Dạy con biết tranh cãi là chìa khóa giúp trẻ phát triển suy nghĩ độc lập, biết đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Hầu hết chúng ta từng cãi nhau với ai đó trước mặt con trẻ và đều cho rằng như thế là không tốt. Tuy nhiên, Adam Grant, giáo sư tâm lý tại Trường kinh doanh Wharton lại đưa ra quan điểm khác. "Quá nhiều trẻ được dạy để tin rằng cãi nhau là hành vi xấu. Hãy thay đổi và dạy con hiểu mình có thể thường xuyên bất đồng, miễn là tôn trọng đối phương", ông chia sẻ trên Atlantic.
Grant thừa nhận ông từng cho rằng cãi nhau trước mặt các con mình là điều tệ, nhưng sau đó đọc được nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sáng tạo lại thường được nuôi dạy trong các gia đình thường xuyên có tranh cãi. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là gào thét vào mặt nhau những chuyện vô nghĩa hay cãi vã thô lỗ, mà là phê bình với thiện chí xây dựng và để những cảm xúc này được bộc lộ trước mặt trẻ. Việc này cũng dạy trẻ rằng bất đồng là bình thường và không khiến hôn nhân bất hạnh hay ở với người không cùng quan điểm là điều không chịu nổi.
Chứng kiến bố mẹ tranh luận có lợi cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: Mirror.
Để việc tranh cãi có lợi, Grant nói với Today rằng hãy coi nó như một cuộc thảo luận, nơi mọi người đều có tư duy cởi mở và thực sự học hỏi lẫn nhau. "Hãy tranh luận như thể bạn đúng và lắng nghe như thể bạn sai", ông gợi ý. Nhà tâm lý cho rằng vai trò của bố mẹ là làm gương để tranh luận trở nên đa chiều chứ không phải sự thù địch hay áp đặt kiểu "Tôi đúng, anh sai".
Grant cũng nói rằng đây là điều mà rất ít bố mẹ dạy con. "Chúng ta muốn dành cho trẻ một mái nhà yên ấm nên cố ngăn các con cãi nhau với anh chị em chúng và giấu cuộc tranh luận với bạn đời sau cánh cửa", ông viết.
Bạn thử nghĩ xem, liệu trẻ sẽ học cách bày tỏ ý kiến hay tranh cãi một cách thấu đáo ở đâu nếu khi còn nhỏ chúng không hề có tấm gương nào để nhìn vào? "Nếu hiếm khi nhìn thấy cãi cọ, chúng ta sẽ e ngại tránh xa những mâu thuẫn. Chứng kiến tranh cãi - và tham gia vào đó - giúp chúng ta mạnh dạn hơn", ông bày tỏ.