Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình có tính độc lập cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có biện pháp giáo dục phù hợp để con có được đức tính quý báu đó.
Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình có tính độc lập cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có biện pháp giáo dục phù hợp để con có được đức tính quý báu đó.
Chiều nào cũng vậy, đi làm về chị Hoa lại bê một bát cơm ra đường để bón cho con, mặc dù cháu đã lên 5 tuổi. Con chạy đến đâu, mẹ chạy theo đó, thỉnh thoảng lại bón cho con một thìa. Hàng xóm của chị Hoa, bà Loan cũng thường chăm sóc đứa cháu nội kiểu "phục tùng" như vậy. Bà thường rong ruổi từ nhà ra đường, từ đường vào nhà chỉ để bón cháo, bón sữa cho cháu. Mỗi ngày cháu ăn ba bữa, thì cả ba bữa bà cháu dắt díu bồng bế nhau ra đường.
Cha mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ hoạt động, giúp trẻ phát triển tốt.
Cho trẻ ăn như trên chỉ thể hiện một khía cạnh nhỏ của việc cha mẹ quá bảo bọc, không rèn kỹ năng tự lập cho trẻ. Nhiều người bảo bọc trẻ đến mức không để trẻ tự làm bất cứ việc gì vì sợ bẩn và sợ nguy hiểm. Vào bữa ăn, không cho bé bốc thức ăn, không cho bé cầm đũa. Đi chơi không cho trẻ nghịch đất. Trẻ bị ngã thì chạy vội đến đỡ dậy và xuýt xoa... Các chuyên gia về tâm lý giáo dục cho rằng, bằng cách đó, người lớn đã ngăn cản mọi sự tiếp xúc và trải nghiệm, cản trở sự phát triển của trẻ. Trẻ sẽ trở nên nhút nhát, phụ thuộc vào người lớn, khả năng độc lập kém đi.
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Mai Hoa, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho rằng, cuộc sống không chỉ là điều tốt đẹp mà còn có cả mặt trái. Nếu cha mẹ quá bảo bọc con hay quá "lụy" con sẽ tước mất đi cơ hội được rèn luyện để phát triển. Hãy cho trẻ được va vấp, được trải nghiệm những gì có thể phù hợp với từng lứa tuổi. Đó là những bài học hiệu quả rất cần cho sự phát triển hoàn thiện của trẻ. |
Theo chuyên gia tâm lý trẻ em Nguyễn Minh Tuệ, Trung tâm Tư vấn tâm lý trẻ em Spec, nhiều cha mẹ nhầm tưởng ăn uống chỉ đơn giản là chuyện dinh dưỡng mà không hay biết rằng, việc này cũng cần phải giáo dục.
Khi trẻ bắt đầu biết ngồi, khả năng cầm nắm và di chuyển đồ vật hoàn thiện thì có thể dạy bé tính độc lập khi ăn. Một ghế ăn riêng cho bé xếp cùng bàn ăn với gia đình, khi cả nhà ăn, bé cũng tự ăn thức ăn của mình. Nếu không thích ăn nữa thì ngừng và không một người lớn nào cố ép cho bé ăn hết phần thức ăn đó. Bằng cách đó, chỉ một vài lần, đứa trẻ sẽ ý thức được rằng vào giờ ăn thì phải ăn, nếu không sẽ đói và phải chờ đến bữa ăn sau mới được ăn. Không một lời la hét, không một tiếng dọa nạt, không phải dùng đòn roi, ông bà cha mẹ không phải làm bất cứ trò nào như chúng ta vẫn thấy trong những bữa ăn của con trẻ.
Cùng với việc giáo dục tính tự lập qua việc ăn uống của bé, cha mẹ cũng nên tạo cơ hội cho trẻ được tự làm những việc cơ bản khác như mặc quần áo, đi vệ sinh... ngay khi trẻ có thể làm được. Khi trẻ muốn được làm điều gì đó như lau nhà, đập trứng, rót nước... bố mẹ không nên ngăn cản trẻ. Dù có thể trẻ sẽ làm vỡ một số thứ, nhưng đó là cơ hội cho bé được hoạt động, giúp trí lực của bé phát triển tốt hơn.
Chị Phan Thị Thủy, nhà ở phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội đã áp dụng cách giáo dục này cho hai đứa con trai của mình. Ngày con còn bé, lúc nào ăn cơm chị cũng chuẩn bị một chiếc bát và thìa cho con. Bé vừa ăn vừa bóp nát thức ăn trong bát rất hào hứng. Cùng nhiều trải nghiệm khác, sự phát triển của bé rất tốt. Bé luôn vui vẻ, nhanh nhẹn, hoạt bát. Mới 4 tuổi nhưng đưa bé đi ăn tiệc ở đâu, bé tự giác ngồi ăn và không hề mè nheo chạy nhảy như những đứa trẻ khác. Đi siêu thị, bé đã biết chọn mua những thứ mẹ nhờ, biết đi đổ rác, biết vò gạo, lấy đủ nước để nấu cơm...
Theo Giadinh.net