Một số trò chơi học tập cho trẻ mầm non giúp trẻ vận hành khả năng suy nghĩ, phán đoán để đưa ra những lời giải, phương án nhanh nhất. Đặc biệt, thông qua những trò chơi tập thể, trẻ sẽ biết tương tác với các bạn cùng đội, xây dựng cho trẻ kỹ năng “làm việc” theo nhóm.
2.1 Người làm vườn
Trò chơi giúp củng cố khả năng phân loại (cây hoặc rau,…) và phát triển kỹ năng phân tích kí hiệu tượng trưng.
Chuẩn bị:
Những miếng dán hình tròn có màu xanh, đỏ, vàng
Mô hình hoặc tranh ảnh về các loại cây
Cách chơi:
Chơi theo nhóm dưới hình thức thi đua. Quản trò sẽ nói: “Bây giờ chúng ta sẽ là những bác làm vườn trồng cây vào các vườn có hàng rào màu xanh, đỏ, vàng. Vườn màu xanh trồng cây bóng mát, vườn màu đỏ trồng cây cảnh, vườn màu vàng trồng cây ăn quả hoặc các cây rau. Nhóm đeo phù hiệu xanh sẽ trồng cây bóng mát, đeo phù hiệu đỏ trồng cây cảnh, phù hiệu vàng trồng rau hoặc cây ăn quả”.
Sau đó, cho trẻ chơi trên nền nhạc 1-2 phút. Nhóm nào nhặt đúng và được nhiều thì nhóm đó thắng.
2.2 Tôi đang nói về con vật nào?
Mục đích của trò chơi này là giúp trẻ củng cố hình ảnh của các con vật. Phát triển ngôn ngữ miêu tả, khả năng tư duy của trẻ.
Chuẩn bị:
- Một không gian rộng rãi, thoáng mát
- Các bông hoa nhỏ bằng giấy hoặc nhựa với các màu sắc khác nhau (đỏ, vàng, xanh) để tính điểm cho các đội khi đoán đúng tên con vật
Cách chơi:
Có thể chơi theo hình thức nối vòng hoặc chia thành hai tổ. Cứ một trẻ miêu tả đặc điểm của con vật, một trẻ đoán tên con vật. Ví dụ, khi một bạn miêu tả rằng con vật này có hai tai to như hai cái quạt, có vòi dài, trẻ kia sẽ đoán ra là Con Voi…
Nếu trẻ chơi đông, quản trò nên chia thành hai đội chơi. Một đội mô phỏng hành động của con vật, đội kia phải quan sát và đoán đúng tên con vật mà đội bạn vừa mô phỏng. Lưu ý, đội sau không được mô phỏng lại hành động của con vật mà đội trước đã mô phỏng.
Hai đội sẽ bắt thăm xem đội nào sẽ làm động tác trước. Để đưa ra được hành động mô phỏng vận động của con vật, các trẻ trong đội sẽ phải thảo luận với nhau để đi đến thống nhất xem mô phỏng về con vật nào. Đội bạn, sau khi quan sát, cũng cần thảo luận để đưa ra câu thảo luận cho chính xác.
2.3 Đoán xem cây gì
Đây là trò chơi giúp củng cố hiểu biết của trẻ về các loại cây được trồng ở sân trường. Qua đó, rèn luyện khả năng định hướng nhanh và kĩ năng chạy cho trẻ. Hơn nữa thông qua trò chơi học tập cho trẻ mầm non này trẻ sẽ có cơ hội phát triển ngôn ngữ của mình.
Chuẩn bị:
Cho trẻ quan sát cây trong sân trường vào giờ hoạt động ngoài trời.
Cách chơi: Chơi cả lớp ở ngoài sân trường
Cô gợi ý cho trẻ quan sát nhanh các cây ở sân trường và nhớ lại đặc điểm của cây qua những giờ quan sát trước, sau đó cô nói với trẻ: Hôm nay chúng mình sẽ chơi trò chơi “Đoán xem cây gì” cô sẽ miêu tả đặc điểm của một cây.
