Toán là môn học lý thú nhưng cũng rất dễ khiến trẻ gặp nhiều bối rối. Vì thế, những nhà giáo dục thiết kế trò chơi học tập cho trẻ mầm non ưu tiên việc giúp bé làm quen với những con số, nhận diện mặt số, biết cách đếm số theo thứ tự… Nhóm trò chơi cho trẻ mầm non này thích hợp tổ chức tại lớp học, hay tại gia đình, xóm ngõ… khi có nhiều trẻ cùng tham gia.
1.1 Sắp xếp theo thứ tự
Mục đích của trò chơi này là nhằm cung cấp cho trẻ kiến thức về quá trình chăm sóc và phát triển của cây, củng cố biểu tượng về số và phép đếm. Phát triển khả năng phán đoán, trí tưởng tượng sáng tạo, phát triển ngôn ngữ mạch lạc ở trẻ. Giáo dục trẻ tình cảm xã hội.
Chuẩn bị:
- Mỗi đội được phát một bộ tranh về quá trình phát triển của các loại cây khác nhau và chăm sóc cây (ví dụ: tranh gieo hạt, tranh chăm sóc cây, tranh cây ra hoa, kết quả, tranh hái quả, tranh mang quả biếu bà…)
- Bảng gài gắn xung quanh khu vực chơi
- Bộ chữ số 1, 2, 3, 4, 5, 6
Cách chơi:
Hai cách chơi này có thể áp dụng cho nhóm hoặc cá nhân, hoặc chơi dưới hình thức thi đua xem ai (đội nào) nhanh hơn.
Cách 1: Người quản trò để các bức tranh (gieo hạt, chăm sóc cây, cây ra hoa, cây có quả chín) vào trong một cái rổ. Sau đó, yêu cầu trẻ xếp các bức tranh theo quá trình phát triển của cây.
Cách 2: Người quản trò gắn các bức tranh lên bảng không theo thứ tự (theo chiều dọc). Yêu cầu trẻ xếp lại cho đúng thứ tự, tìm số và gắn vào bên cạnh theo quá trình cây phát triển. Khi các đội thực hiện xong, quản trò lần lượt cho các đội nói về sự phát triển của cây mà mình vừa thực hiện.
1.2 Thi ai đếm đúng
Chuẩn bị:
- 5-7 dây có thắt nút đủ tốt để trẻ có thể sờ và nhận ra được số lượng dây
- Băng bịt mắt, trống
Cách chơi:
Khi chơi trẻ không được nhìn, chỉ dùng tay đếm. Trẻ chơi theo nhóm, sau khi bịt mắt trẻ, quản trò phát cho mỗi trẻ 1 dây có thắt nhiều nút. Trẻ dùng tay sờ đếm xem dây của mình có bao nhiêu nút thắt, khi có hiệu lệnh nhóm trẻ lên chơi bắt đầu đếm thi xem ai đếm nhanh.
1.3 Đếm các bộ phận cơ thể
Thông qua trò chơi tập thể này trẻ sẽ được làm quen với phép đếm (số lượng 1,2 và nhiều hơn).
Cách chơi:
Quản trò hướng dẫn trẻ đếm số lượng của từng bộ phận cơ thể. Quản trò hỏi: “Có mấy mắt?” rồi cùng trẻ đếm “một, hai” và nói: “Có hai mắt”. Tương tự như vậy, quản trò đặt các câu hỏi về các bộ phận khác.
Lúc đầu, trẻ đếm theo, sau đó quản trò để trẻ tự đếm. Khi trẻ đếm số lượng ngón tay, ngón chân, quản trò cần hướng dẫn trẻ đếm từ trái sang phải để trẻ không bị nhầm lẫn.
1.4 Thi ai nhanh
Quản trò chuẩn bị cho mỗi trẻ ít nhất 2 hình, sau đó nâng dần số hình theo mỗi lần chơi. Mỗi hình có màu sắc và kích thước khác nhau. Trẻ lấy hình theo đúng hiệu lệnh. Khi quản trò yêu cầu, trẻ chọn đúng hình giơ lên và nói tên hình. Nâng mức độ khó hơn, quản trò yêu cầu trẻ nhắm mắt rồi tìm hình giơ lên theo yêu cầu.