"Mẹ ơi con chưa có cái này, mẹ ơi mua cho con cái kia. Mình đã giải thích cho bé rất nhiều mà chưa hiệu quả... ", một bà mẹ trẻ tâm sự.
Theo như chị Hà thì bé trai nhà chị rất ngoan và tình cảm. Duy chỉ có điều bé thường xuyên đòi hỏi và khiến chị cảm thấy vô cùng lúng túng trong việc dạy dỗ con. Bé đã thích cái gì thì đòi cho bằng được và chỉ muốn có ngay. Sau khi giải thích hết nước hết cái với con mà bé không nghe, rồi lại vì thấy con năn nỉ quá mà thương, cuối cùng chị lại phải chiều. Đây rõ ràng không phải là vấn đề của riêng chị B mà còn là vấn đề chung của nhiều ông bố bà mẹ.
Nói về vấn đề này, Jill Rigby Garner, tác giả của cuốn Raising Unselfish Children in a Self-Absorbed World cũng đã khẳng định rằng trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi 5, 6; thường có ý muốn sở hữu ngay lập tức những gì mà chúng nhìn thấy và thích. "Lũ trẻ đến trường và luôn thèm muốn những thứ mà bạn học của chúng có", Jill nói.
Đã có một số cách được đưa ra để qiải quyết vấn đề này ngay lập tức như giải thích thế nào, trách mắng bé ra sao... Còn với bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho các bậc phụ huynh 3 phương pháp để có thể dần cải thiện được tính hay đòi hỏi của bé.
- Thường xuyên chỉ cho con bạn thấy rằng vẫn có nhiều đứa trẻ còn thiếu thốn hơn chúng. Thi thoảng khuyến khích trẻ thu dọn quần áo, sách vở không còn dùng để làm từ thiện, giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của sự hảo tâm.
- Hãy dành nhiều thời gian cho con cái của bạn. Mỗi khi mang đến cho trẻ một món đồ chơi, hãy cùng ngồi xuống và chơi với chúng. "Trẻ đòi hỏi thời gian được ở bên cha mẹ càng nhiều càng tốt. Nếu không được đáp ứng, chúng sẽ tiếp tục muốn có những món đồ chơi khác." Garner nói.
- Giáo dục cho trẻ hiểu rằng vẻ bề ngoài không nói lên được điều gì cả, rằng điều quyết định nên một con người không phải là những thứ người ta khoác lên.
Theo aFamily