Bé yêu nhà bạn không chỉ thuộc diện trẻ chậm tăng cân mà còn thấp bé hơn trẻ đồng lứa dù bé ăn khá nhiều. Cùng tham khảo nguyên nhân bé 2 – 6 tuổi chậm tăng cân và 7 cách giúp trẻ cải thiện cân nặng.
Dấu hiệu trẻ chậm tăng cân
Giai đoạn 2 – 6 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu chuyển mình từ một em bé thành những cô bé, cậu bé năng động, nhanh nhẹn, sẵn sàng khám phá thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bé cần có một cơ thể khỏe mạnh. Cân nặng là một trong những chỉ dấu quan trọng giúp bố mẹ theo dõi tình trạng sức khỏe và sự phát triển của con.
Tình trạng trẻ tăng cân chậm không phải là một chứng bệnh mà là cảnh báo cho thấy bé có thể đang gặp vấn đề trong việc không nạp đủ năng lượng và dưỡng chất để phát triển.
Một số dấu hiệu chậm tăng cân ở trẻ 2 – 6 tuổi là:
- Có cân nặng và chiều cao thấp hơn so với chuẩn
- Thấp bé hơn so với đại đa số bạn bè cùng trang lứa
- Hay ốm vặt
- Kỹ năng vận động kém hơn bạn đồng lứa
Nguyên nhân trẻ chậm tăng cân
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc trẻ chậm tăng cân, tiêu biểu là:
- Chế độ ăn không đáp ứng đúng nhu cầu: Bé ăn không đủ nhu cầu hoặc bé ăn nhiều nhưng không tăng cân do chế độ ăn thiếu đa dạng, dẫn đến việc thiếu dưỡng chất để phát triển.
- Mê chơi: Bé từ 2 – 6 tuổi đang trong độ tuổi ham chơi, thích khám phá nên có thể vì mê chơi mà ăn ít hoặc ăn uống vội vàng, không nhai nuốt kỹ dẫn đến tiêu hóa kém.
- Bệnh lý: Bé có vấn đề về tiêu hóa, nhai nuốt kém dẫn đến việc hệ tiêu hóa không hấp thụ được đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu.
- Chứng biếng ăn – kén ăn: Trẻ biếng ăn hoặc kén ăn, ăn ít hơn nhu cầu năng lượng của cơ thể.
- Tâm lý: Gia đình có mâu thuẫn, bố mẹ thiếu quan tâm, bé trải qua cú shock tâm lý… nên ăn ít và hấp thu kém.
7 giải pháp cho mẹ có con chậm tăng cân
1. Trẻ chậm tăng cân cần chế độ ăn đa dạng, cân bằng
Trẻ nhỏ thường thích ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn vặt nghèo dưỡng chất hoặc đòi ăn đi ăn lại một món ăn đơn điệu như mì gói, cơm chiên trứng… Do đó, bé ăn nhiều nhưng không tăng cân vì con ăn thức ăn nghèo dưỡng chất trong thời gian dài. Hãy đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ:
- Chất đạm từ các loại thịt nạc, cá, hải sản, trứng, sữa, sữa chua, phô mai, đậu hũ…
- Tinh bột đường từ các thực phẩm lành mạnh như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, các loại bánh giàu dinh dưỡng, trái cây…
- Chất xơ từ rau củ quả tươi, trái cây, ngũ cốc nguyên cám…
- Chất béo từ dầu ô liu, trái bơ, phô mai, trứng, sữa chua…
- Vitamin và khoáng chất từ rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, sữa được bổ sung vitamin và khoáng chất…
2. Chia nhỏ khẩu phần ăn
Bé ăn nhiều nhưng không tăng cân còn có thể là do ăn quá nhiều trong một bữa dễ khiến bé bị ngấy, khó tiêu, lâu dần dẫn đến chậm tăng cân. Thay vì để bé ăn nhiều trong một bữa, hãy chia nhỏ khẩu phần ăn thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày. Mỗi bữa ăn nên cách nhau từ 2-3 giờ để đảm bảo dạ dày bé có đủ thời gian tiêu hóa hết thức ăn và bé đói và hào hứng ăn khi đến bữa tiếp theo.
3. Trẻ tăng cân chậm cần bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, rất phù hợp với trẻ nhỏ do có thành phần cân đối, hợp lý. Không chỉ là nguồn cung cấp đạm, sữa còn bổ sung canxi giúp bé phát triển xương và răng chắc khỏe. Mẹ có thể cho bé uống sữa hoặc dùng chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua thay cho 1-2 bữa phụ mỗi ngày.
Vậy trẻ tăng cân chậm nên uống sữa gì? Mẹ hãy ưu tiên sữa có thành phần quan trọng là đạm chất lượng cao và các loại lợi khuẩn bởi:
- Đạm: Ưu tiên loại đạm chất lượng cao giúp dễ tiêu hóa nhờ vào các thành phần whey vượt trội, thân thiện với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.
- Lợi khuẩn là các “chiến binh” đường ruột giúp củng cố sức mạnh của hệ tiêu hóa của trẻ, tăng cường đề kháng, giúp bé hấp thụ dưỡng chất tốt hơn để phát triển chiều cao tối ưu.
4. Cho bé uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, uống đủ nước giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, phần nào sẽ khắc phục được tình trạng trẻ chậm tăng cân. Mẹ hãy đảm bảo bé được cung cấp đủ nước và sữa mỗi ngày. Hãy chọn sữa có bổ sung lợi khuẩn Bifidus BL giúp củng cố hệ lợi khuẩn trong ruột. Đội quân lợi khuẩn này hoạt động hiệu quả sẽ giúp bé tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dưỡng chất tốt hơn, giảm nguy cơ nhiễm bệnh về đường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, giúp con phát triển thể chất (chiều cao và cân nặng) tốt hơn.
5. Không nên ép trẻ ăn dù bé chậm tăng cân
Vì lo lắng, muốn bé nhanh tăng cân, nhiều phụ huynh lại chọn cách ép trẻ ăn, thậm chí la rầy, quát mắng trẻ trong bữa ăn. Điều này sẽ khiến bé hình thành nỗi sợ với thức ăn và không còn hứng thú với việc ăn uống. Thay vì ép con ăn, mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân bé chán ăn, thay đổi cách chế biến, cho bé thử nhiều món ăn mới lạ, rủ bé cùng đi chọn thực phẩm và phụ mẹ chế biến món ăn để bé hào hứng hơn với món ăn do chính mình làm ra…
6. Vận động thể chất đầy đủ
Vận động giúp bé tăng cường trao đổi chất, xây dựng hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, kích thích nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón. Bé vận động nhiều, tiêu hao năng lượng nhanh cũng sẽ thèm ăn và ăn khỏe hơn khi đến bữa. Hãy khuyến khích con ra ngoài chơi, nô đùa cùng bạn bè mỗi ngày, thường xuyên dẫn bé đi bơi, đi công viên…
7. Trẻ chậm tăng cân cần khám sức khỏe, tẩy giun định kỳ
Giun sán – “những kẻ không mời mà đến” cũng có thể là nguồn cơn khiến bé ăn bao nhiêu cũng không lớn vì bao nhiêu dưỡng chất đã bị giun sán hấp thụ hết. Từ sau 2 tuổi, mẹ có thể cho bé đi tẩy giun định kỳ 6 tháng/1 lần và đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề cản trở quá trình phát triển về cân nặng.
Nếu mẹ đã thử đủ cách nhưng tình trạng chậm tăng cân của trẻ vẫn tiếp diễn, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và cách giải quyết.