Chế độ dinh dưỡng hợp lý là chìa khóa tăng sức đề kháng cho bé, đặc biệt vào mùa dịch
Sức đề kháng chính là yếu tố chống lại các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt đối với những cá thể non nớt như trẻ em. Nó được coi là “hàng rào phòng thủ” giúp cho trẻ chống lại các virus, vi khuẩn hoặc tác nhân gây bệnh khác. Trẻ hay bị ốm vặt, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp là biểu hiện của sức đề kháng yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bố mẹ nên chú ý bổ sung các vi chất để hỗ trợ sức đề kháng tối ưu.
Chất đạm (protein) – nguồn nuôi dưỡng các tế bào để tăng sức đề kháng cho bé
Protein là thành phần cấu tạo chính của tế bào bạch cầu – lớp bảo vệ quan trọng cho cơ thể. Đây cũng là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Protein chứa nhiều trong thịt động vật và thực vật, bé nên được bổ sung nên được bổ sung protein cân bằng từ hai nguồn này.
Các thực phẩm giàu protein động vật như: thịt heo, bò, gà, tôm, cua… và trứng chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu và cung cấp thêm sắt, vitamin B12. Trong thịt động vật có nhiều protein tham gia quá trình miễn dịch cho cơ thể. Vì vậy, chất protein động vật phòng bệnh rất tốt cho trẻ nhỏ.
Trứng, sữa, thịt động vật, rau xanh,… là nguồn cung cấp protein dồi dào
Protein thực vật tuy thiếu một số amin thiết yếu hay khoáng chất như vitamin D, vitamin B12 nhưng giàu axit béo chưa no nên rất tốt cho sức khỏe. Trong thực vật không chứa các cholesterol nên bé vẫn được cung cấp đầy đủ năng lượng mà không gây béo phì. Protein thực vật chứa nhiều trong các loại đậu, đỗ, hạt hướng dương,…
Sữa cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào. Bên cạnh đó, thành phần dinh dưỡng trong sữa bổ sung đa dạng các loại vitamin, chất béo, khoáng chất cần thiết. Mẹ có thể cho bé uống từ 1 – 2 ly sữa mỗi ngày để cân bằng dưỡng chất. Sữa là nguồn cung cấp dưỡng chất đầy đủ và tiện lợi cho mẹ và bé.
Tăng sức đề kháng cho bé không thể thiếu các loại vitamin và khoáng chất
Vitamin A có chức năng duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Các kháng thể được sinh ra trên bề mặt niêm mạc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng hoặc đỏ.
Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh. Trong cơ thể, vitamin E có thể làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn. Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Các loại vitamin A, C, D, E,… và khoáng chất: sắt, kẽm, selen,… hỗ trợ chức năng miễn dịch và tăng sức đề kháng tốt nhất cho bé
Vitamin C là một trong những vitamin quan trọng nhất giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nó như một chất phản ứng, g`iúp ức chế sự tổng hợp của virus mới và chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…
Vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Thiếu vitamin D, các tế bào miễn dịch không thể phản ứng thích hợp. Khi hệ miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Bố mẹ nên tăng cường chế biến các thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bé hàng ngày.
Thiếu kẽm làm hạn chế phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch. Thiếu sắt làm giảm quá trình tạo hồng cầu, sinh ra cơ thể mệt mỏi và cơ thể dễ nhiễm trùng. Sắt và kẽm làm vết thương mau lành, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ miễn dịch. Các loại động vật có vỏ như: hàu, cua… là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng giàu sắt, cơ thể bé dễ dàng hấp thụ.
Selen ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, bao gồm sự sản sinh của bạch cầu. Thiếu hụt selen gây ra ức chế chức năng miễn dịch. Bổ sung đủ selen giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển…
Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày
Chất xơ trong rau xanh làm sạch đường ruột, hỗ trợ hệ miễn dịch
Bố mẹ nên bổ sung cho bé 10 gam – 11 gam chất xơ mỗi ngày. Chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa, làm sạch đường ruột, góp phần tăng cường miễn dịch. Rau xanh là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Ngoài ra, rau xanh chứa nhiều vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Súp lơ, rau bó xôi, rau cải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi trẻ bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, muối khoáng, sắt và axit hữu cơ. Mặc dù không nhìn thấy lợi ích ngay lập tức, rau xanh vẫn có đặc tính kháng virus.
Uống đủ nước để thải bỏ độc tố tích tụ
Cơ thể cần nước để hoạt động hiệu quả, đặc biệt đối với nhiều thành phần phức tạp của hệ miễn dịch. Ví dụ miệng và cổ họng là tuyến đầu ngăn chặn vi khuẩn, virus nhưng không thể hoạt động hiệu quả khi mất nước. Thiếu nước làm cơ thể bé dần tích tụ độc tố và suy yếu chức năng đề kháng. Ngược lại, uống đủ nước làm sạch cổ họng, giúp thận loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Nước có tác dụng đưa bạch cầu đi khắp cơ thể. Đồng thời những chất độc hại được đào thải qua tuyến mồ hôi. Một lượng nước vừa đủ mỗi ngày sẽ tăng cường trao đổi chất ở trẻ, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào. Cha mẹ cần luyện tập thói quen uống nước thường xuyên ở trẻ.
Các tác nhân gây hại có ở mọi nơi, xung quanh môi trường sống. Do đó, tăng cường sức đề kháng cho bé là điều quan trọng. Đặc biệt vào mùa dịch và nóng ẩm, bố mẹ nên lưu ý bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để bé luôn khỏe mạnh.