Tự lập là một trong những kỹ năng mà bố mẹ cần phải dạy con mình làm quen từ rất sớm. Đây là một trong những kỹ năng sống sẽ giúp trẻ có thể tự mình đối mặt được với nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này. Vậy tự lập là gì? Tại sao phải dạy trẻ tự lập từ sớm?
1/ Tự lập là gì?
Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh sống của mỗi người. Trong cuộc sống mà không tự mình làm được gì, luôn dựa dẫm vào người khác sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội và đặc biệt là sẽ cảm thấy bản thân vô dụng. Từ đó sẽ thấy cuộc sống trở nên nhàm chán và vô nghĩa.
Tự lập cũng là một trong những nhân tố quyết định đến sự thắng bại trong tương lai của mỗi người. Tự lập giúp con người trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. Từ đó trẻ cũng sẽ làm việc cẩn thận hơn, đem lại kết quả tốt nhất. Đặc biệt, khi xa khỏi vòng tay bố mẹ, có tính tự lập thì con bạn có thể tự lo cho bản thân một cách tốt nhất. Bởi bố mẹ không thể luôn bên cạnh, lo lắng cho trẻ suốt đời được vậy nên hãy rèn cho con mình tính tự lập ngay từ nhỏ.
2/ Tại sao cần phải dạy trẻ tự lập từ sớm?
Đây là câu hỏi của rất nhiều bậc phụ huynh khi nghe đến kỹ năng tự lập cho con. Mặc dù trẻ còn nhỏ nhưng có những lúc trẻ sẽ phát ra tín hiệu rằng muốn tự mình làm, tức là trẻ đang muốn bố mẹ hướng dẫn và để trẻ tự mình làm. Đó cũng là biểu hiện đầu tiên của tính tự lập ở trẻ. Vốn dĩ trẻ luôn có tính tự lập từ nhỏ, tuy nhiên bố mẹ lại luôn quan niệm rằng con còn nhỏ nên sẽ làm giúp con mà không suy nghĩ gì.
Vì vậy nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn tiền đề này không cho trẻ luyện tập, đến khi trẻ lớn lên và không tự làm bất cứ điều gì các bạn lại sẽ la mắng con. Điều này các bạn hoàn toàn phải trách bản thân mình chứ không phải con. Vì các bạn không tạo cho con một nền tảng tốt thì không thể đòi hỏi trẻ biết làm mọi thứ về sau này.
Đồng thời việc trẻ muốn tự mình làm còn còn thể hiện sự khẳng định cái tôi và ý chí của bản thân. Chính vì vậy nếu như trẻ nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ thì cái tôi ấy sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái về sau này.
Nếu thấy con lóng ngóng cầm thìa rồi làm đồ ăn tung tóe, vụng về cài cái cúc mà nó cứ trượt, buộc mãi cái dây giày không xong thì cũng đừng sốt ruột và cáu kỉnh trẻ. Có nhiều người sẽ nói với con rằng “đấy mà, có làm được đâu nhưng cứ đòi cơ”, rồi “mẹ đang bận lắm, không có thời gian”, hay dụ dỗ “khi nào con làm được thì mẹ cho con làm”,...
Chính điều này đã ngắt quãng giai đoạn trẻ tự lập vừa mới hình thành. Những việc làm nhỏ đó dần dần sẽ giúp trẻ tích lũy được kinh nghiệm để trở nên thành thạo hơn vào những lần sau. Hơn thế chính những hành động ngăn cản, thờ ơ với việc cho con làm mọi việc còn ám thị một sự phủ định cái tôi của trẻ, sẽ khiến trẻ mất đi tự tin và động lực hành động.
Tự lập rất quan trọng với trẻ, để con của các bạn có được một cuộc sống tốt hơn. Từ đó có khả năng đối diện và giải quyết mọi việc trong tương lai một cách tốt nhất thì đừng bỏ qua kỹ năng này khi dạy con. Hy vọng qua bài viết các bạn đã có được những thông tin bổ ích.