Chậm chạp có thể là tính bẩm sinh của bé nhưng cũng có thể là đặc điểm phát sinh trong quá trình cha mẹ nuôi dạy bé không đúng cách.
Nhiều bé thích sử dụng vũ khí "lề mề" khi muốn chống đối lại các mệnh lệnh từ phía cha mẹ. Phản ứng thường thấy là khi bạn yêu cầu, bé vờ như không nghe thấy hoặc cứ "ì ra" mặc bạn luôn miệng thúc giục. Các chuyên gia cho rằng, đây là kiểu chống trả "ngấm ngầm", lâu dần sẽ xây dựng nên đặc trưng "rùa bò" ở bé.
Tăng tốc cho bé
- Không nên dồn ép bé: Bạn càng hối thúc bé nhanh lên, bé càng dễ bị cuống và hành động chậm chạp hơn. Hơn nữa, nếu bạn thường xuyên giục giã, vô tình sẽ gây sức ép tâm lý căng thẳng cho bé. Bé có thể mất tự tin vào bản thân, trở nên bất cần hoặc làm mọi việc chỉ để chống đối với cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ nóng tính, chưa nói hết câu đã muốn quát nạt, thậm chí dùng đòn roi với bé mà quên mất rằng, bé còn nhỏ, trí não chưa phát triển toàn diện nên không thể hiểu và hành động theo ý bạn muốn ngay lập tức.
Khi yêu cầu bé, tốt nhất, bạn nên phát âm thật chậm rãi, đơn giản và rõ ràng. Bạn nên tránh cách nói nhanh, nói nhiều hoặc buộc bé thực hiện nhiều thao tác liên tiếp như "Con phải rửa tay bằng xà phòng, lau khô trước khi ăn. Ăn xong phải súc miệng, đánh răng, giúp mẹ dọn bàn...".
Ảnh: GettyImages
- Tạo sự gọn gàng: Nếu sáng nào bạn cũng hối hả "Áo khoác của con đâu?", "Chiếc mũ hôm qua con đội, con để chỗ nào?" thì tật lề mề của bé sẽ khó mà chấm dứt ngay được. Bạn nên làm gương về thói quen ngăn nắp cho bé trước và hướng dẫn bé thực hành theo. Chẳng hạn, quần áo của bé cần được treo trên móc riêng, tất (hoặc mũ) nên để gọn trong góc tủ.
- Nhấn mạnh đến lợi ích: Giống như người lớn, bé cũng ham thích hành động nếu công việc đó mang lại kết quả tốt đẹp cho bản thân. Nếu bạn muốn bé nhanh chóng thức dậy để đi siêu thị, bạn nên nhấn mạnh "Con không đi là siêu thị bán hết loại bánh ngọt con thích đấy". Bị bạn "dụ dỗ" ngọt ngào, bé sẽ tự giác nhanh nhẹn hơn.
- Không nên so sánh bé: Có thể tính cách chậm chạp ở bé là bẩm sinh. Vì vậy, bé không được nhanh nhẹn, hoạt bát như anh (chị) hoặc các bạn hàng xóm, bạn cũng không nên đem bé ra chê bai. Bạn nên tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây nên tật này của bé và tìm cách giúp bé tiến bộ.
- "Khoán việc" cho bé: Bạn có thể trao đổi với bé về khoảng thời gian cho một phần việc nhất định, chẳng hạn "Con tự mặc quần áo đi nhé, 5 phút nữa mẹ sẽ quay lại kiểm tra". Nếu khoảng thời gian này vẫn không đủ để bé hoàn thành việc tự mặc quần áo, bạn cũng không nên nóng nảy. Giữ thái độ bình tĩnh và trao đổi để xem bé có vướng mắc gì không: Bé cài nhầm cúc ao hoặc không phân biệt được mặt trái, mặt phải của quần...
- Xây dựng tinh thần tập trung: Bé chậm chạp phần lớn là do sức tập trung yếu. Bạn nên hướng bé đến sự tập trung cho một hành động cụ thể mỗi ngày, chẳng hạn nếu bé đang vẽ, bạn nên tắt tivi hoặc giữ im lặng. Trước giờ ăn cơm, bạn có thể tắt tivi và dọn đồ chơi gọn gàng.
- Nên kiên nhẫn: Bạn nên xác định sẵn vì tật lề mề của bé không phải một sớm một chiều là loại bỏ được. Nên động viên bé hàng ngày để bé tiến bộ dần dần và không tái phạm thói quen khó chịu này nữa.
Theo mevabe.net