Ở lứa tuổi mầm non, não bộ và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, trẻ cần rất nhiều năng lượng để đảm bảo các hoạt động vui chơi, học tập. Do đó trẻ em trong độ tuổi mầm non rất cần được chăm sóc bởi một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Các bậc phụ huynh cần trang bị nhiều kiến thức để xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho trẻ khoa học và đúng cách. Như chúng ta đã biết dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh ra cộng đồng, để giúp trẻ tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh, thì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ là rất quan trọng.
I. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non
1. Thực phẩm chất bột đường
Nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu hàng ngày cho trẻ là cơm. Tuy nhiên ngoài cơm, bạn có thể bổ sung những thức ăn từ bánh mì, khoai lang, khoai tây, ngũ cốc, mì ống…Để tránh tình trạng trẻ nhàm chán, biếng ăn, bạn có thể thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm, làm đa dạng hơn thực đơn hàng ngày của trẻ.
2. Thực phẩm chất đạm
Thịt, cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa hay các loại đậu, ngũ cốc là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời cho trẻ. Trẻ cần ăn một ngày 2 bữa đầy đủ đạm, đây là nguồn thực phẩm cung cấp các acid amin cần thiết cho hoạt động của não bộ.
3. Thực phẩm chứa chất béo có lợi
Chất béo rất cần thiết cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ cần được cung cấp chất béo cần thiết cho quá trình tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ. Theo các chuyên gia, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo trong những năm đầu đời. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không thể nào thiếu dầu, thịt, bơ, sữa, phomai…
4. Thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất.
Trẻ nhỏ cần ăn nhiều rau, củ để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ
Không phải trẻ nào cũng thích ăn rau, củ, quả. Tuy nhiên đây là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, hỗ trợ phòng ngừa táo bón. Ngoài ra, các vitamin có trong hoa quả còn giúp trẻ ngăn ngừa một số bệnh. Ví dụ: vitamin C có trong cam, quýt, ổi giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh xa các bệnh cảm, cúm thông thường; vitamin A có trong cà rốt, cà chua giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt…
Bạn có thể linh hoạt chế biến nguồn nguyên liệu này bằng nhiều cách: nấu canh, ăn trực tiếp, trộn với sữa chua, xay nước ép, sinh tố…Cha mẹ cũng có thể thường xuyên cho bé ăn các bữa phụ với trái cây thái nhỏ, rất dễ ăn và được nhiều bé yêu thích.
II. Thực phẩm và đồ uống cho trẻ mầm non cần tránh
1. Thực phẩm không tốt cho trẻ
Ở trẻ nhỏ, mọi thứ còn non nớt, nhất là với hệ tiêu hóa và đường ruột. Vậy nên chúng ta cần lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, không chất độc hại. Để tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ, chúng ta nên tránh cũng như hạn chế những loại thực phẩm sau:
- Đồ ngọt và nhiều thực phẩm có đường nếu trẻ ăn nhiều sẽ dễ tăng cân và bị hỏng răng.
- Thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến bé thừa cân.
- Những món cứng, quá rắn ảnh hưởng đến răng của bé: hoa quả khô, các loại hạt, bánh kẹo cứng…Tốt nhất nên cho bé ăn đồ đã được thái nhỏ, nấu chín mềm.
- Các món ăn chế biến sẵn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Đồ uống không “thân thiện” với trẻ mầm non
- Thức uống có ga, đồ đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản cần hạn chế cho trẻ dùng.
- Trà và cà phê nên tránh trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ mầm non. Bởi chúng sẽ làm giảm quá trình hấp thu sắt.
- Lưu ý đối với nước ép hoa quả, các mẹ nên cân nhắc với lượng vừa phải. Tuyệt đối không cho bé uống quá nhiều lần trong ngày. Bởi trong nước hoa quả có tính axit có thể phá hủy men răng sữa còn mỏng của bé.
Tuy rằng khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần cân bằng và lựa chọn đầy đủ chất nhưng không có nghĩa là bạn quá khắt khe, quản lý nghiêm ngặt chuyện ăn uống của con. Đừng ép con ăn những món không thích! Hãy từ từ tạo hứng thú trong mỗi bữa ăn để trẻ đạt hiệu quả lâu dài. Hy vọng một số chia sẻ trên giúp các bậc phụ huynh phần nào chăm sóc tốt hơn trong thời gian trẻ ở nhà.