Trong quá trình nuôi dạy bé, không ít lần cha mẹ phải sửa những điều con làm sai và những cách cư xử chưa đúng đắn. Vậy làm sao để cha mẹ trò chuyện hiệu quả, giúp con thay đổi mà không bị phản tác dụng.
Việc trẻ phạm lỗi sai và cha mẹ phải mệt mỏi xử lý, sửa dạy trẻ cũng là chuyện thường xuyên trong mỗi gia đình. Nhưng có trường hợp trẻ sẽ nghe theo cha mẹ, ngoan ngoãn sửa sai nhưng cũng có những lúc em bé tỏ ra bất trị, thậm chí còn tỏ vẻ cáu kỉnh và không muốn hợp tác. Lúc này, cha mẹ nên làm sao để có thể trò chuyện hiệu quả với con?
Cha mẹ hãy tham khảo một số cách dưới đây nhé:
Đừng nghiêm trọng hóa sai lầm của con
Chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều rằng, ai cũng phạm sai lầm và những sai lầm của trẻ con đa phần lại rất nhỏ thôi. Người lớn chúng ta không nên lúc nào cũng tỏ vẻ nghiêm trọng hóa vấn đề, như vậy sẽ càng làm cho đứa trẻ hoảng sợ và không biết mình sai ở đâu.
Nếu trẻ cư xử chưa đúng mực, chẳng hạn tỏ vẻ cáu gắt với bạn bè, điểm thi thấp hay chưa thể hiện tốt ở lớp học… cha mẹ hãy thử hỏi bé và tìm hiểu xem nguyên nhân thực sự nằm ở đâu. Lúc này, em bé sẽ cảm thấy rằng cha mẹ đang lắng nghe mình, nên sẽ dễ dàng bày tỏ nỗi lòng và mong muốn của con. Như vậy cha mẹ sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện để con thay đổi mỗi ngày.
Ngoài ra, nếu một lỗi mà trẻ mới phạm lần đầu, cha mẹ cũng đừng quá gay gắt mà hãy lấy việc trò chuyện hiệu quả, tìm hiểu chứ đừng phán xét. Việc phán xét hay ép buộc vô cớ sẽ làm em bé khép kín lòng mình hơn.
Hãy tạo một thỏa thuận với con
Trẻ em đôi khi có những sở thích vô cùng kỳ lạ, chẳng hạn như con thích xem tivi, thích chơi với côn trùng, thích nghịch cây cối… thì thay vì cấm đoán con rằng những điều này không tốt, điều kia không nên, hay nghịch cây cối và côn trùng thì mất vệ sinh mà không được ích lợi gì. Cha mẹ hãy thỏa thuận rằng sao con không thử tìm hiểu về côn trùng qua sách vở, sao không thử sưu tầm, hay xem chương trình thú vị trên tivi với giới hạn 1 giờ mỗi ngày mà thôi? Điều này sẽ giúp em bé cảm thấy thoải mái hơn và dễ dàng nghe theo lời cha mẹ hơn, cũng là một cách để khơi gợi sự tò mò, sáng tạo của con.
Cha mẹ cần hiểu quá trình phát triển của con
Trong quá trình lớn lên, đôi khi trẻ có những cách cư xử chưa đúng. Chẳng hạn như em bé của cha mẹ có thể học những câu… chửi thề hay học cách nói dối. Cha mẹ đừng vội nóng giận, hãy bình tĩnh và quan sát bé. Giai đoạn còn nhỏ, em bé sẽ tiếp thu nhiều kiểu ngôn ngữ khác nhau và bé sẽ quan sát phản ứng mà mình nhận về.
Cha mẹ lúc này hãy phớt lờ, giả vờ như không nghe thấy gì, nếu em bé thấy những câu chữ này là vô nghĩa thì tự nhiên con sẽ chẳng lặp lại chúng nữa.
Nói thật với con
Đôi khi, chỉ một cách tiếp cận hay cách trò chuyện hiệu quả thôi cũng cho ra những kết quả rất khác nhau. Chẳng hạn nếu trời sắp mưa mà em bé muốn đi chơi, cha mẹ thay vì quát mắng em bé rằng “thật ngu ngốc khi đi chơi giờ này”, hay “con hãy thôi mấy trò ngớ ngẩn đó đi và đừng làm cha mẹ thấy phiền nữa”… Lúc này, cha mẹ hãy nói thật với con rằng mưa gió nguy hiểm vì bé có thể bị cảm lạnh, con cũng khó mà nhìn thấy gì ngoài trời mưa… Và bé thấy hợp lý, con sẽ nghe lời.
Trên đây là gợi ý một số cách tiếp cận để cha mẹ có thể trò chuyện hiệu quả với con, tránh những lời lẽ cộc cằn, gay gắt khiến con bị tổn thương. Và em bé của cha mẹ cũng cần nhiều thời gian để học hỏi và sửa đổi, do đó, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội cùng với một ít lòng kiên nhẫn nhé.