8 tác dụng của rau mầm và cách chế biến dành cho mẹ đảm
Rau mầm được mọi người ví như một thực phẩm siêu lành mạnh cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Vậy hãy cùng MarryBaby tìm hiểu về tác dụng của rau mầm mang lại cho sức khỏe của chúng ta là những gì nhé!
Tác dụng của rau mầm đối với mẹ bầu
Rau mầm là gì?
Rau mầm là loại rau sạch, được trồng từ các loại hạt giống như đậu xanh, đậu đỏ, cải bẹ xanh, cải ngọt, cải cúc, rau dền… Ăn rau mầm, bạn sẽ cảm nhận được vị cay, nồng và một chút ngọt.
Thời gian thu hoạch của rau mầm thường rất ngắn, chỉ từ 4 đến 15 ngày tuổi. Khác với những loại rau thông thường, rau mầm không sử dụng đất thật, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng thuốc tăng trưởng. Chính vì vậy, tác dụng của rau mầm luôn được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng mang lại cho sức khỏe của mỗi người.
Thành phần dinh dưỡng của rau mầm
Theo một số nghiên cứu, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong rau mầm cao gấp 5 lần so với rau thông thường. Bên cạnh cung cấp cho cơ thể những vitamin cần thiết như vitamin A, B, C, E… rau mầm còn chứa nhiều chất xơ, canxi, axit amin.
Ngoài ra, đây còn là loại rau cung cấp dồi dào hàm lượng carotene, chlorophyl, đạm dễ tiêu. Nhờ vậy, rau mầm ngày càng được sử dụng rộng rãi và luôn được các bà nội trợ ưu tiên thêm vào trong thực đơn hàng ngày của gia đình.
Tác dụng của rau mầm mẹ cần biết
Tác dụng của rau mầm mẹ cần biết
1. Bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Rau cải mầm có tác dụng gì? Có thể kể đến tác dụng của rau mầm đầu tiên là tốt cho hệ tiêu hóa. Bởi lượng chất xơ dồi dào có trong rau mầm giúp hệ tiêu hóa tránh được các tình trạng như táo bón.
Đặc biệt, rau mầm chứa hàm lượng enzyme sống cao có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng. Nhờ những enzyme tiêu hóa, khi ăn rau mầm cơ thể bạn sẽ đẩy lùi chứng đầy hơi và khó tiêu.
Hơn nữa, trong rau mầm còn có hàm lượng gluten thấp nên hệ tiêu hóa của bạn sẽ được cải thiện.
>>> Bạn có thể xem thêm: Bà bầu ăn rau muống được không?
2. Rau mầm có tác dụng gì? Ngăn ngừa ung thư
Theo Nhà dinh dưỡng Sheela Sehrawat ở New Delhi, thành phần của rau mầm non có glucoraphanin gấp 10 đến 100 lần.
Đây là một loại enzyme bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư. Hơn nữa, nó cung cấp chất chống oxy hóa và tăng hoạt động của chất diệp lục giúp giải độc cơ thể của bạn bằng cách tăng cường mức oxy trong cơ thể.
3. Tăng cường tuần hoàn máu
Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, phòng ngừa ung thư, ăn rau mầm thường xuyên còn giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh. Theo đó các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng rau mầm chứa axit béo omega-3 sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol tốt và làm giảm cholesterol có hại trong mạch máu. Từ đó, hệ tuần hoàn máu được vận hành trơn tru, cung cấp máu đến não và tim nhanh chóng.
4. Tác dụng của rau mầm giúp giảm cân
Một trong những thực phẩm được khuyến khích dành cho người giảm cân chính là rau mầm. Mặc dù chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng rau mầm lại có lượng calo không đáng kể. Do vậy, bạn có thể thoải mái ăn rau mầm mà không phải lo lắng về vấn đề cân nặng.
5. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Như đã nói ở trên, rau mầm chứa hàm lượng vitamin C dồi dào và nó cũng được xem là một chất kích thích các tế bào bạch cầu trong cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đồng thời, lượng vitamin A trong rau mầm non có một số đặc tính chống oxy hóa giúp củng cố và cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả.
6. Cải thiện sức khỏe thị lực, một công dụng của rau mầm
Hẳn là bạn cũng đã biết vitamin A có mối liên quan mật thiết đến sức khỏe thị lực. Hàm lượng vitamin A có trong rau mầm không chỉ tăng cường sức đề kháng mà còn giúp bạn cải thiện tình trạng thị lực. Vì vậy, hãy ăn rau mầm để có một đôi mắt sáng khỏe.
7. Rau mầm có tác dụng gì? Hạn chế rụng tóc và kích thích mọc tóc
Bạn cảm thấy bối rối khi tóc càng ngày càng thưa, da đầu nhờn, nhiều gàu hoặc tóc bạc sớm? Chớ vội lo. Bởi bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục được những tình trạng này bằng cách ăn rau mầm thường xuyên. Sự hiện diện của hàm lượng vitamin A, vitamin B, kẽm, chất chống oxy hóa… có trong rau mầm sẽ giúp bạn có mái tóc chắc khỏe.
8. Công dụng của rau mầm giúp làn da khỏe và tươi trẻ
Đây đúng là tin vui dành cho chị em. Ăn rau mầm vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp làn da khỏe, tươi trẻ hơn. Vitamin C và chất chống oxy hóa có trong loại rau non này có khả năng bảo vệ da, cung cấp độ đàn hồi cho da. Đồng thời, hàm lượng axit béo omega-3 có thể giúp da của bạn tránh được tình trạng mụn trứng cá.
Các loại rau mầm
Các loại rau mầm
Rau mầm thực sự tốt đối với sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng các loại rau mầm phổ biến như:
- Rau mầm họ cải: củ cải trắng, cải đỏ, cải ngọt, cải thìa, cải xoong, cải mầm…
- Rau mầm họ đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu Hà Lan.
- Ngoài ra còn có mầm lạc, vừng; mầm hạt rau muống, rau dền; mầm hạt hướng dương; mầm mướp đắng.