1. Cải thiện các mối quan hệ: Nhiều người lo sợ sẽ mất đi “uy quyền” khi nói lời xin lỗi con. Thực tế, trẻ có xu hướng tôn trọng những người sẵn sàng nhận lỗi và sửa lỗi. Khi được cha mẹ xin lỗi, trẻ sẽ cảm nhận được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân được người khác tôn trọng. Nếu cha mẹ luôn khăng khăng mình đúng, mối quan hệ giữa các thành viên có thể bị tổn hại. Một lời xin lỗi chân thành có thể giúp củng cố tình cảm của cha mẹ và con cái, cha mẹ không nên trốn tránh điều này. Ảnh: Army Mil.
2. Làm gương cho con: Cha mẹ luôn là tấm gương lớn nhất cho con cái. Nếu muốn trẻ trở thành một người lễ phép, thành thật, biết nhận lỗi, cha mẹ cần làm gương và nói xin lỗi khi làm sai. Khi thấy cha mẹ nhận lỗi, các em sẽ ngầm hiểu nói lời xin lỗi là điều nên làm, từ đó làm theo và hình thành thói quen tốt. Đồng thời, trẻ sẽ biết chịu trách nhiệm cho mọi lời nói, hành vi của mình và không đổ lỗi cho người khác. Ảnh: Great Oaks Recovery Center.
3. Dạy trẻ biết rút kinh nghiệm: Khi nhận lỗi, cha mẹ đang giúp trẻ vạch ra giới hạn rõ ràng về những hành vi nên và không nên làm. Ví dụ, khi làm hỏng đồ chơi của con, bạn nên nói “Bố xin lỗi vì đã làm hỏng đồ của con, lần sau bố sẽ chú ý hơn. Con cũng nên nhớ là phải xin lỗi nếu làm hỏng đồ của người khác nhé”. Những bài học nhỏ lồng ghép vào lời xin lỗi sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Ảnh: Le Républicain Lorrain.
4. Giúp trẻ thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác: Roseanne Lesack, giám đốc phòng khám tâm lý trẻ em tại Đại học Nova Southeastern (Mỹ), nói với Washington Post rằng lời xin lỗi giúp trẻ hiểu những gì đã xảy ra và thấu hiểu cảm xúc của người khác khi rơi vào tình huống không mong muốn. Sau khi nhận lỗi, cha mẹ nên cùng trẻ thảo luận về những suy nghĩ của bản thân, từ đó tìm cách cải thiện, làm cho tâm trạng tốt hơn. Ảnh: Westend61.
5. Xây dựng lòng tin cho trẻ: Lời xin lỗi của cha mẹ giúp trẻ củng cố niềm tin rằng mọi người đều bình đẳng và cần nhận lỗi, sửa lỗi khi làm sai. Khi nhận được lời xin lỗi từ người lớn, mọi nghi ngờ, tức giận trong lòng trẻ sẽ được xóa bỏ. Nếu cha mẹ liên tục chối bỏ lỗi lầm hoặc đổ lỗi cho người khác, trẻ sẽ đánh mất niềm tin ở những người thân yêu, gần gũi nhất. Vì thế, cha mẹ hãy xây dựng sự tin tưởng, tôn trọng cho trẻ bằng cách nhận trách nhiệm khi làm sai. Ảnh: Aha Parenting.
6. Giúp trẻ hiểu rằng mọi người đều có thể phạm sai lầm: Khi còn nhỏ, trẻ luôn xem cha mẹ, người thân của mình là những thần tượng tuyệt vời. Nhận lỗi là cách giúp trẻ hiểu mọi người đều có thể phạm lỗi, kể cả cha mẹ, hoặc là những người hoàn hảo nhất. Nếu người lớn không biết nhận lỗi, trẻ sẽ cho rằng người lớn không bao giờ mắc sai lầm và không cần xin lỗi. Điều này có thể khiến trẻ đặt ra những kỳ vọng thiếu thực tế ở bản thân và người khác. “Sai lầm là điều không thể tránh khỏi, nhưng khi làm sai, chúng ta nên nhận lỗi và khắc phục điều đó”, bạn nên giải thích điều này cho trẻ. Ảnh: Bright Skies International School.