Lần đầu tiên nghe thấy con nói bậy, chắc bố mẹ nào cũng giật mình hoặc tức giận. Nhưng điều bố mẹ nên làm là giữ bình tĩnh để điều chỉnh lại ngôn từ của con nhé!
Trẻ thường thích thử nói những từ mới mà mình nghe được. Cũng có khi, trẻ tự nghĩ ra từ để nói. Những từ đó có thể vô tình lại là những từ bậy. Mà từ ngữ thì có thể đến với trẻ từ rất nhiều nguồn: dù bố mẹ không nói bậy thì trẻ vẫn có thể nghe được những từ đó trên TV hoặc bạn bè, hàng xóm, hay những người ngoài phố nữa.
Do đó, nhiều khi trẻ nói bậy nhưng lại chẳng hiểu ý nghĩa của từ mình nói. Tuy nhiên, nếu cứ kệ trẻ thì về sau, việc nói bậy sẽ trở thành một thói quen xấu. Vì vậy, bố mẹ cần lập tức thực hiện những cách sau để giúp trẻ ngừng hành vi này:
Phớt lờ khi trẻ nói bậy
Đây là phương pháp khá hiệu quả nếu trẻ cố tình nói bậy để được chú ý. Có những trẻ lại chỉ tình cờ nói ra từ bậy mà không biết ý nghĩa của từ đó là gì. Vì vậy, khi trẻ vừa nói từ bậy, bố mẹ không nên phản ứng lại ngay, cũng không nên nhìn trẻ, vì như vậy sẽ vô tình tạo ấn tượng để trẻ ghi nhớ từ bậy đó.
Nếu trẻ nói bậy chỉ để gây sự chú ý, thì bố mẹ không nên phản ứng đáp lại trẻ.
Giữ bình tĩnh
Phản ứng của bố mẹ có thể tác động đến việc trẻ có tiếp tục nói bậy hay không. Nên bố mẹ hãy giữ bình tĩnh hết sức có thể, không nên nổi giận hoặc trêu đùa trẻ.
Giải thích cho trẻ rằng, việc nói bậy có thể khiến người khác bị tổn thương
Bố mẹ cũng nên gợi ý cho trẻ về cách lựa chọn từ ngữ. Ví dụ: “Mình không nên dùng những từ ngữ làm cho người khác buồn hoặc khó chịu nhé!”. Trẻ mầm non có thể chưa hiểu hết được ý nghĩa của từ, hoặc do phát âm sai mà thành từ bậy - trong những trường hợp này, bố mẹ nhẹ nhàng chỉnh lại cách nói cho con là được.
Bố mẹ cũng nên gợi ý cho trẻ về cách lựa chọn từ ngữ phù hợp.
Giải thích sơ qua về những từ bậy khi có thể
Trẻ ở độ tuổi 1-3 chưa hiểu được những khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ bậy, nên bố mẹ không cần phải giải thích ý nghĩa của những từ đó, mà chỉ cần nhắc rằng: “Con không nên nói từ đó, vì nó không hay đâu con ạ!”.
Từ 4 tuổi trở đi, trẻ có thể hiểu được ý nghĩa cơ bản của từ ngữ, nên bố mẹ có thể hỏi xem con nghĩ từ mà con nói có nghĩa là gì. Rồi sau đó, bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu một cách đơn giản là tại sao không nên dùng từ này. Ví dụ: “Từ đó để gọi tên cục ị đấy con ạ, nhưng là một từ để xúc phạm người khác, và con không nên dùng nhé!”.