Không đặt quá nhiều kỳ vọng vào các con khi lớn lên, nhưng chị Thanh Mai muốn các con của mình phải hội đủ những đức tính can đảm và tự tin, mai này biết đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Chị Mai hiểu rằng, để có được những điều này trước tiên trẻ cần biết sống có nghị lực, biết tự giải quyết vấn đề cũng như biết chịu trách nhiệm đối với việc làm của mình. Đó là những kỹ năng không thể có trong một sớm một chiều, mà cần được hình thành trong thực tiễn cuộc sống ngay từ lúc trẻ còn nhỏ và phụ thuộc không ít vào sự giáo dục từ cha mẹ.
Những bài học về tính nghị lực
- Khi trẻ còn nhỏ, những lần vui đùa sơ ý bị té ngã hoặc trầy xước chân tay sơ sài, cha mẹ cần tránh không làm cho vấn đề trở nên trầm trọng thêm bằng những cử chỉ vỗ về quá đáng hoặc tỏ vẻ hốt hoảng khi nhìn thấy. Chỉ nên nhẹ nhàng an ủi hoặc khuyên trẻ lần sau nên cẩn thận để tránh bị té ngã đau. Trẻ sau khi bị ngã nhận được sự dỗ dành của cha mẹ là điều tự nhiên, nhưng nếu được hỏi han thái quá có khuynh hướng dễ dẫn đến việc trẻ hay nhõng nhẽo, dần trở nên yếu đuối và nhút nhát hơn. Sự bảo vệ, yêu thương quá nhiều của cha mẹ đôi khi lại tạo nên chướng ngại trong việc dạy dỗ trẻ, làm trẻ thiếu tự tin, thiếu dũng cảm.
Cha mẹ sẽ là tấm gương sáng, kim chỉ nam dẫn đường để tiếp sức cho các con thêm nhiều nghị lực mới, ý chí hơn ai hết
- Trong công việc hàng ngày, cha mẹ cần tập cho trẻ biết tự làm những việc phù hợp theo sức của mình. Nhắm thấy những việc nào có thể để trẻ tự giải quyết lấy, cha mẹ tránh can thiệp vào. Bên cạnh đó, trong giao tiếp với bạn bè, khi trẻ gặp xung khắc, mâu thuẫn với bạn bè cha mẹ cần biết lắng nghe khi trẻ bày tỏ tâm sự. Từ đó, tùy theo tình huống góp ý từ xa để trẻ có hướng giải quyết tốt nhất, đừng làm thay cho trẻ mọi thứ. Chỉ cần cha mẹ biết kiên nhẫn, chỉ bảo cho trẻ hẳn trẻ sẽ có cách xử lý riêng của mình đồng thời trẻ can đảm hơn khi đối diện với sự việc. Thương con theo cách ôm ấp, thay con làm hết công việc từ lớn đến nhỏ chẳng khác nào cha mẹ dần tạo cho trẻ tính nhu nhược, ý chí bị thui chột. Khi biết tự quyết, trẻ sẽ tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Điều này không chỉ giúp rèn luyện cho trẻ thói quen không ỷ lại vào người khác cũng như hình thành tính chủ động của trẻ.
- Rèn tính nghị lực không thể thiếu đức tính kỷ luật và kiên nhẫn. Nề nếp kỷ luật cũng góp phần định hình tính nghị lực của trẻ, nó cũng là yếu tố còn thể phân biệt giữa trẻ mạnh mẽ và trẻ yếu đuối. Một cuộc sống bừa bãi, vô nguyên tắc không thể đồng hành cùng ý chí và nghị lực. Muốn được như vậy, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ càng sớm càng tốt. Khi nghị lực của trẻ có xu hướng tiếp tục phát triển, trẻ sẽ trở thành kiên định và thích thú trước những thành quả gặt hái được. Mỗi bước thành công là một giai đoạn tiến triển trong việc rèn luyện nghị lực và ý chí của trẻ. Đến giai đoạn mà nghị lực của trẻ có chiều hướng phát triển mạnh mẽ, cha mẹ cần thận trọng để không bẻ gãy ý chí của trẻ, hướng trẻ đi đúng theo quỹ đạo giáo dục của riêng mình.
Tuy nhiên, đằng sau những phương pháp trên trẻ cần soi gương từ cha mẹ. Những điều bạn thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, chúng sẽ là những bài học thực tiễn nhất mà bạn cần truyền đạt lại cho trẻ. Có thể khẳng định ngay rằng, cha mẹ chứ không thể ai khác phải có trách nhiệm hướng trẻ đi tới đích. Cha mẹ sẽ là tấm gương sáng, kim chỉ nam dẫn đường để tiếp sức cho các con thêm nhiều nghị lực mới, ý chí hơn ai hết.
Theo Tin Tức