Các con tập trung nghe, rồi suy nghĩ và đoán xem đó là cây gì. Khi cô hô: “Một, hai, ba. Tìm cây, tìm cây” trẻ chạy nhanh đến cây và nói đó là cây gì. Ai chạy nhầm sẽ bị phạt nhảy lò cò.
2.4 Ai khéo, ai giỏi?
Trò chơi học tập cho trẻ mầm non này giúp củng cố hiểu biết của trẻ về các bộ phận của cây, phát triển tư duy trực quan – sơ đồ và rèn luyện kĩ năng cắt, dán, vẽ, trang trí cho trẻ.
Chuẩn bị:
- Kéo, hồ dán, bút sáp màu
- Giấy trắng một mặt khổ A4
- Tranh vẽ các bộ phận của cây: rễ, thân, cành, lá, hoa
Cách chơi:
Chơi theo nhóm hoặc cá nhân. Trước khi chơi, quản trò hỏi trẻ: Cây có những bộ phận nào? Khi trẻ kể xong, quản trò nói với trẻ: Cô có 1 bức tranh vẽ các bộ phận của cây. Bây giờ chúng mình sẽ chơi trò chơi “Ai khéo, ai giỏi?”. Các con hãy giúp cô cắt, dán các bộ phận đó để được một cây hoàn chỉnh. Các con có thể trang trí thêm để tạo thành một bức tranh đẹp.
2.5 Thi xem ai nói đúng
Trò chơi vận động cho trẻ mầm non này giúp củng cố vốn từ của trẻ. Rèn luyện trí nhớ, khả năng nhanh nhạy của trẻ.
Chuẩn bị:
Một quả bóng to
Cách chơi:
Cho trẻ đứng thành vòng tròn, quản trò đứng ở giữa cầm một quả bóng. Quản trò vừa tung bóng cho từng trẻ vừa nói tên một thứ hoa, quả hoặc con vật, đồ vật nào đó. Trẻ phải nói được từ khái quát hoặc từ cụ thể của loại quả đó.
- Quản trò tung bóng cho bé A và nói: “Cà rốt”. Bé A trả lời: “Củ cà rốt”.
- Quản trò tung bóng cho bé B và nói “Thược dược”. Bé B trẻ trả lời: “Hoa thược dược”.
- Quản trò tung bóng cho bé C và nói “Gà”. Bé C trả lời: “Gia cầm”.
- Quản trò tung bóng cho bé D và nói: “Sư tử”. Bé D trả lời: “Thú rừng”…
- Sau đó cô có thể yêu cầu ngược lại. Cô nói hoa, quả, trẻ phải kể được tên một số loại hoa hoặc quả.
2.6 Người mua sắm giỏi
Trẻ được biết đến nhiều chất liệu và sản phẩm gia dụng khác nhau.
Chuẩn bị:
Bát, chén, chảo, nồi, ấm
Cách chơi:
Quản trò cho hai vật chạm nhẹ để phát ra âm thanh, trẻ dựa vào đó mà lựa chọn đồ dùng có chất liệu tưong tự. Sau mỗi lần đi chợ (chọn đồ dùng), quản trò dặn trẻ đây là đồ dùng bằng sứ (hoặc thủy tinh) dễ vỡ, khi dùng phải cẩn thận, nhẹ nhàng.
Trò chơi bắt đầu
- Quản trò nói: “Đi chợ. Đi chợ!”.
- Trẻ nói: “Mua gì? Mua gì?”.
- Quản trò nói: Đồ dùng để đựng thức ăn, Bát, chén, đĩa bằng sứ (quản trò làm cho các đồ dùng bằng sứ va chạm vào nhau để trẻ có thể nghe thấy)”.
Tiếp tục vòng 2
- Quản trò nói: “Đi chợ, đi chợ!”.
- Trẻ nói: “Mua gì? Mua gì?”.
- Quản trò nói: Đồ dùng để uống, ly thủy tinh (quản trò làm cho các đồ dùng bằng thủy tinh va chạm vào nhau để trẻ có thể nghe thấy).
Tiếp tục vòng 3
- Quản trò nói: “Đi chợ, đi chợ!”.
- Trẻ hỏi: “Mua gì? Mua gì?”
- Quản trò nói: Đồ dùng để nấu bằng nhôm. Chảo, nồi, ấm bằng nhôm.