Trẻ mấy tháng ăn được cá hồi?
Cá hồi giàu dinh dưỡng tốt cho sự hình thành và phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ từ 7 tháng tuổi trở lên mới nên ăn ruốc cá hồi do khi này hệ tiêu hóa của trẻ đã dần ổn định và các mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Mẹ cũng lưu ý là nên cho ăn từ từ ít một để bé thích nghi dần, với những trẻ có cơ địa dị ứng thì các bà mẹ cần phải thận trọng hơn. Nếu bé bị dị ứng biểu hiện như nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, chúng ta phải ngừng, không cho bé ăn và hỏi thêm ý kiến của các bác sĩ.
Điều quan trọng không kém là khi cho bé ăn hải sản các mẹ phải chọn loại còn tươi, không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn cho bé.
Cá hồi có rất nhiều lợi ích với sức khỏe của trẻ
Tác dụng của cá hồi đối với trẻ em
Giúp bé thông minh hơn
DHA có trong cá hồi đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh. Ăn cá hồi thường xuyên giúp bé nhận thức nhanh nhạy và thông minh hơn.
Cho bé đôi mắt khỏe và sáng hơn
Omega 3 và axit amin có trong cá hồi giúp cải thiện sức khỏe của đôi mắt, ngăn ngừa các vấn đề về thị lực trong đó có bệnh thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Cá hồi là loại cá rất giàu protein, vitamin B, vitamin D, đặc biệt chứa một nguồn axit béo omega-3 phong phú. Axit béo Omega-3 có lợi cho tim mạch, phòng chống suy tim, rối loạn tim mạch…
Tóc óng mượt và da mịn màng hơn
Protein và Omega3 có trong cá hồi giúp cải thiện kết cấu làn da và mái tóc, giúp tóc bé mượt mà và làn da mịn màng hơn, không bị cháy nắng…
Ngoài ra cá hồi còn giúp cơ bắp của bé chắc khỏe.
Các mẹ có thể sử dụng cá hồi làm nguyên liệu chế biến món ăn dặm cho trẻ, rất tốt cho sức khỏe của bé. Mời các mẹ tham khảo thêm các món cháo ăn dặm làm từ cá hồi.
Một số biểu hiện con bị dị ứng với hải sản mẹ có thể dễ dàng nhận ra ngay
Con bị tổn thương ở da như nổi mề đay hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.
Nguy hiểm nhất là một số trường hợp, dị ứng có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp gây khó thở. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Trong một số ít trường hợp dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ và gây tử vong, nhất là ở những trẻ em dưới 2 tuổi.
Có khi bị dị ứng, bé chỉ có biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như thái độ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn…
Cách xử lý khi trẻ bị dị ứng hải sản
Nếu không may con bị dị ứng với hải sản, cách tốt nhất là làm thế nào để con có thể nôn hoặc đi ngoài ra lượng thức ăn đó càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp nặng, mẹ nên đưa con đi bác sỹ để được khám và chữa trị kịp thời. Khi con bị dị ứng, mẹ không nên sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
Cần chú ý gì khi lựa chọn, sơ chế, bảo quản cá hồi?
Kinh nghiệm chọn mua cá hồi
Với tình trạng biển bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, cá hồi cũng có thể nhiễm phải một số kim loại độc hại như chì, thủy ngân, domoic axit,… là một trong số những nhân tố gây nên bệnh ung thư. Vì vậy, chúng ta nên lựa chọn cá hồi ở các cơ sở đảm bảo, chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Cũng có thể quan sát qua đặc điểm bên ngoài như: mắt cá hồi phải trong, con ngươi phải đen sáng, mang cá hồi không thâm, thịt cá hồi tươi phải chắc và đàn hồi. Nên kiểm tra qua trong bụng cá hồi để chắc chắn rằng không có những vết máu hay những vùng thẫm màu.
Cách sơ chế cá hồi khỏi tanh
Nếu không sơ chế thật tốt, thịt cá sống sẽ dễ gây nhiễm khuẩn và có mùi tanh. Sau khi đã lựa chọn được cá hồi đảm bảo, chúng ta cũng cần chú ý đến việc sơ chế đúng cách. Việc lọc xương nên được tiến hành cẩn thận. Lưu ý đến các xương lẻ dính trong thịt cá, có thể sử dụng nhíp nhổ để gắp ra tránh bị hóc xương khi ăn. Ngoài ra, để làm giảm mùi tanh cũng như loại bỏ các chất bẩn trên mình cá, chúng ta có thể sử dụng nước muối hoặc muối hột xát lên cá, sau đó ngâm cá đã làm sạch vào nước lạnh có pha ít giấm, hoặc trộn vào cá một ít hạt tiêu hay lá nguyệt quế.
Cách bảo quản cá hồi
Ướp lạnh cá để bảo quản, dùng trong vòng 24 giờ. Tránh sử dụng thịt cá đã đổi màu hay chảy nước. Đối với cá đông lạnh, khi muốn sử dụng phải cho vào ngăn mát để rã đông từ từ. Nếu ngay lập tức để ra môi trường ngoài hoặc sử dụng lò vi sóng, thịt cá sẽ bị rã nát. Để bảo quản lâu hơn, chúng ta nên để cá đông lạnh. Cá hồi đông lạnh có thể bảo quản trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên trong trường hợp quá trình đông lạnh này bị ngắt quãng thì toàn bộ việc bảo quản sẽ không còn giá trị, chúng ta bắt buộc phải sử dụng toàn bộ thịt cá sau lần rã đông đầu tiên.