Nếu bé của bạn rất lộn xộn, cẩu thả khi ở nhà, lục tung sách vở tìm kiếm đồ đạc trước khi đến trường hoặc “vô tư vấy bẩn” khi chơi đùa cùng bạn ở trường học. Bé về đến nhà, mồ hôi nhễ nhại, và với đôi tay lấm lem bùn đất đã vội bốc ngay dĩa trái cây mẹ chuẩn bị sẵn nhâm nhi.
Nếu bạn chấp nhận những việc đó lặp đi lặp lại mỗi ngày vì nghĩ “trẻ con vốn ngây thơ” hoặc “lớn lên sẽ tự biết” thì đã đến lúc bạn nên thay đổi quan điểm. Chỉ bởi đơn giản, sự bừa bộn, lộn xộn của trẻ phản ánh một óc tổ chức, sắp xếp kém và khiến bé tốn nhiều thời gian hơn khi tìm kiếm đồ vật.
Sự lộn xộn không chỉ đến từ nếp sinh hoạt mà có thể kéo theo việc bé “rối tung” lên khi xử lý công việc sau này khi lớn lên. Còn hệ lụy bệnh tật từ việc nhiễm khuẩn, không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thì có lẽ là vấn đề ai cũng biết.
Nhưng làm thế nào để rèn luyện tính ngăn nắp và giữ gìn vệ sinh ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ? Một vài phương pháp gợi ý sau đây sẽ giúp các bố mẹ trẻ có thêm lựa chọn trong cách dạy con.
Xây từ nếp nhà
Cách sống, nếp sinh hoạt của ba mẹ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến con. Trẻ chỉ đơn giản nhìn theo và ghi nhận thông tin, vô thức dần hình thành ý thức và trẻ làm theo một cách tự nhiên. Nếu muốn trẻ gọn gàng, ngăn nắp, cha mẹ trước hết phải gọn gàng, ngăn nắp trong sắp xếp nhà cửa, đồ đạc.
Chẳng hạn, bạn muốn bé chén ăn xong phải rửa, úp vào chạn, lấy đồ vật dùng phải để lại vị trí cũ thì bạn hãy nói rõ với bé điều ấy và tuyệt đối làm theo, không có ngoại lệ. Nếu bé làm sai, bạn đừng sửa lỗi giúp bé mà hãy bảo bé phải hoàn thành nốt việc ấy.
Đối với việc giữ gìn vệ sinh cũng vậy, bạn hãy luôn đặt ra những câu “nếu thì” đơn giản như: “Nếu chưa rửa tay thì chưa được ăn”, “Nếu quần áo chưa gấp thì chưa được đi chơi”… Và quan trọng là bạn hãy để bé tự làm mọi việc và chỉ thẩm định kết quả cuối cùng.
Bé sẽ nhận ra rằng, nếu bé chỉ làm một cách qua loa, cẩu thả thì sẽ phải làm lại, mất nhiều công sức và thời gian hơn. Từ đó, bé sẽ dần dần hình thành ý thức làm mọi thứ tốt ngay lần đầu tiên, nhanh chóng và sử dụng thời gian hợp lý cho những việc khác.
Muốn dạy con ngoan, bên cạnh kỷ luật cũng cần những lời khen tặng
Tiếng “Không” đi kèm với lời giải thích
“Chiều con đúng mực” là lời khuyên không bao giờ lỗi thời với các bậc cha mẹ. Một khi bạn đã buông tiếng “Không” với những vòi vĩnh hay yêu cầu ngoại lệ của trẻ, hãy xem đó như là quyết định cuối cùng và kèm theo giải thích vì sao bé không được làm như vậy. Nên nhớ đó phải là lời giải thích chứ không phải là sự áp đặt bởi quyền hành của cha mẹ.
Nếu bé khóc, mè nheo, ăn vạ, bạn hãy tạm lờ bé đi để bé tự bình tâm lại. Những lời âu yếm, yêu thương, dỗ dành nên để vào một lúc khác. Khi bé thấy “vũ khí ăn vạ” đã bị vô hiệu hóa, bé sẽ ngưng khóc và suy nghĩ phải làm thế nào cho đúng.
Bạn và bé có thể chơi trò “nghiên cứu khoa học” tìm hiểu cách vi khuẩn sinh sôi và tấn công vào cơ thể người gây bệnh như thế nào. Giảng giải một cách dễ hiểu nhất về cách phòng ngừa bệnh, tầm quan trọng của việc vệ sinh sạch sẽ.
Nếu bé được tiếp nhận thông tin một cách tự nhiên lặp đi lặp lại, hiểu và chứng kiến việc làm của cha mẹ, bé cũng sẽ rèn luyện được tính vệ sinh và ngăn nắp cho mình.