Đại dịch Covid-19 đã mang đến những thay đổi lớn lao cho giáo dục và nhà trường, đồng thời cũng đặt ra vô vàn những thách thức cho các thầy cô giáo khi phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp, thích ứng với hình thức giảng dạy mới và duy trì mối quan hệ thầy trò.
Có lẽ vì thế, món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dành tặng trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới chính là sự đồng cảm tha thiết và lòng trân trọng sâu sắc với những cống hiến, nỗ lực của thầy cô trong giai đoạn khó khăn này. “Tri ân thầy cô - Đồng lòng chung bước” chính là chủ đề mà Go Kids muốn cùng chia sẻ với ba mẹ trong tháng 11 này với mong ước rằng, cùng với sự thấu hiểu và đồng hành của ba mẹ, các thầy cô sẽ có thêm thật nhiều năng lượng tốt lành để mãi luôn giữ lửa yêu nghề.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, dạy trẻ những kỹ năng sống và kỹ năng học tập đầu đời bằng tình yêu thương và sự nuôi dưỡng trong gia đình. Khi đến trường, giáo viên trở thành người đồng hành của cha mẹ, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm, sự sáng tạo của mình cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ để trẻ được chuẩn bị tốt nhất giúp trẻ có trải nghiệm tích cực ở trường học.
Theo GS, TS Giáo dục Diane Levin tại ĐH Wheelock (Mỹ), “Mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và thầy cô chứng tỏ cho trẻ thấy rằng, chúng có thể tin tưởng và thầy cô của mình vì cha mẹ chúng cũng tin tưởng họ. Điều này khiến trẻ cảm thấy như những người quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời mình là một đội và đều sẵn sàng hết lòng vì trẻ.”
Các mối quan hệ tích cực xung quanh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Cha mẹ và thầy cô đều đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục một đứa trẻ. Mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và thầy cô có những ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của trẻ cũng như mang đến cho trẻ vô số lợi ích trong quá trình học tập.
1. Trẻ sẽ học tập tích cực hơn
Đây là một tác động vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Khi cha mẹ và thầy cô có mối liên hệ tích cực và bền chặt, trẻ sẽ xây dựng niềm tin mạnh mẽ đối với thầy cô. Trẻ nhận thấy sự quan tâm, gắn bó, đồng thời hiểu rằng, cả hai bên đều quan tâm đến sự tiến bộ của mình để từ đó trẻ cảm thấy việc học tập có ý nghĩa với mình và chủ động học tập tích cực, vui vẻ hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng, khi cách tiếp cận và sự hợp tác giữa cha mẹ và giáo viên được thể hiện rõ ràng thì thói quen học tập, thái độ của trẻ về trường học và điểm số cũng sẽ được cải thiện. Trẻ thể hiện các kỹ năng xã hội tốt hơn, ít vấn đề về hành vi hơn và khả năng thích ứng cao hơn và dễ hòa đồng hơn.
Có bằng chứng đáng kể còn cho thấy động lực học tập của trẻ cũng tăng lên, trẻ đi học đều đặn hơn và có thái độ tích cực hơn về bài tập ở nhà và trường học nói chung.
Hãy để lớp học trở thành một phần của đời sống gia đình
Khi thầy cô tôn trọng cha mẹ thì trẻ cũng tôn trọng thầy cô và ngược lại, trẻ sẽ củng cố sự tin tưởng vào cha mẹ khi họ thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng thầy cô của con mình. Không chỉ thế, khi kết nối giữa cha mẹ và thầy cô rõ ràng, nhất quán thì lớp học cũng sẽ trở thành một phần đời sống của gia đình giúp cha mẹ dễ dàng nắm bắt được việc học tập của trẻ.
Nguyên tắc "3 CHỮ C" xây dựng mối quan hệ tích cực (Nguồn: GoKids tổng hợp và biên dịch)
2. Giải quyết khó khăn của trẻ hiệu quả hơn
Mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và thầy cô đã được chứng minh là có thể cải thiện thành tích học tập, năng lực xã hội và sức khỏe tinh thần của trẻ. Khi cha mẹ và thầy cô trở thành người đồng hành gắn bó, trẻ sẽ làm tốt hơn vai trò của mình cả ở nhà và ở trường.
Những khó khăn mà trẻ gặp phải ở trường sẽ dễ dàng giải quyết hơn khi cha mẹ và thầy cô có mối quan hệ bền chặt. Thầy cô có thể đặt ra các thử thách hay giải pháp cho trẻ dựa vào chuyên môn của họ mà không phải e ngại và cha mẹ sẽ tin tưởng vào quan điểm của thầy cô vì có sự kết nối tích cực giữa họ.
Trẻ cũng có xu hướng ít lo lắng hơn khi phải đối mặt với thử thách vì trẻ tin rằng, chúng có thể vượt qua trở ngại khi có cả cha mẹ và thầy cô bên cạnh.
3. Mối quan hệ mang đến lợi ích ba bên
Iheoma Iruka, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục sớm của Quỹ nghiên cứu giáo dục HighScope cho rằng: “Xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và thầy cô là một chiến lược hiệu quả để hỗ trợ việc học tập của trẻ, khả năng kiến tạo các mối quan hệ và nhiều kỹ năng suốt đời khác của trẻ.
Nó đồng thời cũng củng cố năng lực của cha mẹ trong việc tham gia vào trải nghiệm học tập của trẻ và giúp thầy cô tập trung tốt hơn vào việc phát triển chuyên môn của mình.”
Sự chia sẻ và thấu hiểu giữa cha mẹ và thầy cô mang lại những lợi ích tuyệt vời
Nghiên cứu cho thấy, những thông tin chia sẻ của cha mẹ giúp thầy cô có thể linh hoạt hơn khi đưa ra những giải pháp hỗ trợ trẻ ở trường và cũng đạt được hiệu quả hỗ trợ cao hơn. Theo đó, điều này còn giúp cho tinh thần của giáo viên được cải thiện.
Còn đối với phụ huynh, có lẽ điều quan trọng nhất mà họ được hưởng lợi từ mối quan hệ tích cực với thầy cô chính là họ trở nên tự tin hơn, ý thức rõ ràng hơn về những giá trị của sự tham gia và vai trò không thể thay thế của mình vào việc học tập của trẻ nói riêng và trong việc giáo dục con cái nói chung.
GoKids Team (Tổng hợp và biên dịch)