Trẻ bị ốm sẽ mệt mỏi, chán ăn, ăn ít, thậm chí cảm thấy sợ ăn vì ảnh hưởng của thuốc trị bệnh. Chính vì vậy, nhiều mẹ quyết định cắt giảm khẩu phần ăn của trẻ hoặc chỉ cho trẻ ăn cháo trắng để dễ nuốt. Đây chính là lý do góp phần khiến cho trẻ bị ốm thường thiếu dinh dưỡng, vitamin. Nếu cha mẹ chăm sóc trẻ không đúng cách có thể khiến trẻ bị suy nhược, sụt cân, bệnh nặng hơn và chậm hồi phục. Dưới đây là những nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ mà cha mẹ cần biết.
Nguyên tắc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đang bị bệnh
Nguyên tắc trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đang bị bệnh
Trẻ bị ốm sẽ không muốn ăn, càng bị ép ăn trẻ càng phản ứng và quấy khóc, quậy phá. Còn các mẹ khi thấy con không ăn sẽ càng căng thẳng, sốt ruột. Tình trạng này kéo dài sẽ càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn
Khi bị ốm, hệ tiêu hóa của trẻ cũng bị yếu đi. Thức ăn vào cơ thể không được tiêu hóa tốt sẽ gây khó chịu trong bụng, thậm chí cả đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, mẹ không nên ép trẻ ăn nhiều một lúc mà nên chia thành những bữa nhỏ, thức ăn nên được chế biến ở dạng mềm hoặc lỏng. Thức ăn dạng lỏng như soup, sữa, cháo, nước ép, sinh tố... vừa dễ tiêu, vừa dễ nuốt sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng (bột, béo, đạm, xơ) trong các món ăn của trẻ. Để bé không bị ngán, mẹ có thể thay đổi cách chế biến hàng ngày sao cho phù hợp với khẩu vị và sở thích của trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ cần chú ý bổ sung những thực phẩm giàu vitmain A, kẽm và chất sắt như các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ... vào bữa ăn để tăng sức đề kháng, trẻ nhanh khỏi bệnh.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý một số vấn đề khác khi chăm sóc trẻ ốm, chẳng hạn như: Đồ ăn phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, không gây dị ứng với cơ địa của trẻ... Nếu trẻ vẫn bú mẹ thì cần tiếp tục cho bú như bình thường.
Lưu ý các chất dinh dưỡng cần thiết khi chăm sóc cho trẻ
Lưu ý dinh dưỡng cho trẻ trong một vài trường hợp phổ biến
Khi trẻ bị sốt
Trong lúc bị sốt, trẻ cũng có phản ứng như người lớn như đau mỏi người, miệng nhạt, chán ăn... Dù có thương con bao nhiêu và biết rằng bổ sung dinh dưỡng là việc hết sức cần thiết thì cha mẹ cũng đừng ép con ăn lúc này.
Thay vào đó, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước vì trẻ bị sốt thường bị mất nước và điện giải. Cần tiếp tục cho con ăn uống và bú mẹ, nên chọn nhóm thức ăn giàu năng lượng nhưng ở dạng lỏng, lạnh, lạt như trên để trẻ dễ ăn và tiêu hóa, tuyệt đối không được cho trẻ ăn kiêng sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, gây sụt cân, kiệt sức, giảm sức đề kháng...
Lưu ý chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bị sốt
Khi trẻ bị ho
Những cơn ho khiến trẻ vô cùng khó chịu trong họng và khi ăn trẻ luôn cảm thấy vướng nên muốn nôn ra. Trong trường hợp trẻ bị ho, mẹ nên cho trả ăn món ăn nhiều nước để làm loãng đờm nhớt ở cổ họng, giảm cảm giác kích thích gây ho nhiều lần.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên hạn chế những món ăn chế biến có nhiều mỡ như chiên, xào... hoặc đồ ăn có chất tanh như cá vì nó khiến trẻ dễ bị nôn hơn.
Khi trẻ bị tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy có thể làm cho cơ thể trẻ bị mất nhiều nước, vì vậy bên cạnh việc cho uống dung dịch bù nước Oresol, các mẹ nên cho con uống nhiều nước (nước lọc, nước canh). Với những trẻ vẫn bú mẹ thì nên tiếp tục cho trẻ bú và người mẹ cần ăn nhiều đạm (thịt, cá) và hạn chế ăn chất xơ như rau xanh.
Có nhiều mẹ quan niệm khi con bị tiêu chảy không nên cho ăn nhiều vì ăn vào bao nhiêu thì ra hết bấy nhiêu, chỉ nên ăn cháo trắng và muối. Điều này là hết sức sai lầm, cha mẹ không những không được bắt con ăn kiêng mà cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho bé.
Khi trẻ bị tay chân miệng
Khi bị tay chân miệng, trẻ bị các tổn thương trong miệng nên sẽ rất khó chịu mỗi khi phải ăn, nuốt. Thay vì kiên quyết bắt con ăn để "được ít nào hay ít đó", mẹ hãy áp dụng nguyên tắc 3L với tiêu chí rất dễ nhớ là: Thức ăn đảm bảo: Lỏng, lạnh và lạt (nhạt).
Thức ăn lỏng, mềm không những dễ tiêu hóa mà khi vào miệng sẽ không gây đau đớn. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và ăn được nhiều hơn.
Thức ăn lạnh khi vào dạ dày cũng khiến trẻ cảm thấy dễ chịu. Khi bé bị bệnh có tổn thương trong miệng (tay chân miệng, viêm họng, ho rát họng...) thì càng nên ăn thức ăn lạnh vì nó sẽ không kích thích vết thương trong miệng của trẻ, làm cho trẻ dễ nuốt hơn.
Đồ ăn nhiều gia vị thường kích thích dạ dày của trẻ, khiến trẻ khó chịu. Không những thế, nhóm thực phẩm này còn khó tiêu, thậm chí gây ra kích ứng trong đường tiêu hóa. Với cơ địa đang bị yếu, trẻ sẽ không có đủ sức để chống lại những rắc rối này. Đặc biệt, nếu trẻ bị thương trong miệng mà ăn đồ ăn nhiều gia vị như quá chua, cay, mặn... thì sẽ gây ra phản ứng đau, xót... càng làm cho trẻ sợ ăn hơn. Vì vậy, nên cho trẻ ăn lạt.