khiến cha mẹ và con hiểu nhau hơn” – bà Huyền Anh nhấn mạnh.
Đối với việc trẻ cãi bướng, các bậc cha mẹ cần xem xét cụ thể xem thái độ hành vi của con như thế nào, có xúc phạm người khác không… Tuy nhiên với bất cứ trường hợp nào cha mẹ cũng nên ghi nhớ nguyên tắc nói không với ngôn ngữ cơ thể và bạo lực. Thậm chí, cha mẹ còn phải thực hiện theo kỉ luật không nước mắt.
Muốn con ít có “điều kiện” cãi bướng, việc quan trọng nhất là bố mẹ điều chỉnh hành vi đối xử của mình với con. Không quát nạt, áp đặt, bắt chúng phải coi ý kiến của bố mẹ là nhất, là bất khả... cãi lại. Hãy cho bé con có được “quyền tham gia”.
“Hãy nhớ rằng, thật tốt nếu trẻ em bày tỏ ý kiến về một điều gì đó. Nhưng chúng nên làm điều đó một cách thân thiện. Ngoài ra, chúng cũng nên nhận ra nơi an toàn để có thể chia sẻ. Tốt hơn hết, bố mẹ không nên ngăn cấm, cắt mạch suy nghĩ khi chúng đang cố gắng bày tỏ quan điểm” – Thạc sĩ Huyền Anh nhấn mạnh.
Đừng coi lời nói là “thánh chỉ”
Trong quá trình tư vấn tâm lý, Chuyên viên Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Khám và Điều trị tâm lý Hà Nội) thường nghe phụ huynh tâm sự về con mình đến tuổi “choai choai” lại có những thay đổi khác thường. Họ luôn có cảm giác con trẻ đang “thách thức” uy quyền của mình mà trước đây nó từng tuân theo.
Theo bà Hoài, đây là vấn đề thường thấy trong giao tiếp giữa cha mẹ và con trẻ đến tuổi dậy thì. Khó chịu, tức giận và bị xúc phạm là cảm giác chung của người lớn. Những cuộc khẩu chiến như thế là thử thách đầu tiên và không thể tránh khỏi khi trong nhà có trẻ đang tuổi “tập làm người lớn”.
“Có trường hợp cha mẹ coi trẻ như robot, chỉ được nghe theo. Điều này khiến con cảm thấy mệt mỏi, tất yếu đến lúc sẽ muốn phản kháng lại. Và khi đó, trẻ sẽ “bật” ra rất mạnh mẽ, đôi lúc làm người lớn bất ngờ và dễ phát điên” – Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thu Hoài chia sẻ.
Việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của trẻ sẽ giúp cha mẹ hạn chế được mâu thuẫn không đáng có. Từ đó biết cách ứng xử cho phù hợp, vừa không làm con nổi loạn hay ấm ức vừa không làm mất vị thế của cha mẹ trước mặt trẻ.
Cha mẹ cần bớt áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Đây là mâu thuẫn lớn nhất khiến trẻ cãi bướng hay cãi láo. Một số cha mẹ coi mọi lời nói của mình là “thánh chỉ” mà bỏ qua suy nghĩ của con. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ khẳng định mình luôn đúng và con chỉ cần tuân theo. Tuy nhiên, trẻ ở tuổi mới lớn đồng nghĩa với việc khi lớn lên các em đã có kiến thức và thế giới quan của riêng mình.
Phân tích của bà Hoài cho thấy, việc trẻ đến tuổi “ô mai” thường hay cãi với cha mẹ và người lớn xuất phát từ những thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Kèm theo đó là cảm giác muốn độc lập, thành người lớn, được tôn trọng và đối xử công bằng. Nên khi thấy cha mẹ không chịu nhìn nhận, không thay đổi cách đối xử, trẻ cảm thấy không được tôn trọng rồi bắt đầu cãi lại với thái độ khó chấp nhận.
Bà Hoài đưa ra lời khuyên: “Trẻ nhỏ cần được biết hành vi cãi lại là không đúng và đem lại nhiều hậu quả. Không chỉ lời nói mà ngay cả những cử chỉ như lườm, liếc mắt... cũng không được phép. Và khi có thái độ không đúng, con sẽ phải nhận hình phạt. Chẳng hạn như không được xem tivi trong 1 tuần, không được ăn món yêu thích, bị cắt giảm thời gian chơi điện tử...”.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn