Sự nhút nhát về lâu dài có thể tước đi nhiều cơ hội trong
cuộc sống của trẻ. Trẻ rụt rè có nguy cơ trở thành những người lớn nhút nhát
nếu không được khắc phục sớm. Bố mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ điều chỉnh và
vượt qua tính nhút nhát. Còn nếu sự nhút nhát của trẻ kéo dài và trầm trọng sẽ
phải cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.
Một đứa trẻ nhút nhát luôn lo âu hoặc rụt rè mỗi khi giao
tiếp với người khác hoặc khi rơi vào tình huống lạ lẫm. Bé cảm thấy gượng gạo
và căng thẳng mỗi khi trở thành trung tâm của sự chú ý, chẳng hạn như khi đứng
trước đám đông. Trẻ nhút nhát chỉ cảm thấy an toàn khi quan sát mọi hoạt động
từ bên ngoài chứ không thích tham gia.
Bảo vệ con mình bằng tình
yêu thương thực sự giúp trẻ không nhút nhát
|
Thế nào là nhút nhát?
Trẻ em được xem là nhút nhát khi các em không chịu hòa đồng
và tham gia các hoạt động chung với bạn bè đồng trang lứa, mặc dù trong lòng
các em rất muốn. Trẻ nhút nhát có thể có những biểu hiện như sau:
– Không chịu nói chuyện hay trả lời câu hỏi của người khác,
dù đó là những câu hỏi rất đơn giản hoặc rõ ràng.
– Không thích chơi đùa và tham gia các hoạt động tập
thể.
– Không thích ra chơi ở những không gian công cộng, đông
người hoặc thoáng rộng (như sân trường chẳng hạn), trừ phi đi với một người
thực sự thân thiết.
– E ngại mỗi khi được người khác quan tâm chú ý, kể cả khi
đó là sự chú ý tích cực.
Nguyên nhân của sự
nhút nhát
Hầu hết trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi đều “nhút nhát”, vì
thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với chúng, và các bé sẽ có xu
hướng gần gũi với những người thân quen nhất. Sự nhút nhát ở giai đoạn này là
bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Và theo lẽ tự nhiên, khi trẻ
được 3 hoặc 4 tuổi, bé sẽ bắt đầu có nhu cầu vui chơi và tương tác với bạn bè
đồng trang lứa.
Trẻ em nhút nhát kéo dài có thể do một hay nhiều nguyên
nhân, bao gồm:
Di truyền: cấu trúc gen của trẻ có những yếu tố gây ra tính
nhút nhát được thừa hưởng từ bố mẹ.
Bản tính: những em bé nhạy cảm quá mức hoặc dễ hoảng sợ có
nhiều nguy cơ nhút nhát kéo dài hơn các trẻ khác khi lớn lên.
Bắt chước người lớn: trẻ con học hỏi bằng cách bắt chước
hành vi của những người lớn xung quanh chúng, mà gần gũi nhất chính là phụ
huynh. Bố mẹ có tính cách nhút nhát cũng có thể vô tình truyền tính cách này
cho con mình thông qua các hoạt động hàng ngày.
Do mối quan hệ gia đình: trẻ em thiếu tình thương của bố mẹ
hoặc không được chăm sóc thường xuyên trong gia đình sẽ dễ rơi vào trạng thái
lo âu và trở nên nhút nhát.
Sống khép kín: những trẻ em không được tạo điều kiện tiếp
xúc với cộng đồng hoặc thế giới bên ngoài trong những năm đầu đời sẽ dễ trở nên
nhút nhát do thiếu hụt các kỹ năng giao tiếp và tương tác với mọi người.
Thường xuyên bị chê bai: những đứa trẻ hay bị chọc ghẹo hoặc
ức hiếp bởi bạn bè hoặc người thân trong gia đình như bố mẹ, anh chị em, họ
hàng… cũng sẽ có xu hướng nhút nhát và dễ hoảng sợ.
Sợ thất bại: nhút nhát cũng thường xuất hiện ở những trẻ em
được người lớn kỳ vọng quá nhiều, nhất là khi những kỳ vọng đó vượt ngoài khả
năng của trẻ. Trẻ sẽ trở nên rụt rè, không dám làm gì cả vì sợ hỏng việc.
Nhút nhát: lợi bất
cập hại
Thực chất, tính cách nhút nhát ở trẻ em cũng có những ưu
điểm nhất định, bao gồm:
– Rất nhiều trẻ em nhút nhát là học sinh khá giỏi, nhờ vào
khả năng tập trung cao. Các bé có thể học bài một mình và không cần bảo ban.
– Trẻ em nhút nhát cũng thường rất ngoan hiền và cư xử lễ
phép, vì chúng không muốn dây dưa với rắc rối.
– Cũng do tính cách ngoan hiền dễ bảo, trẻ nhút nhát thường
được người lớn yêu thương quý mến hơn cả.
– Trẻ em nhút nhát được nhiều bạn bè quan tâm và chơi chung,
vì các em không ngỗ nghịch hay hiếu động như nhiều bé khác.
– Trẻ nhút nhát rất vâng lời và biết lắng nghe.
Tuy nhiên, những lợi
ích trên chỉ mang tính ngắn hạn. Nếu tình trạng nhút nhát kéo dài và không có
dấu hiệu thuyên giảm, các em có thể bị thiệt thòi nhiều mặt trong cuộc sống,
chẳng hạn như:
– Trẻ nhút nhát thường cô độc và không có nhiều niềm vui.
– Các em khó hòa đồng với mọi người xung quanh, nên cũng
thường ít bạn bè.
– Trẻ em nhút nhát có nhiều nguy cơ sút giảm lòng tự trọng,
cảm thấy bản thân mình không có giá trị. Các em khó lòng phát huy những tài
nghệ hoặc kỹ năng tiềm ẩn vì lo sợ bị người khác phán xét.
– Do ngại giao tiếp, nên trẻ nhút nhát thường dễ bị bỏ quên,
không được người lớn quan tâm đầy đủ.
– Sự nhút nhát hoặc lo sợ thường xuyên có thể gây stress,
dẫn đến các vấn đề về thể chất như đau dạ dày hoặc nhức đầu. Về lâu dài, trẻ có
nguy cơ mắc phải những chứng tâm lý nghiêm trọng hơn như chứng dễ hoảng sợ, các
bệnh sợ xã hội hay sợ đám đông.
– Trẻ nhút nhát thường đánh mất nhiều cơ hội tốt để rèn
luyện bản thân và phát triển các kỹ năng sống, từ đó các em sẽ dễ gặp thất bại
trong cuộc sống khi lớn lên.
Bố mẹ cần phải làm gì để khắc phục tính nhút nhát của trẻ?
Khi trẻ con nhút nhát, điều tốt nhất mà các ông bố bà mẹ có
thể làm chính là bảo vệ con mình bằng tình yêu thương thực sự:
Tuyệt đối không bao giờ “dán nhãn” bé là người nhút nhát:
những sự phán xét hay áp đặt của bố mẹ có tác động rất lớn đối với con trẻ,
thậm chí gây ảnh hưởng lên cả cuộc đời chúng về sau. Nếu bố mẹ cho rằng con
mình nhút nhát và trẻ biết được điều đó, bé sẽ tin đó là sự thật, và sẽ không
có động lực để cố gắng khắc phục.
Bố mẹ hãy làm gương: nếu phụ huynh là những người sống hòa
đồng và cư xử thân thiện với mọi người xung quanh, con cái sẽ học tập được điều
đó. Còn bố mẹ có tính hay lo âu sẽ khiến cho trẻ có cảm giác thế giới này là
một nơi đáng sợ, và bé sẽ trở nên rụt rè hơn. Bố mẹ cần đảm bảo con mình được
chăm sóc và vây quanh bởi những người sống tích cực, để trẻ tiếp nhận và học
hỏi thái độ sống tích cực đó từ từ.
Học hỏi từ các ông bố bà mẹ khác về cách chăm sóc trẻ nhút
nhát, để từ đó xem lại rằng mình đã chăm con một cách hợp lý hay chưa.
Đừng kỳ vọng quá cao ở trẻ. Làm như thế, trẻ sẽ nhận ra rằng
mình có cố gắng đến đâu thì bố mẹ cũng không bao giờ hài lòng. Từ đó, bé sẽ
càng rụt rè và nhút nhát hơn nữa.
Khuyến khích trẻ rèn luyện một thú vui lành mạnh nào đó mà
bé thích. Khi đã có một thú vui nhất định, bé sẽ học cách làm quen và tương tác
với những bạn khác có cùng sở thích, và tự mình nâng cao các kỹ năng của bản
thân. Về phần bố mẹ, hãy thật lòng khen ngợi bé vì những thành quả hoặc tiến bộ
mà bé đạt được – dù là nhỏ nhất – trong mọi hoạt động của trẻ.
Đối với trẻ nhút nhát ở lứa tuổi dậy thì, các bậc cha mẹ có
thể cho các em tham gia các khóa học về kỹ năng sống để rèn luyện sự tự tin.
Trong trường hợp mà bố mẹ đã nỗ lực hết mình, ứng dụng các
biện pháp trên nhưng vẫn không hiệu quả, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để
được hỗ trợ.