ó rất nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B, vitamin C), vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K), vi khoáng chất (sắt, kẽm, iốt)… Thiếu vi chất dinh dưỡng thường khó nhận biết nên được gọi là “nạn đói tiềm ẩn”.
Hậu quả khi thiếu vi chất dinh dưỡng
- Biểu hiện sớm nhất của thiếu vitamin A là “quáng gà”, nặng hơn sẽ là “khô mắt”, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến loét giác mạc gây mù lòa. Thiếu vitamin A cũng làm cho trẻ bị chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp, sởi, tiêu chảy và nhiễm trùng da.
- Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực.
- Phụ nữ mang thai bị thiếu iốt sẽ dễ bị sẩy thai, thai chết lưu, sanh non. Trẻ bị thiếu iốt từ trong bào thai sẽ bị tổn thương não nặng nề như đần độn và bị các khuyết tật thần kinh khác.
Trẻ thiếu iốt ở giai đoạn não phát triển nhanh, đặc biệt là dưới 2 tuổi cũng gây hậu quả nặng nề, không thể hồi phục. Trẻ em tuổi học đường nếu bị thiếu iốt sẽ bị giảm chỉ số thông minh làm giảm thành tích học tập.
- Người trưởng thành bị thiếu các vi chất dinh dưỡng nêu trên cũng sẽ giảm năng suất lao động (cả lao động trí óc lẫn lao động cơ bắp).
Ai dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng?
Trẻ em và phụ nữ mang thai rất dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng do nhu cầu tăng cao nhưng chế độ ăn chưa đáp ứng đủ.
- Trẻ sanh non, không được bú mẹ rất dễ bị thiếu vitamin A và thiếu chất sắt. Trẻ sinh ra từ mẹ bị thiếu iốt cũng sẽ bị thiếu iốt.
- Trẻ có chế độ ăn dặm đơn điệu, không đa dạng, ăn kém (biếng ăn) cũng dễ bị thiếu các vi chất nêu trên.
- Trẻ nhỏ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và nhiễm giun làm hao hụt nhiều vitamin A và chất sắt, kẽm.
- Trẻ lớn có thể tự chọn thức ăn cho mình nhưng chế độ ăn không đa dạng cũng dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng.
- Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu vi chất do nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng cao trong quá trình mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
- Phụ nữ tuổi sanh đẻ cũng dễ bị thiếu chất sắt do lượng sắt mất sinh lý hàng tháng qua chu kỳ kinh nguyệt nhưng chế độ ăn có thể không đáp ứng đủ.
Phòng ngừa thiếu vi chất bằng cách nào?
- Đa dạng hóa bữa ăn, chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Vitamin A có trong gan, thịt, cá, trứng, sữa toàn phần, rau quả xanh và vàng đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…). Chất sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, trứng, hoặc rau xanh, đậu hạt, mè.
- Chú ý kết hợp cách ăn uống hợp lý: bữa ăn có chất béo giúp hấp thu tốt vitamin A. Trái cây và rau tươi có vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt, kẽm từ thức ăn nguồn thực vật. Không uống trà, cà phê ngay sau bữa ăn. Uống sữa thành bữa riêng biệt với bữa ăn chính.
- Dùng thực phẩm bổ sung vi chất: dùng muối iốt và các chế phẩm có bổ sung iốt thay cho muối thường và các gia vị mặn không có iốt trong chế biến thức ăn hàng ngày cho gia đình (nhưng không nêm mặn), sử dụng bột ăn dặm có bổ sung vi chất, dùng dầu ăn có bổ sung vitamin A…
- Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng, trẻ dưới 5 tuổi bị sởi hoặc sau những đợt bệnh nhiễm trùng liên tục (viêm hô hấp tái đi tái lại, tiêu chảy kéo dài) và bà mẹ ngay sau sanh. Bổ sung sắt cho bà mẹ mang thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và bú sớm sau sanh để nhận được sữa non giàu dinh dưỡng.
- Vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng đối với trẻ trên 2 tuổi. Chủng ngừa đúng lịch cho trẻ để hạn chế nguy cơ bệnh nhiễm trùng (vì đây cũng là nguyên nhân làm hao hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ).